Liên minh toàn cầu tìm cách đối phó với chiến lược của TQ ở Thái Bình Dương
- Nhật Minh
- •
Liên minh Liên Nghị viện toàn cầu về Trung Quốc (IPAC) đã công bố một diễn đàn mới để đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh đang diễn ra ở Nam Thái Bình Dương, bao gồm cả hiệp ước an ninh quân sự gây tranh cãi của Trung Quốc với Quần đảo Solomon.
IPAC được thành lập vào năm 2020 sau khi bùng phát đại dịch COVID-19. Tổ chức này bao gồm 200 nghị sĩ đến từ 23 quốc gia với mục tiêu định hình chính sách và thảo luận về mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra.
Diễn đàn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương IPAC sẽ sát cánh cùng với các diễn đàn hiện có, như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương và Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương, và sẽ là một trong những nền tảng chuyên dụng đầu tiên để đối phó với “các động lực ngày càng gia tăng trong khu vực” do các hoạt động gây ảnh hưởng của Bắc Kinh gây ra. Chính quyền cộng sản Trung Quốc đang lợi dụng các hoạt động này để làm gia tăng bất ổn trong khu vực.
Trong một thông báo gửi cho tờ The Epoch Times, IPAC cho biết: “Diễn đàn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương IPAC cũng sẽ tăng cường phối hợp trong việc ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, chẳng hạn như hiệp ước an ninh gần đây được ký kết giữa chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với Quần đảo Solomon.” Động thái của IPAC diễn ra sau khi chuyên gia quốc phòng Michael Shoebridge kêu gọi IPAC mở rộng sang Nam Thái Bình Dương.
Thành viên của diễn đàn sẽ tăng lên
Hiện tại, các nhà lập pháp từ Úc, New Zealand, Ấn Độ và Nhật Bản đang tham gia vào Diễn đàn mới. Tuy nhiên, mục tiêu trung hạn là thu hút các nghị sĩ từ Hàn Quốc, Đài Loan, các Quần đảo Thái Bình Dương, và các đối tác dân chủ khác trong khu vực.
Nghị sĩ liên bang Ingrid Leary của Đảng Lao động ở New Zealand, một thành viên của IPAC, nhận xét: “Sự kiện các nghị sĩ từ một số quốc gia Thái Bình Dương đang trong quá trình gia nhập IPAC cho thấy mức độ nghiêm túc của họ trong việc nắm bắt tình hình đang thay đổi ở Thái Bình Dương.”
“Chúng tôi hoan nghênh tiếng nói của họ là rất quan trọng để thông báo cho liên minh về quan điểm và hiểu biết của họ, cũng như cách họ mong muốn các quốc gia khác ứng phó với các động lực ngày càng gia tăng trong khu vực của mình.”
Trong khi đó, IPAC nhận định, các thỏa thuận an ninh song phương, như thỏa thuận giữa Quần đảo Solomon và Bắc Kinh, là một ví dụ về chiến lược “chia để trị” đang được Bắc Kinh áp dụng để làm suy yếu các tổ chức trong khu vực như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.
IPAC khuyến cáo: “Do đó, chúng tôi kêu gọi các chính phủ của chúng tôi tiếp tục nói rõ với chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và bất kỳ chính phủ nào khác đang tìm cách can dự vào khu vực của chúng tôi rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm quân sự hóa các Quần đảo Thái Bình Dương là không được hoan nghênh và không thể chấp nhận được. Các nền dân chủ phải sát cánh cùng với nhau để duy trì hòa bình và ổn định của khu vực.”
Bắc Kinh lợi dụng các quốc gia dân chủ đang suy yếu
Diễn đàn mới của IPAC cần phải tiến hành nhanh chóng bởi vì sự bất ổn của các thể chế dân chủ đang diễn ra ở một số quốc gia Thái Bình Dương. Bất ngờ thay, nhiều quốc gia trong số đó có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.
