Mỹ thông qua sửa đổi chấm dứt địa vị “nước đang phát triển” của Trung Quốc
- Lý Chính Hâm
- •
Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí thông qua một sửa đổi, trong đó loại bỏ việc Trung Quốc dựa vào “tư cách quốc gia đang phát triển” để có được đối xử đặc biệt.
Ngày 21/9, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một sửa đổi với tỷ lệ 96 – 0, yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất trước ngày 6/11 sẽ phải định nghĩa Trung Quốc là một quốc gia công nghiệp theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Diễn đàn quốc tế chính về ngoại giao khí hậu). Mỹ cũng sẽ đề xuất với Liên Hợp Quốc và các tổ chức thế giới khác bãi bỏ hoàn toàn sự đối xử đặc biệt mà Trung Quốc nhận được với tư cách là một “nước đang phát triển”, bao gồm: các khoản cho vay lãi suất thấp/ không lãi suất của Ngân hàng Thế giới; thuế quan thương mại bất bình đẳng; tiếp cận thị trường và hỗ trợ kỹ thuật, v.v.
Các nhà bình luận thời sự chỉ ra rằng từ cuộc bỏ phiếu hoàn toàn nhất trí tại Thượng viện Mỹ, có thể thấy rằng Mỹ không phân đảng phái khi đối đãi về vấn đề Trung Quốc.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, động thái của Thượng viện Mỹ có mục đích mờ ám.
Thượng nghị sĩ Mike Lee nói: “Trung Quốc muốn chơi các quy tắc khác với các quốc gia khác trên thế giới để vượt lên. Chúng ta biết phía Trung Quốc phớt lờ các quy tắc và không tôn trọng các quy tắc quốc tế, nhưng chúng ta lại tiếp tục cho phép họ thống trị thị trường, đồng thời còn để họ nhận được tiền tài trợ từ người đóng thuế Mỹ.”
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trước đó đã nói ở châu Âu rằng, Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển. “Tổng sản lượng kinh tế tuy đã vươn lên đứng thứ hai thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/6 của Mỹ và 1/4 của Liên minh châu Âu…”.
Trong thương mại quốc tế, nếu một quốc gia được coi là đang phát triển, xác thực sẽ có nhiều lợi ích thiết thực.
Ví dụ năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), GDP bình quân đầu người của nước này chưa đến 1.000 USD, do đó nước này có thể được hưởng đãi ngộ đối với nước đang phát triển – thu thuế nhập khẩu bình quân là 14%, cao hơn 7% so với các nước phát triển; thời kỳ quá độ kéo dài từ 4 đến 8 năm, dài hơn nhiều so với 2 năm ở các nước phát triển; hưởng tiêu chuẩn bán phá giá của WTO thấp hơn so với các nước phát triển.
Ngoài ra, kể từ ngày 1/12/2021, các quốc gia như các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein sẽ không còn dành cho Trung Quốc ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nữa.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào thời điểm đó cho biết GSP không phải là vĩnh cửu. Sau khi trình độ phát triển kinh tế của các nước đang phát triển đạt đến một mức độ nhất định, các nước phát triển tất yếu sẽ hủy bỏ sắp xếp GSP của mình, và nói rằng Trung Quốc đã “tốt nghiệp” từ GSP của nhiều nước, “’tốt nghiệp’ ở một mức độ nào đó cũng có nghĩa là một sự ‘trưởng thành’”.
Các nhà kinh tế cho rằng việc 32 quốc gia hủy bỏ thuế quan GSP sẽ giáng một đòn kép vào Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị, nếu Trung Quốc muốn tái gia nhập thị trường này sẽ vấp phải rào cản rất lớn. Sau khi GSP bị hủy bỏ, thuế quan đối với các sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang EU sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, các nước sản xuất Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia và các nước khác vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan, điều này sẽ khiến việc kinh doanh của các công ty Trung Quốc trở nên khó khăn hơn và giáng một đòn mạnh vào thương mại của Trung Quốc.
Kể từ khi thực hiện GSP vào năm 1978, 40 quốc gia đã liên tiếp dành cho Trung Quốc các ưu đãi thuế quan GSP, hầu hết là các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc, chẳng hạn như các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Nga, Canada và Nhật Bản. Trung Quốc cũng đang tích cực sử dụng GSP để mở rộng xuất khẩu thương mại sang các nước phát triển.
Từ khóa thương mại Mỹ - Trung Dòng sự kiện quốc gia đang phát triển