Mỹ phát hiện đội tàu chiến chung Trung Quốc – Nga ở Biển Bering
- Trình Văn
- •
Một nguồn tin tiết lộ với hãng tin AP rằng phía Mỹ đã phát hiện một số tàu Trung Quốc và Nga đang xếp thành một đội hình ở Biển Bering, khu vực nước biển ở phần phía bắc nhất của Thái Bình Dương. Sau khi bị phát hiện, các tàu này đã giải tán đội hình.
Ngày 3/9/2022, tàu tuần tra Midgett của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ và một chiếc thuyền cơ giới nhỏ đang tiến hành tập trận chung, tìm kiếm và cứu nạn với Philippines ở Biển Đông gần Philippines. (Ảnh: Ted Aljibe / AFP qua Getty Images)
Theo hãng tin AP, một quan chức Hoa Kỳ đã tiết lộ hôm thứ Hai (26/9) rằng các quan chức Hoa Kỳ thông báo vào đầu tháng này, các tàu tuần tra của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ đã phát hiện sự xuất hiện của các tàu hải quân Trung Quốc và Nga ở Biển Bering.
Ngày 27/9 (Thứ Ba), Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo, họ đã thành lập Văn phòng Chiến lược Bắc Cực, để đối phó với các mối đe dọa từ Nga và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở khu vực Bắc Cực, nhằm đảm bảo chiến lược và lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực.
Mỹ phát hiện đội tàu chiến chung Trung Quốc – Nga ở Biển Bering
Tàu tuần dương của Hải quân Trung Quốc hoạt động cách đảo Kiska ở Alaska khoảng 86 dặm (138 km) về phía bắc.
Sau đó, tàu tuần tra Kimball của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ đã phát hiện 2 tàu hải quân khác của Trung Quốc và 4 tàu hải quân của Nga, trong đó có 1 tàu khu trục, 7 tàu chiến cũng được phát hiện xếp thành một đội hình duy nhất.
Sau khi bị phát hiện, tàu chiến của Trung Quốc và Nga đã phá vỡ đội hình và phân tán.
Chuẩn Đô đốc và Tư lệnh Cảnh sát biển Khu 17, ông Nathan Moore, cho biết: “Mặc dù đội hình này hoạt động tuân theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, nhưng chúng tôi sẽ tuân thủ quy tắc ‘tồn tại và hiện hữu’ (presence with presence), để đảm bảo rằng nó không ảnh hưởng đến lợi ích của Hoa Kỳ, trong môi trường biển xung quanh Alaska.”
Lực lượng bảo vệ bờ biển cho biết, hướng dẫn hoạt động của cảnh sát biên giới yêu cầu tuân thủ các quy tắc ‘tồn tại và hiện hữu’ (presence with presence) khi các đối thủ chiến lược hoạt động trong và xung quanh Hoa Kỳ.
Tàu tuần tra Kimball sẽ tiếp tục giám sát vùng biển này. Tàu tuần tra đóng tại thành phố Honolulu (tiểu bang Hawaii), và được máy bay vận tải C-130 Hercules hỗ trợ trên không.
Chỉ một tháng trước, ngày 26/8, Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, cảnh báo chống lại việc Nga tăng cường quân sự ở Bắc Cực, và chiến lược bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Lúc đó, ông Stoltenberg đang thăm miền bắc Canada. Ông cảnh báo rằng Nga đã thành lập một bộ tư lệnh mới ở Bắc Cực, và mở hàng trăm căn cứ quân sự mới ở Bắc Cực từ thời Liên Xô, gồm các cảng nước sâu và sân bay.
Ông Stoltenberg còn lưu ý, ĐCSTQ cũng đã tuyên bố mình là một quốc gia “cận Bắc Cực”, và có kế hoạch xây dựng tàu phá băng lớn nhất thế giới. “Bắc Kinh và Moscow cũng cam kết tăng cường hợp tác thực tế ở Bắc Cực. Đây là một phần của quan hệ đối tác chiến lược (Trung Quốc – Nga) ngày càng sâu sắc, thách thức các giá trị và lợi ích của chúng tôi,” ông nói
Đây không phải là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc ra khơi gần vùng biển Alaska. Tháng 9/2021, các tàu cao tốc của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ cũng chạm trán với tàu chiến Trung Quốc ở Biển Bering và Bắc Thái Bình Dương, cách quần đảo Aleutian khoảng 50 dặm (80 km).
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thành lập Văn phòng Chiến lược Bắc Cực, để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga
Theo tin tức được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố ngày 27/9, Hoa Kỳ, với tư cách là một cường quốc ở Bắc Cực, đã thành lập “Văn phòng Chiến lược Bắc Cực và Khả năng Phục hồi Toàn cầu” trong Bộ Quốc phòng, nhằm đảm bảo chiến lược, chính sách và quyền lợi của Hoa Kỳ ở khu vực Bắc Cực.
Bà Iris A.Ferguson đã được bổ nhiệm làm Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về Khả năng phục hồi của Bắc Cực và Toàn cầu, một chức vụ mới thể hiện tầm quan trọng của Chính phủ và quân đội Hoa Kỳ đối với khu vực Bắc Cực.
Bà Ferguson cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “[Bắc Cực] là một khu vực quan trọng, để xây dựng quyền lực và bảo vệ quê hương.” Bà nói thêm: “Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng hoạt động địa chính trị của Nga và Trung Quốc trong khu vực.”
Nga chỉ cách Hoa Kỳ 55 dặm (88 km) ở eo biển Bering. Bà Ferguson cho biết, Nga có diện tích đất liền lớn nhất ở Bắc Cực, các nhà lãnh đạo Nga coi nước này là cường quốc thống trị trong khu vực. “Họ vẫn luôn tân trang lại nhiều sân bay, và cập nhật hầu hết các hệ thống phòng thủ trên khắp Bắc Cực.”
ĐCSTQ là một đối thủ cạnh tranh chiến lược khác của Hoa Kỳ ở Bắc Cực, dù Trung Quốc ở cách xa hàng ngàn dặm.
Bà Ferguson cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc “đang cố gắng hòa nhập vào Bắc Cực, nơi mà họ tự xưng mình là một quốc gia ‘cận Bắc Cực’, mặc dù họ cách Bắc Cực rất xa.”
Bà lưu ý rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng điều chỉnh chuẩn mực quốc tế, và cấu trúc quản trị có lợi cho họ. Họ biết rằng bản thân họ đang tham gia vào các hành động cưỡng bức kinh tế trên toàn cầu và ở Bắc Cực. “Vì vậy chúng tôi rất quan tâm đến các hoạt động của họ, và muốn đảm bảo rằng lợi ích của chúng tôi trong khu vực này được bảo vệ.”
Bà Ferguson cho biết: “Điều quan trọng là phải có một văn phòng ngay bây giờ, đặt nền tảng cho chúng ta chuẩn bị tốt nhất, và hiểu những thách thức phải đối mặt ở phía trước. Hiện tại có thể chưa có xung đột, hy vọng rằng Bắc Cực sẽ không bao giờ xung đột, nhưng chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động ở đó.”
Từ khóa tàu chiến Trung Quốc Biển Bering Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Hoa Kỳ Bắc cực Dòng sự kiện