Học giả Mỹ: Trung Quốc, Bắc Hàn có thể đang làm giả số liệu GDP
Một chuyên gia người Mỹ mới đây đã công bố một nghiên cứu đặc biệt liên kết chỉ số ánh sáng ban đêm với số liệu GDP ở các nước. Qua phân tích số liệu, ông này chỉ ra rằng những quốc gia chuyên chế như Trung Quốc, Bắc Hàn có thể đang thao túng số liệu GDP để phục vụ các mục đích chính trị.
Báo cáo nghiên cứu khoa học của tác giả Luis R. Martinez từ Đại học Chicago, Mỹ với tiêu đề “Chúng ta nên tin vào ước tính GDP của nhà độc tài nhiều bao nhiêu?”, gồm 67 trang, bản mới nhất được cập nhật vào ngày 6/5/2018 và đăng tải toàn văn (bản pdf) trên Mạng Nghiên cứu Khoa học Xã hội.
Qua nghiên cứu này, ông Martinez phát hiện ra rằng GDP ở một số nước có thể sẽ tăng cao hơn khi có một “động lực mạnh mẽ hơn” để làm như vậy, chẳng hạn như trước cuộc bầu cử hoặc sau một năm tăng trưởng thấp hơn dự kiến.
Trong phần Tóm tắt nghiên cứu, học giả Martinez viết: “Mức tăng trưởng cao hơn khi có động lực mạnh mẽ hơn để phóng đại hiệu quả kinh tế (nhiều năm tăng trưởng thấp, trước các cuộc bầu cử hoặc sau khi trở thành nước không đủ điều kiện cho trợ cấp nước ngoài) và chỉ đại diện cho các tiểu hợp phần GDP cái mà phụ thuộc vào thông tin của chính phủ và ít có sự kiểm chứng từ bên thứ ba. Những kết quả này chỉ ra rằng tỉ lệ tăng trưởng GDP hàng năm được tăng khống lên từ 1,15% đến 1,3% ở các nước độc tài toàn trị”.
Để đưa ra được kết luận nêu trên ông Martinez đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh của NASA theo dõi ánh sáng ban đêm và mức độ mà chúng thay đổi trong các quốc gia theo thời gian.
Theo Washington Post, ông Martinez đã nghiên cứu các dữ liệu vệ tinh thay đổi trong 25 năm qua và loại ra các yếu tố mang tính cấu trúc bao gồm đô thị hóa và tiếp cận mạng lưới điện, để giải thích cho điều mà ông khám phá được về sự tương quan giữa ánh sáng ban đêm và tăng trưởng GDP ở các nước.
Theo DailyMail, một báo cáo trước đó vào năm 2012 cũng giải thích rằng việc tiêu dùng hầu hết hàng hóa vào ban đêm cần phải có ánh sáng điện.
Trong nghiên cứu năm 2012 đó, các nhà kinh tế học của Đại học Brown và Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ viết: “Khi thu nhập tăng lên, mức sử dụng ánh sáng cho mỗi người, trong cả hoạt động tiêu dùng và nhiều hoạt động đầu tư cũng tăng lên”. Các chuyên gia này chỉ ra rằng việc gia tăng ánh sáng ban đêm là một chỉ báo mạnh mẽ về tăng trưởng GDP.
DailyMail cho biết để có thể chỉ ra sự khác biệt trong tương quan giữa ánh sáng ban đêm và GDP giữa các nước, ông Martinez trước tiên đã phân loại các quốc gia cần nghiên cứu theo điểm số mà họ có do Freedom House – một tổ chức về dân chủ, đánh giá.
Điều này phân loại các quốc gia và tiểu bang ở Mỹ dựa trên các hạng mục bao gồm bảo vệ quyền công dân và các chỉ số tự do khác.
Những thay đổi về ánh sáng ban đêm trong hơn một phần tư thế kỷ sau đó được so sánh với các báo cáo GDP của mỗi quốc gia do chính nước đó tự biên soạn và công bố.
Qua đó, ông Martinez đã phát hiện rằng các quốc gia dân chủ tự do, trong đó có Anh, Mỹ, Canada và Tây Âu, mỗi 2,4% tăng trưởng GDP có liên quan tới 10% tăng trưởng về chỉ số ánh sáng ban đêm.
Trong khi đó, ở các quốc gia có ít tự do nhất, 10% tăng trưởng ánh sáng đêm, tương ứng với mức tăng trưởng GDP tối đa có thể lên đến 3,4%.
Từ đó, chuyên gia của Đại học Chicago kết luận rằng các quốc gia có ít tự do dân chủ có thể đã và đang thao túng các số liệu GDP của họ vì lợi ích của chế độ cầm quyền.
Trong bức thư gửi tới Washington Post, ông Martinez đã nói rằng nghiên cứu của ông đã cố gắng tìm hiểu xem có đúng là cơ chế kiểm soát và đối trọng mà nền dân chủ được cho là cung cấp đủ để “kiềm chế mong muốn thao túng thông tin của chính phủ, hay cụ thể là mong muốn của chính phủ nhằm phóng đại nền kinh tế đang hoạt động tốt ra sao”.
Và ông Martinez nói với Washington Post rằng những phát hiện trong nghiên cứu của ông đã cho thấy sự khác biệt rõ nét giữa các nền dân chủ và chuyên chế độc tài trong việc thu thập vào báo cáo các số liệu kinh tế.
Chuyên gia của Đại học Chicago nói thêm rằng GDP là các số liệu tự báo cáo nên các chính phủ rất dễ thao túng, trong khi các hình ảnh về ánh sáng ban đêm do vệ tinh chụp từ ngoài không gian rất khó có thể bị can thiệp thay đổi thông số.
Tờ Fox News cũng đưa thêm một số thông tin để củng cố cho giả thiết của ông Martinez về việc có thao túng số liệu GDP ở Trung Quốc.
Năm 2015, Hoàn cầu Thời báo – tờ báo tiếng Anh của nhà nước Trung Quốc, đã có bài báo tiết lộ rằng các số liệu thống kê GDP tăng cao ở một số tỉnh, thành đang gây ra vấn đề cho nền kinh tế của các địa phương này.
Năm 2016, vấn đề tương tự lại xảy ra khi giám đốc Cục Thống kê Nhà nước Ning Jizhe viết bài báo đăng trên Nhân dân Nhật báo bản trực tuyến nói rằng một số dữ liệu đã bị làm giả.
“Hiện nay, một số thống kê địa phương đã bị làm giả, và gian lận và lừa dối này xảy ra hết lần này đến lần khác, vi phạm luật và quy định thống kê”, bài báo của ông Jizhe viết, sau đó Nhân dân Nhật báo đã phải gỡ bỏ bài bào này.
Năm 2017, Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh, Chen Qiufa đã thừa nhận rằng dữ liệu thống kê đã bị thao túng từ năm 2011 tới năm 2014, nhưng không nêu chi tiết các số liệu này bị làm giả thế nào.
Hùng Cường (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa kinh tế Trung quốc GDP Bắc Hàn