Nhà Trắng: Mỹ sẽ đáp trả nếu Trung Quốc bành trướng ở Solomon
- Bình Minh
- •
Nhà Trắng cho biết, một phái đoàn Hoa Kỳ đã gặp các nhà lãnh đạo của Solomon và cảnh báo rằng Chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại lớn về bất kỳ động thái nào của Trung Quốc nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở Solomon và sẽ có đáp trả tương ứng.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng vào ngày 22/4, ông Kurt Campbell – điều phối viên khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Daniel Kritenbrink – Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Stephen Sklenka – Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, ông Craig Hart – Quyền Phó Trợ lý Đại diện khu vực Châu Á tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đến thăm thủ đô Honiara của quốc đảo Solomon.
Nhà Trắng cho biết phái đoàn đã có cuộc gặp kéo dài 90 phút với Thủ tướng Solomon, ông Manasseh Sogavare, cùng hơn 20 thành viên nội các và nhân viên cấp cao của ông. Tại đây, phái đoàn đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng và các thành viên chủ chốt của phe đối lập chính trị trên đảo.
Nhà Trắng bày tỏ Hoa Kỳ và Quần đảo Solomon “đã có rất nhiều cuộc thảo luận xung quanh thỏa thuận an ninh được ký kết gần đây giữa nước này và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Dù đại diện của Quần đảo Solomon tuyên bố rằng thỏa thuận chỉ áp dụng trong nước, nhưng phái đoàn Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng rằng thỏa thuận này có ảnh hưởng tiềm tàng đến an ninh khu vực, gồm cả Hoa Kỳ và các nước đồng minh cùng đối tác của họ. Phái đoàn Hoa Kỳ đã vạch ra các lĩnh vực cần quan tâm rõ nét về mục đích, phạm vi và tính minh bạch của bản thỏa thuận này.”
Tuyên bố nói thêm, phái đoàn của Hoa Kỳ lưu ý rằng: “Nếu (Đảng Cộng sản Trung Quốc) thực hiện hành động nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực trên thực tế, năng lực viễn chinh, hoặc bố trí quân sự, Hoa Kỳ sẽ có những quan ngại đáng kể và đáp trả tương ứng. Trước quan ngại này, Thủ tướng Sogavare nhắc lại những đảm bảo cụ thể của mình, rằng sẽ không có căn cứ quân sự, không có sự hiện diện lâu dài và không có năng lực viễn chinh. Hoa Kỳ nhấn mạnh sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến với sự tham vấn của các đối tác trong khu vực.”
Trong khi Nhà Trắng chưa cho biết Hoa Kỳ sẽ đáp trả như thế nào trước một tình huống như vậy có thể xảy ra, Reuters cho biết giọng điệu thẳng thừng của Hoa Kỳ cho thấy mức độ lo ngại của nước này, khiến chính quyền phải cử các quan chức như ông Campbell tới Solomon trong tuần này.
Nhà Trắng cũng cho biết trong tuyên bố rằng tại thời điểm quan trọng này, Hoa Kỳ và Quần đảo Solomon đã đồng ý khởi động một cuộc đối thoại chiến lược cấp cao, do Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao phía Hoa Kỳ đồng chủ trì.
Mục đích của cuộc đối thoại là tăng cường giao tiếp, giải quyết các mối quan tâm của nhau và thúc đẩy sự tiến bộ thực sự. Đặc biệt, hai bên nhất trí sẽ thảo luận chi tiết hơn các vấn đề cùng quan tâm về an ninh, phát triển kinh tế và xã hội, sức khỏe cộng đồng, tài chính và nợ.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Quần đảo Solomon, ông Sogavare, phái đoàn đã nhắc lại những ưu tiên chính của chuyến thăm lần này, đồng thời vạch ra các bước cụ thể mà Hoa Kỳ sẽ thực hiện, nhằm cải thiện cuộc sống của người dân Solomon.
Hoa Kỳ sẽ đẩy nhanh việc mở đại sứ quán ở quốc đảo này; thúc đẩy hợp tác về vũ khí chưa nổ; khởi động chương trình nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải; cử tàu USNS Mercy đến giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng; thúc đẩy đối thoại về sự trở lại của Quân đoàn Hòa bình; cung cấp nhiều vắc-xin hơn; và thúc đẩy các biện pháp về khí hậu, sức khỏe và mối quan hệ giữa người với người.
Nhà Trắng cho biết, chuyến thăm Quần đảo Solomon là chặng cuối cùng trong chuyến công du Thái Bình Dương của phái đoàn. Trước đó, phái đoàn đã gặp các quan chức cấp cao của Úc, Nhật Bản và New Zealand tại Hawaii; gặp gỡ Thủ tướng Frank Bainimarama và các nhà lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương tại quốc đảo Fiji; tổ chức Đối thoại Chiến lược Hoa Kỳ-Fiji; gặp Thủ tướng James Marape cùng quan chức quốc phòng cấp cao tại Papua New Guinea (quốc gia ở tây nam Thái Bình Dương), nhằm thảo luận về cách tăng cường quan hệ an ninh.
Trong các hoạt động này, Hoa Kỳ nhắc lại rằng nước này “sẽ tìm cách làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ lâu bền của chúng ta với các quần đảo Thái Bình Dương và thực hiện các bước cụ thể nhằm thúc đẩy một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và có khả năng phục hồi.”
Để làm được điều này, Hoa Kỳ sẽ tôn trọng và củng cố các cam kết của mình, nỗ lực thúc đẩy sự thống nhất trong khu vực, phối hợp với các đồng minh và đối tác, nhằm đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21 và bảo vệ chủ quyền của các quốc đảo Thái Bình Dương.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Papua New Guinea cho biết, ông Campbell đã thảo luận về thỏa thuận an ninh với các nước láng giềng Fiji và Papua New Guinea trước khi đến thăm Honiara.
The Wall Street Journal đưa tin, mặc dù cả hai chính phủ đều không công bố chi tiết của thỏa thuận, nhưng một bản dự thảo bị rò rỉ của thỏa thuận này được lưu hành trực tuyến vào tháng 3 đã gây sốc cho Hoa Kỳ và Úc, vì cho phép Trung Quốc cập cảng tàu chiến ở quần đảo Solomon.
Bức thư cho thấy những chi tiết về ý đồ của Trung Quốc qua một lời đề nghị từ người đứng đầu Công ty TNHH Kỹ thuật Công trình Hàng không Quốc tế (AVIC), một công ty hàng không quốc doanh có trụ sở tại Bắc Kinh, gửi tới Thủ hiến Leslie Kikolo của tỉnh Isabel thuộc Quần đảo Solomon vào ngày 29/09/2020.
Bức thư mà news.com.au thu thập được này có chữ ký của Chủ tịch công ty Tiền Vinh (Rong Qian) và mở đầu bằng đoạn sau:
“Chúng tôi, Công ty Kỹ thuật Công trình AVIC-INTL … gửi thư này để thể hiện ý định của chúng tôi trong việc nghiên cứu cơ hội phát triển các dự án cơ sở hạ tầng và hải quân trên khu đất được thuê cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân ở Tỉnh Isabel với thời gian độc quyền 75 năm.”
Sau khi vụ việc được tiết lộ, cả Úc và New Zealand đều bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng trong việc hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Solomon đối với an ninh khu vực. Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan ngại tương tự. Úc và New Zealand từ lâu đã coi khu vực này là “sân sau” của họ.
Từ khóa Solomon Dòng sự kiện Quần đảo Solomon Quan hệ Trung Quốc - Solomon