Lãnh đạo EU thăm Nhật Bản nhằm đóng vai trò lớn hơn ở Ấn Độ – Thái Bình Dương
- Bình Minh
- •
Khi cuộc chiến Nga – Ukraine bùng phát, các nhà lãnh đạo EU cho biết hôm thứ Năm (12/5) rằng khối này muốn đóng một vai trò lớn hơn ở châu Á vốn cũng đang “căng thẳng”, đồng thời cảnh báo Trung Quốc đang ngày càng kiêu ngạo và phớt lờ trật tự đa phương toàn cầu.
Ngày 12/5/2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen (bên phải) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel (bên trái) đã đến Tokyo dự hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản. Bà Von der Leyen bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (ở giữa). (Ảnh: Yoshikazu Tsuno – Pool// Getty)
Theo trang web của Hội đồng châu Âu, Hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản lần thứ 28 được tổ chức tại Tokyo vào thứ Năm (12/5). Hội nghị thượng đỉnh lần này đã tạo cơ hội thể hiện mối quan hệ đồng minh ngày càng sâu sắc và năng động giữa EU và Nhật Bản.
EU do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đại diện, trong khi đại diện của Nhật Bản là Thủ tướng Fumio Kishida.
Ông Michel và bà Von der Leyen cho biết, họ nhận thức được những căng thẳng khu vực ở châu Á, nơi EU muốn và cần đóng một vai trò lớn hơn.
“Ấn Độ – Thái Bình Dương là một khu vực thịnh vượng và một chiến khu căng thẳng”, bà Von der Leyen nói. Bà đề cập đến “tình hình ở Biển Hoa Đông, Biển Đông và mối đe dọa đang diễn ra từ Triều Tiên”.
Bà nói: “Liên minh châu Âu muốn đóng một vai trò tích cực hơn ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong một khu vực rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của chúng tôi.”
“Sự hợp tác của chúng tôi ở Ukraine là rất quan trọng, nhưng nó cũng quan trọng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi chúng tôi cũng muốn đàm phán sâu hơn về một Trung Quốc ngày càng kiêu ngạo.”
Cả hai đều cảnh báo về mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời lên án các hành động đơn phương sẽ làm thay đổi hiện trạng ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Nga cho biết họ đang tiến hành một “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine, nhằm giúp “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” nước láng giềng. Trung Quốc vẫn im lặng khi phương Tây lên án hành động xâm lược này của Moscow.
Trước đó một ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, cho biết liên minh EU – Nhật Bản không nên “can thiệp” vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
3 nhà lãnh đạo cho biết tại một cuộc họp báo chung sau hội nghị thượng đỉnh rằng họ sẽ tiếp tục thảo luận về cách tận dụng tối đa mối quan hệ đối tác của họ, nhằm giải quyết cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong các lĩnh vực như năng lượng và viện trợ, đồng thời cùng kêu gọi trong một tuyên bố chung rằng Nga hãy lập tức ngừng hoạt động thù địch.
Cả ông Michel và bà Von der Leyen đều hoan nghênh Nhật Bản tham gia vào các biện pháp chống lại Nga, gồm các lệnh chế tài.
Cùng với Liên minh châu Âu và G7, Nhật Bản đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Nga, nhằm hạn chế khả năng xuất khẩu dầu và khí đốt của Moscow.
Nhưng Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng, gồm việc mua từ Nga. Tuần trước, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết “về nguyên tắc”, Nhật Bản sẽ cấm dầu của Nga.
Hội nghị thượng đỉnh hàng năm EU – Nhật Bản được tổ chức tại thủ đô của Nhật Bản. Hội nghị thượng đỉnh lần trước được tổ chức trực tuyến do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).
Vài giờ trước cuộc họp hôm thứ Năm (12/5), Phần Lan cho biết họ sẽ nộp đơn gia nhập NATO “ngay lập tức”, Thụy Điển dự kiến cũng sẽ làm theo. Một ngày trước đó, Thủ tướng Phần Lan, bà Sanna Marin, cũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Fumio Kishida.
Bà Von der Leyen sẽ rời Nhật Bản vào chiều thứ Năm, trong khi ông Michel sẽ đến Đài tưởng niệm bom nguyên tử ở Hiroshima, đặt hoa và rời đi vào cuối tuần.
Khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp tục, ông nói: “Đây sẽ là thời điểm thích hợp để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về hòa bình và hy vọng.”
Hội nghị thượng đỉnh EU – Nhật Bản diễn ra cùng lúc với Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hoa Kỳ – ASEAN tại Washington DC. từ ngày 12 – 13/5.
Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế, Khoa học Chính trị của Đại học Chulalongkorn nói: “Mỹ cũng muốn họp mặt với các lãnh đạo ASEAN về vấn đề Trung Quốc. Đối sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng là nỗ lực để cân bằng Trung Quốc, nếu không muốn nói là kiềm chế Trung Quốc. Và đương nhiên, hội nghị sẽ bàn đến các vấn đề quan trọng khác như an ninh hàng hải, phục hồi hậu COVID, biến đổi khí hậu…, vốn là những vấn đề thường lệ.”
Từ khóa Nhật Bản EU Ấn Độ - Thái Bình Dương Dòng sự kiện Hội nghị thượng đỉnh EU - Nhật Bản