Tuần trước, chính phủ Vanuatu của Thủ tướng thân Trung Quốc Bob Loughman đã giải tán quốc hội của nước này để tránh một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể xảy ra.
Thủ tướng Loughman đã phải đối mặt với áp lực trong nhiều tháng sau khi cố gắng thay đổi hiến pháp của quốc gia để mở rộng giới hạn nhiệm kỳ từ bốn năm lên năm năm, đồng thời cho phép công dân nước ngoài nắm giữ chức vụ trong chính quyền. Đáng chú ý, có một lượng lớn công dân Trung Quốc ở Vanuatu.
Tuần trước, 3 nghị sĩ Tonga đã bị loại khỏi Quốc hội sau khi Tòa án Phúc thẩm của quốc gia này buộc tội họ hối lộ cử trị. Vương quốc Tonga là một quần đảo độc lập nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, giữa New Zealand và Hawaii, ở phía đông Fiji.
Trong khi đó chính quyền Kiribati đã cố gắng trục xuất Thẩm phán người Úc David Lambourne, đang là việc tại tòa án tối cao của quốc gia Thái Bình Dương này. Ông Lambourne cũng chính là chồng của thủ lĩnh phe đối lập ở Kiribati, bà Tessie Lambourne. Ông cho biết, vợ ông đang phải đối mặt với áp lực từ bỏ chính trị.
Thẩm phán Lambourne nhận định, có “chứng cứ gián tiếp mạnh mẽ” cho thấy chính sách đối với Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong việc chính phủ hiện tại của Kiribati cố gắng trục xuất ông, bởi vì sự ủng hộ mạnh mẽ của vợ ông ,lãnh đạo phe đối lập ở nước này, dành cho Đài Loan.
Quần đảo Solomon ngày càng chịu ảnh hưởng sâu hơn của ĐCSTQ
Tuy nhiên, các sự kiện chính trị đang diễn ra tại Quần đảo Solomon thu hút sự chú ý nhiều nhất, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Manasseh Sogavare ký một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh, vốn sẽ cho phép vũ khí, cảnh sát, quân đội và các tàu hải quân của Trung Quốc đóng tại đảo quốc này, chỉ cách thành phố Cairns phía Bắc nước Úc 1.700 km.
Solomon cũng là nơi diễn tra trận chiến ác liệt trong Thế chiến thứ hai giữa phe đồng minh và Nhật Bản để dành hòn đảo Guadalcanal.
Thủ tướng Sogavare đã tìm cách xoa dịu các nhà lãnh đạo phương Tây bằng cách đảm bảo rằng không có căn cứ quân sự nào sẽ được thiết lập ở Solomon, bất chấp bằng chứng cho thấy tham vọng quân sự lâu dài của Bắc Kinh đối với khu vực này.
Hơn nữa, thủ tướng Solomon còn làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Bắc Kinh trong khi cố gắng kéo dài thời gian tại vị của mình.
Hôm 8/8, chính phủ Sogavare đã đệ trình một dự luật lên Quốc hội để trì hoãn cuộc bầu cử của đất nước khoảng 6 tháng với lý do không tăng quá mức ngân sách quốc gia trong khi nước này đăng cai Thế vận hội Thái Bình Dương.
Trong khi đó vào ngày 18/8, chính phủ Solomon đã công bố một thỏa thuận vay 448,9 triệu nhân dân tệ (66,15 triệu đô la) từ Ngân hàng Xuất Nhập khẩu quốc doanh Trung Quốc để tài trợ cho việc xây dựng 161 tháp viễn thông gây tranh cãi do gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc thực hiện, một lần nữa cũng với lý do hỗ trợ cho Thế vận hội Thái Bình Dương.
Nhật Minh (Theo The Epoch Times)
Từ khóa Ảnh hưởng của Trung Quốc chiến lược của Trung Quốc Dòng sự kiện Nam Thái Bình Dương