Hàng trăm nhân viên y tế Indonesia nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vắc-xin Sinovac
- Gia Huy
- •
Các quan chức Indonesia cho biết, hơn 350 bác sĩ cũng như nhân viên y tế ở Indonesia dù đã được tiêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc nhưng vẫn bị nhiễm COVID-19 và hàng chục người đã phải nhập viện. Đáng chú ý là hiện ngày càng có nhiều lo ngại về hiệu quả của một số loại vắc-xin đối với các biến thể dễ lây nhiễm hơn.
Theo ông Badai Ismoyo, người đứng đầu văn phòng y tế của quận Kudus nằm ở miền trung Java, hầu hết các nhân viên y tế không có triệu chứng và tự cách ly tại nhà, nhưng hàng chục người đã phải nhập viện với triệu chứng sốt cao và mức độ bão hòa oxy giảm.
Quận Kudus có khoảng 5.000 nhân viên y tế đang phải chống chọi với một đợt bùng phát của virus corona được cho là do biến thể Delta dễ lây truyền hơn gây ra, khiến tỷ lệ lấp đầy giường bệnh lên hơn 90%.
Được chỉ định là nhóm ưu tiên, các nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm vắc-xin khi việc tiêm chủng bắt đầu vào tháng 1.
Hiệp hội Y tế Indonesia (IDI) thông báo, hầu hết tất cả nhân viên y tế được tiêm vắc-xin COVID-19 do công ty dược phẩm sinh học Sinovac của Trung Quốc phát triển.
Theo tổ chức sáng kiến dữ liệu LaporCOVID-19, mặc dù số nhân viên y tế Indonesia tử vong do COVID-19 đã giảm mạnh từ 158 người vào tháng 1 xuống còn 13 người trong tháng 5, nhưng các chuyên gia y tế cộng đồng nhận định số ca nhập viện của các nhân viên y tế ở Java là một vấn đề đáng lo ngại.
Ông Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith của Úc cho hay: “Dữ liệu cho thấy có biến thể Delta (tại Kudus) do đó không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ nhiễm bệnh đột phá cao hơn trước đây, bởi vì, như chúng ta biết, phần lớn nhân viên y tế ở Indonesia được tiêm vắc-xin Sinovac, và chúng ta vẫn chưa biết hiệu quả trong thực tế của vắc-xin này như thế nào đối với biến thể Delta.”
Phát ngôn viên của cả Sinovac và bộ y tế Indonesia đều chưa đưa ra bình luận về hiệu quả của vắc-xin CoronaVac của công ty Trung Quốc này đối với các biến thể mới của virus corona.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vắc-xin của Sinovac trong tháng này. Tổ chức này khẳng định, các kết quả nghiên cứu cho thấy vắc-xin Sinovac có hiệu quả 51% trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhiễm bệnh có triệu chứng, và ngăn ngừa việc nhiễm COVID-19 nghiêm trọng cũng như các trường hợp phải nhập viện ở tất cả những người được nghiên cứu.
Khi Indonesia đã phải vật lộn đối phó với một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất tại châu Á, với hơn 1,9 triệu ca nhiễm bệnh và 53.000 ca tử vong, thì các bác sĩ và y tá của nước này cũng đã phải chịu tổn thất nặng nề với 946 ca tử vong.
Bà Lenny Ekawati của tổ chức LaporCOVID-19 cho biết, nhiều người hiện đang cảm thấy mệt mỏi do đại dịch và do đó có cách tiếp cận ít đề phòng hơn so với các quy trình sức khỏe sau khi được tiêm chủng.
Bà nói: “Hiện tượng đó xảy ra khá thường xuyên trong những ngày này, không chỉ trong cộng đồng, mà còn ở cả các nhân viên y tế. Họ nghĩ rằng bởi vì họ đã được tiêm chủng nên họ an toàn.”
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm biến thể Delta có khả năng lây truyền cao được xác định tại quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới này, dữ liệu đang dần phản ánh một câu chuyện khác.
Theo tổ chức sáng kiến dữ liệu, trên khắp Indonesia, ít nhất năm bác sĩ và một y tá đã tử vong vì COVID-19 bất chấp đã được tiêm chủng, mặc dù mỗi người mới chỉ được tiêm liều đầu tiên.
Hiệp hội Y tế Indonesia cho hay, tại quận Kudus, một bác sĩ cấp cao đã qua đời mặc dù người ta hiểu rằng ông còn bị những bệnh khác.
Tại thủ đô Jakarta, Tiến sĩ Prijo Sidipratomo, một bác sĩ X-quang, phát biểu với Reuters rằng ông biết ít nhất một bác sĩ đã phải nhập viện vì COVID-19 trong tháng qua, mặc dù đã được tiêm chủng, và một người hiện đang được điều trị trong một phòng chăm sóc đặc biệt.
Ông nói: “Điều đó đang báo động cho chúng ta bởi vì chúng ta không thể chỉ dựa vào tiêm chủng.” Ông kêu gọi mọi người thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay cả sau khi tiêm chủng. Nhiều tuần sau ngày lễ Eid Al-Fitr của người Hồi giáo, Indonesia đang trải qua một sự gia tăng đột biến các ca nhiễm bệnh, với tỷ lệ dương tính vượt quá 23% vào ngày 16/6 và số ca nhiễm bệnh hàng ngày gần 10.000 người, số lượng cao nhất kể từ cuối tháng 2.
Trong báo cáo mới nhất của WHO, tổ chức này đã thúc giục Indonesia thắt chặt các biện pháp phong tỏa bởi vì sự lây nhiễm gia tăng do các biến thể đáng lo ngại, cùng nguy cơ thiếu giường bệnh đòi hỏi phải hành động khẩn cấp.
Gia Huy (Theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa Vắc-xin Sinovac Đại dịch COVID-19 COVID-19 ở Indonesia Dòng sự kiện Tiêm vắc-xin COVID-19