Kim Jong-un muốn đàm phán vì dự trữ ngoại hối sắp cạn kiệt?
- Tuyết Mai
- •
Gần đây lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã bất ngờ cho biết sẵn sàng đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc về phi hạt nhân hóa, tuyên bố khiến cộng đồng quốc tế chú ý. Một số cơ quan truyền thông nhận định, thái độ thay đổi nhanh chóng của Kim Jong-un có lẽ liên quan đến sự trừng phạt của quốc tế làm cho dự trữ ngoại hối của nước này sụt giảm đáng kể.
Ông Kim Jong-un tiếp phái đoàn Hàn Quốc tới thăm Bình Nhưỡng hôm thứ Hai (5/3).
Theo Bloomberg (Mỹ) đưa tin 08/3, giới chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, biện pháp trừng phạt quốc tế bằng cách hạn chế xuất khẩu đối với Bắc Triều Tiên vào năm 2017 đã làm dự trữ ngoại hối của nước này sụt giảm mạnh trong năm nay, thậm chí cả nhập khẩu nguyên liệu cơ bản cũng bị cắt giảm.
Ông Choi Jang-ho, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc (KIEP) chỉ ra, dự trữ ngoại hối của Bắc Triều Tiên hiện chỉ còn 4 đến 5 tỷ Đô la Mỹ. Báo cáo do ông Choi Jang-ho thực hiện vào tháng Hai cho biết, nếu ước tính như trên là chính xác, nhập khẩu của Bắc Triều Tiên trong năm nay sẽ giảm mạnh, dẫn đến nửa cuối năm, nay hoạt động thị trường dân sự và sản xuất công nghiệp đều sụt giảm. Việc gián đoạn nhập khẩu nguyên vật liệu và dầu thô đồng nghĩa chính sách công nghiệp của ông Kim Jong-un sẽ phải thay đổi.
Theo thống kê của cơ quan chức năng Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Bắc Triều Tiên với đối tác thương mại lớn nhất Trung Quốc vào năm 2017 đã giảm 37%, trong khi nhập khẩu tăng 4%, thâm hụt thương mại hàng hóa lên đến 1,7 tỷ Đô la Mỹ.
>>Thâm hụt thương mại lớn, Bắc Triều Tiên sinh tồn bằng cách nào?
Hồi tháng Hai, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hàn Quốc Kang Seok-ho cũng cho biết, nếu biện pháp trừng phạt quốc tế tiếp tục như hiện nay, số Đô la Mỹ mà hiện nay Bình Nhưỡng tích trữ sẽ bị cạn kiệt vào khoảng tháng Mười.
Cũng trong tháng trước, báo cáo của KIEP cũng chỉ ra một nguy cơ khác của chính quyền Bình Nhưỡng là tình trạng lạm phát tăng cao. Một chuyên gia tư vấn thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Hàn Quốc (KDI) cho biết, nền kinh tế của Bắc Triều Tiên gần đây đang đi đến đường cùng.
Lim Kang-taeg, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc (Kinu) cho rằng, Bắc Triều Tiên có thể tiếp tục kiểm soát giá cả trong ngắn hạn, nhưng không thể duy trì kiểm soát dài hạn được, dưới ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt, giá cả sẽ bắt đầu tăng vọt lên nhanh chóng.
Lim Kang-taeg cho rằng, lý do Bình Nhưỡng thay đổi thái độ nhiều khả năng là họ đang rất lo lắng bị Mỹ tấn công quân sự, và dĩ nhiên đang chịu áp lực mạnh vì các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Gần đây, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul là Kim Byung-yeon trả lời tờ Wall Street Journal (Mỹ) rằng, vào năm ngoái GDP của Bắc Triều Tiên giảm khoảng 2%. Nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục tiêu thụ tiền mặt dự trữ, tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng trong năm nay dường như là điều không thể tránh khỏi.
Ngày 06/3, sau khi đoàn đặc phái viên Hàn Quốc kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Bắc Triều Tiên đã cho biết, ông Kim Jong-un bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, sẽ đình chỉ hoàn toàn hoạt động thử hạt nhân trong thời gian đối thoại.
Sau đó, Tổng thống Mỹ Trump đã lên tiếng, mặc dù có thể chỉ là những kỳ vọng hão huyền, Mỹ đã sẵn sàng “làm hết sức mình”. Còn Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thì chia sẻ, để đạt được mục tiêu trong đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên “vẫn còn phải vượt qua một chặng đường rất dài”.
Truyền thông Mỹ cũng có nhận định rằng, Mỹ và Bắc Triều Tiên đã trải qua chặng đường đàm phán đầy gập ghềnh trong 27 năm qua, Bắc Triều Tiên luôn phá vỡ tất cả các thỏa thuận cam kết với Mỹ. Có chuyên gia cho biết, dưới chế tài áp lực cao do Mỹ đứng đầu, nền kinh tế của Bắc Triều Tiên đã rơi vào tình trạng căng thẳng chưa từng có, vì thế buộc phải diễn lại “kịch bản cũ”. Nếu Bắc Triều Tiên không đưa ra những nhượng bộ lớn, bất cứ lúc nào cuộc đối thoại lần này cũng có thể gián đoạn trở lại.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Kim Jong Un Bắc Hàn Bắc Triều Tiên