Lãnh đạo đảng cánh hữu nghi vấn về tư cách thành viên NATO của Đức
- Thiên Vân
- •
Cử tri Đức cần nghiêm túc đặt câu hỏi liệu Đức tiếp tục là thành viên NATO “có còn hữu ích cho chúng ta hay không”, đồng chủ tịch Đảng Lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), ông Tino Chrupalla, phát biểu. Ông lập luận rằng khối quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu đang buộc châu Âu phải hành động theo lợi ích của Washington.
“Châu Âu đã bị buộc phải thực thi các lợi ích của Hoa Kỳ. Chúng tôi [kiên quyết] bác bỏ điều đó”, ông Chrupalla tuyên bố với tờ Welt của Đức vào hôm Chủ Nhật (15/12).
“NATO hiện không còn là một liên minh phòng thủ. Một cộng đồng phòng thủ [chân chính] phải chấp nhận và tôn trọng lợi ích của tất cả các quốc gia châu Âu, bao gồm cả lợi ích của Nga. Nếu NATO không thể đáp ứng [được yêu cầu này], Đức cần cân nhắc mức độ [tham gia] mà liên minh này vẫn còn hữu ích cho chúng ta”, ông Chrupalla giải thích.
Tây Đức đã gia nhập NATO vào năm 1955, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh điểm. Động thái gia nhập khối liên minh đồng nghĩa với việc Bonn [từng là thủ đô của Tây Đức] có thể tập trung ngân sách vào công cuộc tái thiết nước Đức sau Thế Chiến II cũng như phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, trong khi giao phó việc phòng thủ cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tổng thư ký đầu tiên của NATO, Huân tước Ismay của Anh, từng nhận xét rằng mục đích của khối liên minh này ở châu Âu là để nhằm “ngăn Liên Xô tiến vào, giữ Mỹ ở lại, và kiềm chế Đức”.
Mặc dù cương lĩnh của đảng AfD chưa từng đề xuất Đức rút hoàn toàn khỏi NATO, nhưng ông Chrupalla trước đây đã lên án lập trường đối đầu của khối liên minh quân sự này với Nga đang “tạo ra sự chia rẽ trong lục địa châu Âu” cũng như ngăn cản Đức hòa giải với Moskva, điều mà ông cho rằng rất cần thiết “để bảo đảm hòa bình và thịnh vượng lâu dài” trên toàn lục địa này.
Cuộc bầu cử sớm tại Đức vào tháng Hai năm tới sắp diễn ra. Theo các cuộc thăm dò cử tri, đảng AfD hiện đang được ủng hộ ở mức khoảng 18%, vượt qua đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz (đang này đang có tỷ lệ ủng hộ 15%), nhưng đứng sau đảng Liên Minh Dân Chủ Cơ Đốc giáo trung hữu (CDU), đang có tỷ lệ ủng hộ 32%. Dẫu vậy, ngay cả khi đảng AfD nổi lên trở thành đảng lớn nhất sau cuộc bầu cử, tất cả các đảng phái chính trị dòng chính tại Đức đều đã tuyên bố không tham gia liên minh với đảng cánh hữu này.
Vào đầu tháng này, đảng AfD lần đầu tiên trong 11 năm lịch sử đã đề cử đồng chủ tịch Alice Weidel trở thành ứng cử viên tranh cử chức vị thủ tướng.
Phát biểu trước các phóng viên sau khi được đề cử, bà Weidel cam kết sẽ đưa ra các hạn chế nhập cư nghiêm ngặt, bãi bỏ các chính sách khí hậu của ông Scholz, cũng như chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine.
“Chúng tôi mong muốn hòa bình tại Ukraine. Chúng tôi không muốn cung cấp [thêm] vũ khí, không muốn [chuyển giao] xe tăng, không muốn [cung cấp] tên lửa”, bà Weidel phát biểu.
Khi trả lời tờ Welt, ông Chrupalla thẳng thắn tuyên bố rằng, “Nga đã giành chiến thắng trong cuộc chiến này [chiến tranh Nga-Ukraine]” và rằng “thực tế đã vượt qua [những ảo tưởng] của những người tuyên bố muốn giúp Ukraine chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Từ khóa NATO AfD Tino Chrupalla