Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN: Bế tắc vấn đề Biển Đông
Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN họp hôm 24/7 tại Lào rất khó ra được một thông cáo chung, đề cập đến vấn đề Biển Đông. Các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục bị chia rẽ do áp lực của Trung Quốc.
Cuộc họp các lãnh đạo ngoại giao ASEAN tại Vientiane là hội nghị quan trọng đầu tiên của các nước Đông Nam Á, kể từ khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết bác bỏ các tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh trên gần trọn Biển Đông, ngày 12/07/2016. Bốn quốc gia ASEAN, gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, có các tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng biển này.
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN sẽ phải ra một thông cáo chung. Theo các nguồn tin ngoại giao được hãng tin Kyodo dẫn lại, ngoài Philippines và Việt Nam, thì Indonesia, Singapore và Myanmar đều muốn đưa vấn đề Biển Đông vào bản thông cáo chung, yêu cầu các bên liên quan giải quyết các tranh chấp tại khu vực này bằng con đường pháp lý và ngoại giao.
Tuy nhiên, các nỗ lực nói trên dường như đang rơi vào bế tắc do lập trường của Campuchia, muốn gạt vấn đề Biển Đông khỏi thông cáo chung để tránh làm mất lòng Bắc Kinh. Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng ảnh hưởng, đặc biệt với Campuchia và Lào, để chia rẽ ASEAN, vốn vận thành theo nguyên tắc đồng thuận. Một số nguồn tin của AP cho biết ngày hôm qua mục Biển Đông trong bản dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị vẫn được để trống, để chờ sự đồng ý của toàn bộ các thành viên ASEAN.
Năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử của khối, hội nghi ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh đã không ra được thông cáo chung, do Cam Bốt phản đối việc đưa vấn đề Biển Đông vào văn bản này.
Theo RFI