Khủng hoảng Nga – Ukraine làm nền kinh tế Ukraine điêu đứng
- Chính Hâm
- •
Cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine có thể có tác động đến nền kinh tế toàn cầu vẫn đang có dấu hiệu leo thang, tình hình đang làm nền kinh tế và cả hệ thống tài chính của Ukraine điêu đứng.
Ngày 22/2, Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố sẽ áp đặt chế tài đối với hai tổ chức tài chính nhà nước chính của Nga, áp đặt các hạn chế bổ sung đối với trái phiếu quốc tế chính phủ (Sovereign Bond) của Nga, đồng thời có hành động chế tài đối với 5 nhân vật có liên quan đến Điện Kremlin.
Theo tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ sẽ áp dụng chế tài Ngân hàng Vnesheconombank và Ngân hàng Truyền thông Công nghiệp (PSB) của Nga (bao gồm cả 42 công ty con) nắm giữ tài sản trị giá hàng chục tỷ USD. Phạm vi kinh doanh của các công ty con này bao gồm tài chính, linh kiện điện tử, khai thác than, bất động sản.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp chế tài đối với mạng lưới mối quan hệ của Putin: những người Nga có tầm ảnh hưởng và các thành viên gia đình của họ.
Nhưng những điều này đã không giúp ích gì nhiều cho nền kinh tế Ukraine. Người dân thường Ukraine có thể lo ngại hơn về tác động trực tiếp của tình hình đối với sinh kế hàng ngày (thực phẩm, quần áo, nơi ở, đi lại..): vấn đề mất giá đồng Hryvnia của Ukraine và nền kinh tế chìm trong mây đen nguy cơ chiến tranh khiến tình hình ngày càng bất ổn.
Kể từ đầu năm 2022 đến nay đồng Hryvnia đã giảm khoảng 4% so với đồng USD, mức giảm mạnh hơn cả đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ. Dù Ngân hàng trung ương Ukraine đã chi một lượng lớn dự trữ ngoại hối để hỗ trợ đồng Hryvnia nhưng tình hình đến nay vẫn chỉ dừng ở mức cố gắng kiềm chế để không rơi vào cảnh khủng hoảng nghiêm trọng.
Bộ trưởng Tài chính Sergei Samarchenko của Ukraine cho biết, để giữ ổn định tỷ giá thì Ngân hàng trung ương Ukraine đã phải dùng đến nguồn dự trữ ngoại hối 1,5 tỷ USD, nhưng việc duy trì ổn định kinh tế vẫn là một thách thức lớn với tình hình hiện nay.
Đồng thời thị trường trái phiếu Ukraine cũng giảm liên tục trong năm, trái phiếu Ukraine đã giảm gần 20% chỉ trong vài tháng qua, vượt xa các trái phiếu quốc tế chính phủ khác trên thế giới.
Một đại lý bất động sản chia sẻ rằng nhiều giao dịch bất động sản ở Kiev cũng đã bị ngừng kể từ tháng 11 năm ngoái khi Nga bắt đầu đồn trú quân đội ở biên giới Nga-Ukraine.
Cho dù một số quan chức Ukraine có thể lập luận rằng nền kinh tế Ukraine ngày nay khỏe mạnh hơn so với năm 2014: nợ công đã giảm xuống dưới 50% GDP và nền kinh tế được hưởng lợi từ giá nông sản và quặng sắt cao trong hai năm qua; dự trữ ngoại hối của Ukraine tính đến cuối năm 2021 đạt 31 tỷ USD, là mức cao nhất trong một thập kỷ.
Nhưng về dài hạn thì tình hình rõ ràng vẫn rất nghiêm trọng.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EBA) vào cuối tháng Giêng cho thấy, 17% trong số hơn 130 công ty thành viên của Ukraine đã xem xét chuyển đến miền Tây Ukraine, trong khi 10% dự định rời hoàn toàn khỏi đất nước.
Nhiều đơn hàng xuất khẩu của Ukraine đã bị hủy bỏ, lưu lượng hàng hóa tại các cảng phía Nam giảm mạnh và dòng vốn chảy ra ngoài ngày càng rõ rệt. Nghị sĩ David Arakhamia của Đảng Vì dân Ukraine cũng nói rằng nguy cơ chiến tranh đang khiến nền kinh tế Ukraine mỗi tháng thiệt hại khoảng 2-3 tỷ USD.
Theo Reuters ngày 22/2, Thống đốc Kyrylo Shevchenko của Ngân hàng Trung ương Ukraine cho biết, Ukraine hy vọng vào tháng Tư sẽ đàm phán một kế hoạch mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để làm dịu những biến động trên thị trường do căng thẳng giữa Nga và Ukraine gây ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters tại văn phòng cá nhân, ông Shevchenko đã loại trừ bất kỳ hạn chế hành chính nào đối với đồng Hryvnia, cho biết rằng điều đó khiến thị trường thêm bất ổn. Ông cũng cho biết ngân hàng trung ương Ukraine sẽ tiếp tục quan điểm cứng rắn trong việc chống lạm phát, cố gắng bảo đảm khả năng tăng lãi suất trên 11% theo kế hoạch tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng Ba.
Từ khóa Nga Ukraine căng thẳng Nga - Ukraine