Chưa tính đến khoảng 10.000 người Palestine chưa rõ số phận, mà có khả năng cao là bị vùi lấp trong các đống đổ nát vốn hiện diện khắp nơi ở dải Gaza, trong 11 tháng qua, Israel đã giết hơn 40.000 người Palestine, trong đó 16.456 là trẻ nhỏ, theo Al Jazeera báo cáo. Israel tuyên bố rằng trong số những người mà họ giết chết ở Gaza, 14.000 người là phiến quân Hamas.

Gaza
Sau hơn 10 tháng hứng bom đạn của Israel, 2/3 nhà tại Gaza đã trở thành gạch vụn và 90% dân số phải ly tán. (Ảnh chụp màn hình video)

“Bạn có thể hình dung con số 40.000 là ý nghĩa gì không? Đó là con số của một thảm họa mà thế giới không thể tưởng tượng được,” Aseel Matar, một phụ nữ sống ở Gaza, nói với phóng viên của hãng tin Al Jazeera, khi đề cập tới con số tử vong gần đây nhất mà Bộ trưởng Y Tế Gaza công bố hôm Thứ Năm 15/8.

“Thế mà, thế giới nhìn thấy, biết đến, nghe được, và chứng kiến hàng ngày, hàng phút, để rồi vẫn im lặng, còn chúng tôi bất lực. Chúng tôi kiệt sức, và đã không còn năng lượng nữa.”

Một vòng đàm phán mới cho khả năng dừng bắn được nhóm họp vào chiều Thứ Năm ở thủ đô Doha của Qatar, ngay sau khi Bộ trưởng Y Tế Gaza công bố con số tử vong. Tại đó, đại biểu của Qatar, Ai Cập, và Mỹ đứng ra làm trung gian cho các cuộc đàm phán cấp cao, với sự tham gia của các quan chức hàng đầu Israel. Hiện tại, vòng đàm phán tạm dừng và dự kiến sẽ tiếp tục vào tuần tới.

Liên Hợp Quốc (LHQ) ước tính rằng 2/3 những ngôi nhà ở khắp Gaza, vốn là nơi sinh sống của gần 2,3 triệu con người, giờ đã trở thành các đống gạch vụn, hậu quả của bom đạn liên miên do Israel dội xuống dải đất nhỏ bé này.

“Hôm nay là một cột mốc đen tối được ghi vào lịch sử thế giới,” Volker Turk, Cao ủy Nhân quyền LHQ nói. “Tình cảnh không thể tưởng tượng được này chủ yếu là do [quân đội Israel] thường xuyên không tuân thủ các quy tắc chiến tranh.”

Theo phóng viên tại chỗ Hani Mahmoud của hãng tin Al Jazeera, báo cáo từ Deir el-Balah ở Gaza, thì con số 40.000 vẫn là “đánh giá mức rất thấp của tình hình thực tế thương vong ở Gaza.”

“Còn những người mất tích hay kẹt lại trong các đống đổ nát, những trường hợp chưa được xác minh, những xác chết chưa thu gom được, chúng chưa được đếm,” ông nói.

“Có những người mất tích mà gia đình họ không biết họ ở đâu. Có những cái chết không còn dấu vết để lại, với tần suất và cường độ của bom đạn thì chính là như vậy.”

Chiến dịch đánh phá Gaza liên miên không ngừng của Israel, mà Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) đang cáo buộc là tội diệt chủng (genocide), đã khiến 90% dân chúng ở Gaza phải ly tán. Nó tạo thành thảm họa nhân đạo rất lớn, hiện đang bị làm trầm trọng hơn bởi chính sách bao vây và ngăn chặn các nỗ lực cứu trợ nhân đạo mà thế giới dành cho Gaza.

Bất chấp yêu cầu đòi Israel phải mở phong tỏa để cho phép cứu trợ, tháng 7 vừa qua là tháng mà lượng cứu trợ được đưa vào Gaza là thấp nhất, kể từ khi chiến tranh khởi phát vào tháng 10 năm ngoái. Bấy giờ, Israel phát động chiến tranh tấn công vào Gaza, nhằm truy sát quân Hamas, những người đột kích vào ngày 7/10/2023 vào lãnh thổ Israel tàn sát hơn 1.100 người mà trong đó đa số là dân thường.

Giờ đây, chiến tranh dai dẳng và khốc liệt, đã khiến điều kiện sinh sống ở Gaza trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Nơi này đã trở thành vùng đất mà bệnh tật và ôn dịch hoành hành, ví như bệnh bại liệt.

“Những tuần qua, virus bệnh bại liệt đã được tìm thấy trong các mẫu nước thải được thu thập ở Khan Younis và Deir el-Balah [thuộc dải Gaza],” Tổng Thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, nói. “Nghĩa là virus này đang lan truyền, và hàng trăm ngàn trẻ em ở Gaza đang trong nguy hiểm.”

“Bệnh độc sẽ chẳng quan tâm các chiến tuyến, và cũng sẽ không chờ đợi,” ông nói tiếp. “Công tác ngăn chặn và phòng ngừa bệnh bại liệt lan rộng sẽ đòi hỏi các nỗ lực to lớn, có tính phối hợp, và nhanh chóng.”

