Mỹ cân nhắc viện trợ Ukraine kèm trong gói viện trợ Israel
- Nhật Tân
- •
Trong gói viện trợ khẩn cấp cho Israel sắp được công bố, chính quyền Biden có thể kèm vào đó các khoản viện trợ Ukraine, Washington Post báo cáo hôm 9/10, phân tích rằng ghép chúng với nhau sẽ khiến Quốc hội Mỹ dễ thông qua hơn. Nguồn tin nói sự việc vẫn còn trong giai đoạn thảo luận.
Hai quan chức chính quyền cấp cao, những người nói cho Washington Post với điều kiện giấu tên, đã kể về các thảo luận và các cuộc trò chuyện riêng tư, liên quan đến diễn biến mới nhất trong những nỗ lực của Nhà Trắng, tìm cách đảm bảo viện trợ cho chính quyền Zelensky trong tình trạng dân Mỹ ngày càng không ủng hộ tiếp tục viện trợ cho chiến tranh ở Ukraine, và một số nhà lập pháp “cứng rắn” cánh hữu kiên quyết chặn lại khoảng viện trợ này.
Tuy nhiên, nguồn tin nói vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về việc có nên liên kết các yêu cầu hay không.
Một trong hai quan chức giải thích rằng cách làm này có thể là một nước cờ hợp lý. Bởi vì hiện nay cánh hữu tuy phản đối mạnh mẽ viện trợ thêm cho Ukraine, nhưng lại ủng hộ mạnh mẽ viện trợ cho một Israel của chính quyền Benjamin Netanyahu. Như vậy nước cờ này của cánh tả có thể “gây tắc nghẽn phe cực hữu”.
Theo tờ báo, giới chức Washington và các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện, cũng như các thành viên của các ủy ban chủ chốt, rằng Nhà Trắng sẽ sớm yêu cầu Quốc hội phê duyệt viện trợ quân sự bổ sung cho Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố tình trạng chiến tranh, sau khi các tay súng Palestine từ Hamas xâm nhập vào đất nước hôm Thứ Bảy và phát động chiến dịch tấn công. Hiện nay, trên 900 người Israel đã mất mạng và 130 người đã bị quân Hamas bắt đi làm con tin. Cuộc tấn công nguy hiểm nhất ở Israel kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Bắt đầu từ Chủ Nhật, Israel đã trả đũa mạnh mẽ, oanh tạc cả ngàn địa điểm trong Dải Gaza, biến các khu phố và trung tâm sầm uất thành gạch vụn. Gần 2,3 triệu dân Palestine nằm trong bom đạn và bị phong tỏa. Phía Palestine cho hay trên 700 người Palestine đã mất mạng.
Hoa Kỳ cùng các đồng minh cực lực lên tiếng phản đối hành vi “khủng bố” của phiến quân Hamas.
Washington Post báo cáo rằng có khả năng Nhà Trắng sẽ đưa qua Quốc hội yêu cầu về gói viện trợ quân sự cho Israel vào tuần tới, để gấp rút bổ sung vũ khí và đạn dược cho chính quyền Netanyahu. Trước đó, dàn hàng không mẫu hạm lớn nhất của Mỹ cùng phi đội máy bay đã được cử tới lân cận Israel để trợ uy.
Trả lời trong cuộc họp báo, ông John Kirby, người phát ngôn quân sự của Nhà Trắng đã từ chối nói về câu chuyện ghép hai gói viện trợ cho Israel và Ukraine.
Lưu ý rằng trong quá trình viện trợ cho Ukraine, Mỹ đã từng điều động vũ khí trong kho của mình đặt tại Israel cho chiến trường Ukraine như [New York Times] báo cáo hồi tháng 1 năm nay.
Tuy từ chối tiết lộ chi tiết, nhưng ông Kirby nói với các phóng viên rằng “Chúng tôi tin rằng cả hai [gói viện trợ] đều quan trọng.”
Theo Washington Post, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có buổi nói chuyện về vấn đề chiến tranh Israel-Hamas vào cuối ngày Thứ Ba.
Dân biểu Tony Gonzales (Cộng hòa, Texas), một người ủng hộ viện trợ cho cả Israel và Ukraine, nói rằng ông không hiểu bằng cách nào mà 2 gói viện trợ sẽ được gắn với nhau, đặc biệt nếu Quốc hội kỳ vọng sẽ giải quyết cả hai trước thời hạn tài chính tiếp theo.
Một dân biểu khác của Đảng Cộng hòa, Elise Stefanik đến từ New York, nói rằng “tuyệt đối không” đối với việc ghép như thế này. Bà nói rằng Hạ viện sẽ thông qua gói cho Israel như một gói riêng.
Dân biểu Kelly Armstrong của Đảng Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ việc viện trợ cho Kiev, tỏ ý rằng nếu có ghép, thì ông rất muốn được thấy rằng các khoản dành cho Ukraine sẽ được làm rõ ràng minh bạch.
