Mỹ bày tỏ quan ngại về các báo cáo Trung Quốc can thiệp trên Biển Đông
- Xuân Thành
- •
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Bảy (20/7) đã phát đi tuyên bố nói rằng họ quan ngại về các báo cáo cho thấy hành vi can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động dầu mỏ và khí đốt trên Biển Đông, trong đó có can thiệp vào các hoạt động khai thác và sản xuất dầu truyền thống của Việt Nam.
Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào sự phát triển dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi của các nước khác có tuyên bố chủ quyền [Biển Đông] đe dọa tới an ninh năng lượng khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
“Bộ Ngoại giao Mỹ cực lực phản đối bất kỳ bên yêu sách chủ quyền [Biển Đông] nào sử dụng cưỡng bức và bắt nạt để khẳng định tuyên bố lãnh thổ hoặc lãnh hải của họ,” tuyên bố khẳng định.
“Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt của mình và không tham gia vào các loại hành động mang tính khiêu khích và gây bất ổn này,” tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập tới những bình luận của Ngoại trưởng Mike Pompeo vào đầu năm nay. Khi đó ông Pompeo nói: “Bằng việc ngăn chặn phát triển trên Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng bức, Trung Quốc ngăn chặn các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2,5 nghìn tỷ USD trữ lượng năng lượng có thể khai thác trên vùng biển này.”
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng việc Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực lên các nước ASEAN phải chấp nhận các điều khoản hạn chế quyền của họ trong việc hợp tác với các công ty hoặc các nước bên thứ ba, tiết lộ thêm ý định của chế độ Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trên Biển Đông.
“Hành vi cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp tại Biển Đông… bao gồm việc sử dụng lực lượng dân quân biển để bắt nạt, cưỡng bức, và đe dọa các nước khác, gây tổn hại cho hòa bình và an ninh khu vực này,” tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Hôm thứ Sáu (19/7), chính quyền Việt Nam đã chính thức lên tiếng cáo buộc một tàu tham dò dầu mỏ của Trung Quốc và đội tàu hải giám hộ tống đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Hà Nội đã yêu cầu Bắc Kinh phải rút các tàu này ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 17/7, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đưa ra tuyên bố về hành vi xâm phạm lãnh hải của phía Trung Quốc: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.”
“Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên,” bà Hằng khẳng định.
Trước đó hai ngày, hôm thứ Tư (17/7), chính quyền Trung Quốc đã lên tiếng công nhận có xảy ra sự cố với Việt Nam trên biển sau hàng loạt thông tin trên truyền thông và mạng xã hội về việc lực lượng hải giám hai bên đối đầu nhau hơn một tuần trên biển Đông.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 17/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Chúng tôi hy vọng phía Việt Nam có thể nghiêm túc tôn trọng quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng biển liên quan và không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm phức tạp tình hình.”
Cũng trong ngày 17/7, Reuters dẫn theo nguồn tin từ hai trung tâm nghiên cứu quốc tế có trụ sở tại Washington Mỹ cho biết các tàu của Trung Quốc và Việt Nam đã vướng vào một sự cố căng thẳng kéo dài nhiều tuần gần một lô dầu mỏ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tờ Nam Hoa Tảo báo (Hồng Kông), hôm thứ Hai (12/7), là hãng tin đầu tiên đăng tải thông tin về các tàu hải giám Việt Nam và Trung Quốc đã đối đầu nhau hàng tuần xung quanh một bãi san hô trên Biển Đông mà Việt Nam đang kiểm soát.
Nam Hoa Tảo báo dẫn đoạn tweet của ông Ryan Martinson – Trợ lý giáo sư tại Trường Hải Chiến Mỹ nói rằng vào Thứ Tư tuần trước (3/7) tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc mang tên Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương Địa chất 8) đã đi vào vùng biển gần Bãi Tư chính Việt Nam kiểm soát để thực hiện một cuộc khảo sát địa chất.
Tàu khảo sát này được hộ tống bởi tàu hải giám vũ trang 12.000 tấn số hiệu 3901, tàu hải giám 2.200 tấn 37111 và một máy bay trực thăng, Nam Hoa Tảo báo mô tả. Sau khi đội tàu này tiến gần tới Bãi Tư chính mà Việt Nam tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, cuộc đối đầu với 4 tàu Việt Nam đã diễn ra.
Việt Nam và Trung Quốc từ lâu đã vướng vào một cuộc tranh chấp chưa có hồi kết trên Biển Đông – vùng biển hàng hải chiến lược và có trữ lượng tài nguyên khoáng sản lớn.
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ qua vào tháng 5/2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam đã cho tàu hải giám ra chặn và đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc. Làn sóng chống Trung Quốc nổi lên khắp Việt Nam dẫn đến các cuộc biểu tình và đập phá 14 nhà máy do người Trung Quốc sở hữu ở Bình Dương.
Chỉ đến tháng 7/2014, khi Trung Quốc tuyên bố giàn khoan đã hoàn tất hoạt động và rút về thì căng thẳng mới giảm bớt.
Từ đó, hai bên đã có các hoạt động nhằm tăng cường quan hệ an ninh với những chuyến thăm của các lãnh đạo cao cấp và các tướng lĩnh, cùng cam kết sẽ giải quyết bất đồng bằng con đường hòa bình.
Vào ngày 11/7 – thời điểm Trung Quốc đang thực hiện khảo sát các lô dầu mỏ tại Trường Sa, Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm trụ sở của Cảnh sát biển Việt Nam tại Hà Nội.
Truyền thông nhà nước Việt Nam có đăng thông tin Thủ tướng Phúc nói chuyện với các thủy thủ trên tàu Cảnh sát biển thông qua cuộc gọi video.
Trên trang web của Cảnh sát biển Việt Nam thông tin rằng ông Phúc đã nói với các thủy thủ hãy “giữ cảnh giác và sãn sàng chiến đấu” và phải nhận thức được “những diễn tiến chưa từng có tiền lệ”.
Cùng ngày 11/7, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp người đồng cấp Trung Quốc, ông Lật Chiến Thư tại Bắc Kinh.
Tân Hoa Xã đưa tin hai nhà lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, Trung Quốc đã đồng ý “cùng bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông tranh chấp biển Đông Bộ ngoại giao Mỹ