Học giả hai nước Trung Quốc và Ấn Độ bình luận về tranh chấp biên giới
- Trí Đạt
- •
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục đối đầu, trước tình hình căng thẳng có thể xảy ra xung đột bất cứ lúc nào, học giả của hai bên cũng đã đưa ra những bình luận.
Khủng hoảng biên giới Trung – Ấn bắt nguồn từ việc quân đội Trung Quốc lấy danh nghĩa sửa đường hồi tháng 6/2017 để đi vào địa phận tranh chấp chưa phân định chủ quyền giữa 3 nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Sau khi phát hiện, Ấn Độ đã điều động quân đội và các thiết bị đến để ngăn Trung Quốc “sửa đường”, chính quyền Trung Quốc tức giận chỉ trích và yêu cầu Ấn Độ rút quân, vì thế mà hai bên xảy ra xung đột.
Sau đó, hai nước bắt đầu khăng khăng những lý lẽ của mình, nhưng đều không có hành động vũ lực nào, tuy nhiên ngày 15/8 có tin quân đội hai nước xảy ra xung đột nhỏ ở vùng tranh chấp phía đông khu Ladakh, “tuyến kiểm soát thực tế” ở hồ Pangong Tso của Tây Tạng tiếp giáp biên giới Ấn Độ. Hai bên lấy đá ném nhau làm 2 nước đều có người bị thương.
Tiếp đó, có tin nói quân đội hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đều đã chuẩn bị xong và sẵn sàng tác chiến.
Nhưng đến ngày 22/8, trên mạng lại có một đoạn video mới nhất quay cảnh binh lính Trung – Ấn giao tranh. Trong video, một bên là binh lính Trung Quốc đang đứng, một bên là binh linh Ấn độ đang đứng, binh lính Ấn độ đang căng tấm áp phích kêu gọi quân đội Trung Quốc “mời quay về”.
Đối với tranh chấp biên giới Trung – Ấn, Bộ trưởng Bộ Nội chính Ấn Độ Rajnath Singh cho biết, vấn đề tranh chấp tại Doklam sẽ nhanh chóng có phương án giải quyết. Ông nói Ấn Độ muốn hòa bình và không muốn xảy ra bất cứ xung đột với nước nào.
Về vấn đề này, giáo sư Joe Thomas Karackattu công tác tại Học viện công nghệ Ấn Độ (Indian institute of technology) có nói với Đài VOA trong tiết mục bình luận thời sự rằng, trong tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, phía Ấn Độ luôn hy vọng hai nước đều có sự nhượng bộ, nhưng phía Trung Quốc lại có ngôn từ mang tính uy hiếp.
“Cần phải làm sáng tỏ, phía Trung Quốc cho rằng khu vực xảy ra xung đột là thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng quốc tế đều biết khu vực Doklam là khu vực có tranh chấp”, ông Karackattu nói, dù Trung Quốc lấy lý do gì để vào khu vực này đi nữa, thì đều là đang thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp Trung – Ấn, và tất nhiên sẽ gây ra xung đột.
Trang tin Initium Media (Hồng Kông) có bài bình luận nói, ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan đều có nhìn nhận khác nhau đối với khu vực tranh chấp này. Trung Quốc cho rằng khu vực giáp ranh 3 nước là khu vực núi Gipmochi, Ấn Độ và Bhutan cho rằng Gipmochi cách phía bắc Batang La 6km.
Giáo sư Tô Hạo công tác tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc nói, phát biểu công khai của Bộ trưởng Rajnath Singh gần đây có 3 ý nghĩa: thứ nhất, Ấn Độ muốn giữ hòa bình với các nước láng giềng; thứ hai, Ấn Độ coi trọng láng giềng Trung Quốc; thứ ba, Ấn Độ muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới.
Ông cho rằng, lời nói của ông Rajnath Singh có ý thăm dò, còn về lập trường của Ấn Độ có thay đổi hay không, thì vẫn cần phải quan sát thêm.
Trên thực tế, tranh chấp tại khu vực Doklam giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn luôn xảy ra, nhưng lần này lại có sự khác thường.
Nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học quốc lập Đài Loan Lưu Phục Quốc từng nói với hãng Thông tấn Trung ương Đài Loan, Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gần kề, vì để tránh rủi ro, nên chính quyền của ông Tập Cận Bình không thể và cũng không muốn xảy ra xung đột quân sự với các nước khác.
Bình luận viên thời sự Chu Minh tại New York phân tích, hiện nay nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc có hai tiếng nói khác nhau về vấn đề tranh chấp biên giới Trung – Ấn: một bên không muốn mâu thuẫn trở nên gay gắt hơn, còn một bên chỉ mong muốn Trung – Ấn lập tức giao chiến.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp biên giới Trung Quốc và Ấn Độ