Đối thoại cấp cao liên Triều sắp diễn ra lần hai chỉ trong vòng 1 tuần
- Yên Sơn
- •
Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm thứ Bảy (13/1) đã phát đi tuyên bố thông báo rằng hai miền Triều Tiên đã đồng ý tiếp tục tổ chức đàm phán cấp cao vào ngày thứ Hai (15/1) tại Tongil Pavilion, địa phận của Bắc Hàn trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom).
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-kyun phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc đối thoại cấp cao liên Triều hôm 9/1.
Reuters, dẫn tuyên bố của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cho biết dẫn đầu phái đoàn miền Nam tiếp tục là Bộ trưởng Cho Myung-kyun, trong khi đại diện phía miền Bắc chưa ra thông báo.
Phía Hàn Quốc nói rằng trong cuộc hội đàm cấp cao lần hai trong vòng 1 tuần này, hai bên sẽ bàn chi tiết về việc miền Bắc cử đoàn vận động viên quy mô lớn dự Thế vận hội mùa đông vào tháng Hai tới. Seoul yêu cầu tổ chức cuộc đối thoại này từ hôm thứ Sáu (12/1) và phía Bình Nhưỡng đã đồng ý tham gia.
Cuộc hội đàm sẽ diễn ra tại Tongil Pavilion, Bắc Hàn vì theo thông lệ hai miền sẽ luân phiên tổ chức các cuộc đối thoại tại tòa nhà Peace House (Hàn Quốc) và Tongil Pavilion. Cuộc gặp gỡ lần đầu sau hai năm gián đoạn giữa hai miền Triều Tiên hôm thứ Ba (9/1) đã diễn ra tại Peace House.
Các quan chức Bắc Hàn và Hàn Quốc cho biết trong cuộc đối thoại hôm 9/1, hai bên đã thống nhất tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo để giải quyết các vấn đề và tránh xảy ra xung đột bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên.
Phía Hàn Quốc nói rằng họ cũng đang tìm cách thành lập một đội bóng khúc côn cầu nữ chung với Bắc Hàn và đã đề xuất ý tưởng này với Bình Nhưỡng và báo cáo lên Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Quan chức IOC cho biết Ủy ban đang xem xét đề xuất của Hàn Quốc và IOC cũng sẽ tổ chức một cuộc họp với phái đoàn hai miền Triều Tiên vào thứ Bảy (20/1).
Sau cuộc đối thoại hôm 9/1, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã được cải thiện đáng kể. Tuyên bố chung sau 11 giờ hội đàm liên Triều ngoài việc đề cập tới việc miền Bắc sẽ dự Thế vận hội mùa đông, hai bên cũng đã đồng ý mở lại đường dây nóng quân sự và sẽ sớm tổ chức các cuộc đối thoại quân sự.
Mặc dù Bình Nhưỡng vẫn cương quyết từ chối đưa vấn đề hạt nhân lên bàn đàm phán, nhưng cả Seoul và Washington đều đánh giá hội nghị liên Triều đã đạt được bước tiến đầu tiên trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đối thoại liên Triều