Hôm 25/3 vừa qua, Mỹ cho biết họ đang trao 15 triệu USD cho các cộng đồng người Palestine dễ bị nhiễm bệnh ở Bờ Tây và Dải Gaza để giúp ứng phó với đại dịch COVID-19, một sự đảo ngược mạnh mẽ chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, vốn đã cắt gần như tất cả khoản viện trợ dành cho người Palestine.

Palestine
(Ảnh minh họa: Studio Romantic/Shutterstock)

Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield đã đưa ra thông báo tại cuộc họp diễn ra hàng tháng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Trung đông, cho biết số tiền từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ sẽ “hỗ trợ cho các nỗ lực ứng phó với COVID-19 của Tổ chức Dịch vụ Cứu trợ của Công giáo trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và cho các gia đình dễ bị nhiễm bệnh trong Bờ Tây và Dải Gaza.”

Ngoài ra, bà cho biết, quỹ sẽ viện trợ lương thực khẩn cấp cho các cộng đồng đang gặp khó khăn do hậu quả của đại dịch.

Thomas-Greenfield nói: “Khoản viện trợ khẩn cấp, cần thiết này là một phần nằm trong cam kết được nối lại của chúng tôi đối với người dân Palestine. Khoản viện trợ sẽ giúp những người Palestine đang gặp khó khăn, điều này sẽ mang lại sự ổn định và an toàn hơn cho cả người Israel và người Palestine.”

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, quốc gia này đã hỗ trợ rất nhiều cho Israel, nhiều vấn đề chưa có trong tiền lệ, như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển Đại sứ quán Mỹ khỏi Tel Aviv, cắt đứt quan hệ và cắt giảm hỗ trợ tài chính dành cho người Palestine.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1, chính quyền của ông tuyên bố rằng họ đang khôi phục quan hệ với người Palestine và gia hạn viện trợ đối với người tị nạn Palestine, đảo ngược chính sách cắt giảm trước đó của ông Trump và là yếu tố quan trọng trong việc ủng hộ giải pháp 2 nhà nước.

Thomas-Greenfield cho biết khoản viện trợ 15 triệu USD “phù hợp với lợi ích và giá trị của chúng tôi, đồng thời nó phù hợp với nỗ lực của chúng tôi trong việc dập tắt đại dịch và tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới.”

Bà đưa ra thông báo khi Israel đang chờ kết quả cuối cùng từ cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 4 trong vòng 2 năm. Nó được xem là một cuộc trưng cầu dân ý về khả năng cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi bị buộc tội. Triển vọng chiến thắng của ông đã tuột khỏi tầm tay vào hôm 25/3 khi kết quả kiểm phiếu đầy đủ cho thấy ông Netanyahu và các đồng minh cánh hữu của mình đã thất bại trong việc chiếm đa số tại quốc hội. Các đối thủ của ông cũng thất bại trong việc chiếm đa số trong 120 ghế Quốc hội Israel.

Thông báo của Mỹ đưa ra hôm 25/3 được đưa ra sau một cuộc họp ảo diễn ra vào ngày 23/3 giữa Bộ tứ hòa giải viên – Mỹ, Liên Hợp quốc, Nga và Liên minh châu Âu – nhằm thảo luận về việc tái khởi động nỗ lực bị đình trệ từ lâu của họ nhằm thúc đẩy Israel và Palestine đàm phán thực hiện giải pháp 2 nhà nước cho cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ giữa những quốc gia này.

Bộ tứ hòa giải viên nói trên cho biết rằng các đặc phái viên đã thảo luận về việc quay trở lại “các cuộc đàm phán có ý nghĩa dẫn đến việc thực hiện giải pháp 2 nhà nước, bao gồm các biện pháp rõ ràng nhằm thúc đẩy tự do, an ninh và thịnh vượng cho người Palestine và Israel, điều quan trọng theo đúng nghĩa của nó.”

Không có cuộc đàm phán hòa bình thực chất nào diễn ra giữa Israel và Palestine kể từ năm 2014, và 2 bên đang bị chia rẽ gay gắt bởi các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột.

Bà Thomas-Greenfield không đề cập đến cuộc họp của Bộ tứ hòa giải viên nhưng nhắc lại sự ủng hộ của ông Biden đối với giải pháp 2 nhà nước, đồng thời cho biết “Mỹ mong muốn tiếp tục hợp tác với Israel, người Palestine và cộng đồng quốc tế nhằm đạt được một nền hòa bình được mong đợi từ lâu ở Trung Đông.”

Theo Newsmax,

Phan Anh

Xem thêm: