Ngành chip của Đài Loan hướng tới Nhật Bản để tách khỏi Trung Quốc
- Trần Đình
- •
Trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực hạn chế sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến, tăng cường hợp tác với các đồng minh và định hình lại hệ sinh thái của ngành công nghiệp chip toàn cầu, nhiều công ty chip Đài Loan đang mở rộng sang Nhật Bản, điều này đã thúc đẩy nỗ lực xây dựng lại ngành bán dẫn của Nhật Bản.
Công ty Alchip Technologies Đài Loan chuyên về IC dành riêng cho ứng dụng (ASIC) là một ví dụ về việc tách khỏi Trung Quốc. Một người quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters rằng, hầu hết các kỹ sư R&D của công ty đến Trung Quốc vào năm 2022, nhưng hiện Alchip Technologies đã bắt đầu chuyển công việc R&D ra khỏi Trung Quốc, theo đó nhiều người trong số họ sang Nhật Bản.
Công ty này cho biết họ đang tuyển dụng nhân sự ở Nhật Bản, Bắc Mỹ và Đài Loan, nhưng từ chối bình luận sâu hơn về vấn đề nhân sự. Tổng giám đốc Hiroyuki Furuzono của Alchip tại Nhật Bản nói: “Chúng tôi rất mong chờ sự tăng trưởng của thị trường bán dẫn Nhật Bản, chúng tôi không ngừng nắm bắt cơ hội về ASIC Nhật Bản và đã tham gia vào một số dự án tốt”.
Theo thống kê của Reuters, trong hai năm qua ít nhất 9 công ty chip Đài Loan đã thành lập nhà máy hoặc mở rộng hoạt động tại Nhật Bản. Ví dụ, công ty thiết kế chip eMemory Technology đã mở văn phòng ở Yokohama cách đây hai năm và tuyển dụng 11 nhân viên.
Tổng giám đốc Michael Ho của eMemory Technology nói với Reuters: “Sau khi chúng tôi thành lập văn phòng ở đó, việc giao tiếp với khách hàng trở nên thường xuyên hơn, họ sẵn sàng giao tiếp với nhân viên địa phương của chúng tôi bằng tiếng Nhật hơn, vì vậy công việc kinh doanh đang phát triển mạnh mẽ”.
Hai nguồn tin cho biết, hiện nay ngày càng nhiều công ty chip Đài Loan cân nhắc việc vào Nhật Bản hoặc mở rộng kinh doanh tại Nhật Bản, đồng Yên yếu cũng là động lực lớn cho các công ty này.
Dù Nhật Bản vẫn là nước hàng đầu về sản xuất vật liệu và thiết bị bán dẫn, nhưng do căng thẳng thương mại với Mỹ và sự cạnh tranh từ Hàn Quốc, Đài Loan khiến thị phần toàn cầu của Nhật Bản trong thị trường chip đã giảm từ khoảng 50% những năm 1980 xuống còn 10% hiện nay.
Nhưng vài năm gần đây Nhật Bản đã ý thức mạnh mẽ hơn tầm quan trọng của chất bán dẫn đối với an ninh kinh tế, các biện pháp trợ cấp của Mỹ cũng đã kích thích Nhật Bản, nên Nhật Bản đã đầu tư mạnh để xây dựng lại ngành chip.
Thứ Bảy tuần này, nhà máy của TSMC tại Kumamoto Nhật Bản sẽ tổ chức lễ khai trương. TSMC cũng thông báo sẽ xây dựng nhà máy thứ hai tại Nhật Bản, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 20 tỷ USD.
Tại thành phố Kikuchi tỉnh Kumamoto, toàn cảnh nhà máy mới xây dựng của công ty con của gã khổng lồ chip Đài Loan TSMC là Công ty sản xuất chất bán dẫn tiên tiến Nhật Bản (JASM). Hình vào Ngày 14/2/2024 (Philip Fong/AFP/Getty).
Công ty TSMC cho biết Nhật Bản lý tưởng với TSMC vì văn hóa làm việc của người Nhật Bản rất cần cù, chính phủ dễ dàng giải quyết và cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng.
Ngoài TSMC, một hãng chip được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ là Rapidus cũng có kế hoạch sản xuất hàng loạt chip ở Hokkaido bắt đầu từ năm 2027. Powerchip của Đài Loan cũng đang tìm kiếm trợ cấp của chính phủ để xây dựng một xưởng đúc trị giá 5,4 tỷ USD tại Nhật Bản.
Ngoài ra, một công ty thiết kế ASIC khác là Creative Electronics (GUC) cũng có ý định tăng cường hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản. Vào cuối năm ngoái, công ty MA-tek cung cấp dịch vụ thử nghiệm và phân tích vật liệu bán dẫn (TSMC là khách hàng lớn nhất) đã mở một phòng thí nghiệm mới ở vùng Kyushu (bao gồm 7 tỉnh là Fukuoka, Saga, Nagasaki, Kumamoto, Oita, Miyazaki và Kagoshima). Một nhà cung cấp thiết bị bán dẫn lớn khác của TSMC là Finesse Tech cũng đang thành lập một nhà máy tại Nhật Bản.
Các nguồn tin cũng cho biết, nhà cung cấp Marketech của TSMC đang mở rộng tại Nhật Bản. Công ty này từ chối bình luận về thông tin.
Ông Takamoto Suzuki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại tập đoàn thương mại Marubeni cho biết: “Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai gần như một phần của quá trình tách rời Trung Quốc”.
Nhưng ông cũng cảnh báo có thể Nhật Bản không đủ tài năng trẻ để đáp ứng nhu cầu. Mặc dù chính phủ và các trường đại học Nhật Bản tích cực khuyến khích sinh viên đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng số lượng nhân viên trong các ngành liên quan đến chip của Nhật Bản đã giảm khoảng 1/5 trong khoảng 20 năm qua.
Từ khóa Đài Loan Dòng sự kiện TSMC sản xuất chip bán dẫn