“Tôi kêu gọi tất cả các bên hãy lập tức cung cấp các bảo đảm mang tính thiết thực, sao cho có thể đạt được tạm đình chiến vì nhân đạo,” ông kêu gọi và chỉ rõ: “Tôi muốn nói rõ thế này, vắc-xin bại liệt tốt nhất cho Gaza là hòa bình, là ngừng bắn ngay lập tức vì nhân đạo. Nhưng dù có thể đạt được vậy không, thì nhất định phải tạm đình chiến vì ôn dịch (polio pause).”

“Không cách nào có thể triển khai hoạt động tiêm chủng bệnh bại liệt trong khi chiến tranh vẫn đang diễn ra,” ông cho biết rằng LHQ đã sẵn sàng 1,6 triệu liều vắc-xin bại liệt cho Gaza. Nhưng để có thể triển khai hoạt động tiêm chủng nhân đạo này, thì tối thiểu phải đạt được tạm ngừng chiến vì ôn dịch.

“Vắc-xin bại liệt tốt nhất cho Gaza là hòa bình,” — Tổng Thư ký LHQ, Antonio Guterres

“Chúng ta cần ngừng bắn, dù chỉ là tạm ngừng đủ để triển khai hoạt động [tiêm chủng] này,” Hanan Balkhy, Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại địa phương nói. “Nếu không, nguy cơ virus sẽ lan rộng, thậm chí vượt qua biên giới.”

Con số 40.000 người tử vong mà Bộ trưởng Y tế Gaza đưa ra cũng được coi là còn quá thấp, nếu so với kết quả điều tra được công bố trên tờ The Lancet vào tháng 7, rằng con số tử vong có thể lên cao tới 186.000 người, tức là chiếm 8% dân số của dải Gaza.

Suốt 11 tháng qua, quân Israel tấn công bừa bãi cả vào trường học, cả nơi làm việc của các tổ chức và nhóm hoạt động nhân đạo, thậm chí cả các cơ sở y tế hay nơi trú ẩn mà LHQ điều hành. Tấn công vào những điểm tập trung dân cư như thế, sẽ dẫn đến thương vong và buộc người dân phải sơ tán, rất khổ sở. Giới chức Israel tuyên bố rằng các tấn công của họ vào những cơ sở ấy là vì đó là những nơi mà Hamas đồn trú, nhưng mà những tuyên bố như vậy hầu hết là không có bằng chứng gì.

Chỉ riêng trong 10 ngày đầu tháng 8 này, quân Israel tấn công ít nhất 5 trường học ở Gaza, khiến hơn 150 người thiệt mạng.

Đã có quá nhiều các báo cáo về ngược đãi của quân Israel, như tra tấn có hệ thống, tàn sát một cách phi pháp, cố ý phá hủy các công trình dân sự, đất nông nghiệp, và các địa điểm tín ngưỡng và văn hóa.

Cuộc chiến này cũng giành kỷ lục tử vong cao nhất của các phóng viên. Ủy ban Bảo vệ Phóng viên tuyên bố rằng 113 người làm việc trong ngành truyền thông đã bị giết chết kể từ khi chiến tranh bắt đầu, trong số đó 108 người là người Palestine.

Vai trò của Mỹ trong chiến tranh Israel

Mỹ đóng vai trò trung tâm số 1 trong chiến tranh Israel. Bằng lượng khổng lồ vũ khí và đạn dược liên tục chuyển giao cho chính quyền Netanyahu, Mỹ đã đảm bảo vững vàng cho cuộc chiến này, bất chấp các tiếng nói và báo cáo cả trong vào ngoài Mỹ về những vi phạm các luật và thông lệ quốc tế về chiến tranh.

Chính quyền Biden tuần qua tuyên bố rằng họ hoàn tất một đơn hàng 20 tỷ USD vũ khí bổ sung cho Israel. Lưu ý rằng toàn bộ Israel chỉ có 9 triệu dân, gần bằng dân số của Sài Gòn hiện nay.

“Đây quả thực là xói mòn của nền tảng các đạo luật quốc tế,” Francesca Albanese, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ, nói với Al Jazeera. “Những [luật và thông lệ quốc tế] được hình thành sau Đại Thế chiến II chính là để tránh những thảm kịch như thế này. Nhưng tất cả đã thất bại. Toàn bộ chuyện này, cũng vì vậy, đã cho chúng ta thấy một hệ thống đạo đức giả khổng lồ đang tồn tại. Một vài siêu cường quốc đang là đang nắm trong tay quyền để nói rằng những luật ấy là dùng để áp dụng cho nước nào, và không dùng để áp dụng cho nước nào. Mà Israel là trường hợp sau. Thật không thể chấp nhận được.”

“Một vài siêu cường quốc là đang nắm trong tay quyền để nói rằng những luật ấy là dùng để áp dụng cho nước nào, và không dùng để áp dụng cho nước nào.” — Francesca P. Albanese, luật sư người Ý, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ.

Nhật Tân