“Nếu họ tống một khoản chi tiêu lớn cho Ukraine, nhưng mà chúng ta không biết được kế hoạch chi tiêu số tiền đó, chúng ta đang ở đâu và chúng ta làm thế nào,” ông bày tỏ quan ngại của mình, “thế thì sẽ là một vấn đề lớn rồi. Không chỉ là [vấn đề] đối với tôi, mà còn đối với nhiều người khác nữa.”
Theo tờ báo bình luận, dù Nhà Trắng lựa chọn lời giải nào cho bài toán tiếp tục chi tiền cho Chính phủ Ukraine, thì lời giải đó đều không dễ dàng, đặc biệt là trong thời gian vẫn chưa bầu được Chủ tịch Hạ viện mới thay cho người tiền nhiệm Kevin McCarthy.
Hiện nay, chức vụ này đang được tạm giữ bởi Quyền Chủ tịch Hạ viện Patrick McHenry. Có những đồn đoán rằng người kế nghiệm chiếc búa của Hạ viện rất có thể sẽ là ông Jim Jordan, hoặc là một ứng viên khác, Steve Scalise.
Theo nhận định của tờ báo, ông Jordan nhiều lần công khai tỏ ý phản đối viện trợ. Còn dân biểu Scalise có xu thế nới lỏng hơn.
Một số nhà phân tích chính trị và ngoại giao cho rằng nếu Nhà Trắng muốn lựa chọn phương án ghép 2 gói làm 1, thì cũng cần thận trọng: Họ cần tìm lý do cho hợp lý và cần biểu hiện sao cho giới quan sát không chỉ trích rằng đây là Nhà Trắng đang chơi các tiểu xảo chính trị, trong khi người Israel đang phải bỏ mạng nơi chiến trường.
“Tôi chắc chắn ủng hộ [viện trợ cho] cả hai, nhưng chúng ta không nên ràng buộc chúng lại với nhau,” theo ông Ariel Cohen, thành viên cấp cao tại Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương và là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Theo ông, “Điều này sẽ chính trị hóa quá mức viện trợ của Israel, trong khi chúng ta nên giải quyết vấn đề đó một cách thích đáng.”
Động thái này cũng có thể khiến một số người cấp tiến cánh tả xa lánh, những người trước đây đã bày tỏ lo ngại hoặc hoàn toàn phản đối việc gửi thêm viện trợ quân sự cho Israel — Israel đã áp đặt lệnh phong tỏa trừng phạt kéo dài nhiều năm đối với dân chúng Palestine ở Gaza, và tích cực đẩy mạnh phát triển các khu định cư của người Israel về phía Bờ Tây bị chiếm đóng.
Ông Netanyahu cũng bị coi là đã thành lập chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử Israel, khi ông tìm cách cải tổ nền tư pháp độc lập của mình và gần như bác bỏ ý tưởng về giải pháp hai nhà nước độc lập (Israel và Palestine).
Giờ đây, Israel đang tiến hành các hoạt động oanh tạc thảm khốc vào Gaza để trả đũa các cuộc tấn công cuối tuần trước.
“Những gì chúng ta sẽ làm với kẻ thù của mình trong những ngày hôm nay, sẽ còn ảnh hưởng đến qua nhiều thế hệ ngày mai của chúng,” ông Thủ tướng Israel Netanyahu nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói rằng Israel đang chiến đấu với “súc vật” và sẽ hành động tương ứng — những lời lẽ khiến một số nhà quan sát gọi đó là phi nhân tính, và kêu gọi kiềm chế.
Tuy nhiên, theo nguồn tin nói với Washington Post, thì trong Quốc hội hiện nay, phe đối lập trong cánh tả khó mà sánh được với phe phản đối trong cánh hữu.
Ngoài ra, việc liên kết các hoạt động viện trợ Ukraine và Israel có thể giúp Nhà Trắng khuếch đại thông điệp rộng lớn hơn, rằng Mỹ có nghĩa vụ giúp đỡ các đồng minh dân chủ của mình, khi họ bị tấn công bởi các thế lực tàn nhẫn hoặc phi dân chủ.
Israel là một trong những nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Họ nhận khoảng 3,3 tỷ USD tiền thuế của Mỹ chỉ riêng trong năm 2022, và năm trước đó cũng là con số tương tự, theo thống kê của Chính phủ Mỹ.
Kể từ khi chiến tranh Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, thì Ukraine đã có cơ hội và từ đó gia nhập danh sách nhận viện trợ ‘khủng’ từ Mỹ. Riêng về quân sự, Mỹ phê duyệt ít nhất 45 tỷ USD cho Ukraine, trong tổng số 114 tỷ USD các loại viện trợ cho Ukraine.
Từ khóa Hamas dải Gaza Xung đột Israel - Hamas xung đột ở Dải Gaza Chiến tranh Nga - Ukraine viện trợ cho Ukraine