Nhìn vào “Kế hoạch Ngàn nhân tài” từ việc giáo sư ĐH Harvard sa lưới
- Trình Hiểu Nông
- •
Gần đây, vụ án của giáo sư Charles Lieber nổi tiếng tại Đại học Harvard đã có kết quả. Theo đó vào khoảng năm 2010, ông Lieber bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mua chuộc để thu hút các học giả nước ngoài tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài”. Cục Điều tra Liên bang (FBI) Mỹ đã bắt ông Lieber vào tháng Giêng năm ngoái. Về tình hình chung vụ án, các cơ quan truyền thông như Đài Á châu Tự do, Wall Street Journal… đã đưa tin. Bài viết này phân tích các chi tiết có thể giúp hiểu sâu hơn về “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ.
(Bài viết của nhà kinh tế học người Mỹ gốc Hoa, ông Trình Hiểu Nông, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)
1. Giáo sư nổi tiếng Harvard bị bắt vì tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ
Ông Lieber năm nay 62 tuổi, là Trưởng khoa Hóa học của Đại học Harvard và là một chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ nano, thậm chí có nhiều khả năng ông sẽ đoạt giải Nobel. Nhưng nhà khoa học đầy danh tiếng này đã được đưa vào các hoạt động gián điệp của ĐCSTQ. Là một giáo sư cao cấp tại Harvard, ông Lieber có được địa vị đó trọn đời và mức lương hàng năm của ông có thể lên tới hơn 100.000 USD cho nên ông không thiếu tiền; nhưng ông ấy muốn mở rộng thêm nhiều nguồn tài trợ nghiên cứu khoa học để mở đường cho ông leo lên giải Nobel, và ông ấy cũng muốn có thêm nguồn tài chính từ ĐCSTQ nên đã quy thuận ma quỷ và sử dụng lợi ích quốc gia của Mỹ để thỏa mãn tham vọng của cá nhân ông.
Năm 2018 các nhà điều tra tội phạm từ Bộ Quốc phòng Mỹ đã hỏi ông Lieber liệu ông có liên quan đến “Kế hoạch Ngàn nhân tài” không? Ông Lieber đã lừa dối khi phủ nhận bản thân không liên quan. Nhưng cuối cùng FBI đã tìm ra bằng chứng kết luận chống lại Lieber và bắt ông ngay tại khuôn viên Harvard vào tháng 1/2020.
Trong phiên tòa xử Lieber, các công tố viên liên bang đã chọn một quan điểm dễ dàng hơn để xác định tình tiết vụ án, bởi vì có những vấn đề chuyên môn sâu rất phức tạp về tri thức khoa học công nghệ mà bồi thẩm đoàn cũng không dễ để hiểu được. Nhưng họ chọn cách rất đơn giản, đó là yêu cầu ông giải thích liệu ông có tham gia vào “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ hay không, và liệu ông có che giấu số tiền mà ông nhận được hay không.
Trong thời gian bị giam giữ, Bộ Quốc phòng Mỹ và Viện Y tế Quốc gia đã lần lượt thẩm vấn riêng ông, yêu cầu ông giải thích trung thực mối quan hệ của mình với “Kế hoạch Ngàn nhân tài”. Ban đầu Lieber nghiến răng và kiên quyết từ chối, cho rằng FBI không thể kết tội nếu không có bằng chứng về sự tham gia của ông trong “Kế hoạch Ngàn nhân tài”. Vì vậy Lieber đã nói dối hai cơ quan liên bang này, phủ nhận việc mình tham gia dự án và không nhận lương từ một trường đại học nào tại Trung Quốc, nhưng ông đã bị vạch trần. Các nhà điều tra đã cho Lieber xem một hợp đồng từ nhiều năm trước liên quan đến việc ông tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của Trung Quốc. Đơn vị ký hợp đồng của Trung Quốc là Đại học Công nghệ Vũ Hán và mức lương hàng tháng của Lieber là 50.000 USD. Ông ấy đã ký hợp đồng và đã có hiệu lực trong nhiều năm.
Tuy Lieber là giáo sư Harvard nhưng khả năng đối đáp với thẩm vấn của ông ta không khác gì những tội phạm thông thường. Trong thẩm vấn, ông ta đã 2 lần lừa dối che giấu đối với Bộ Quốc phòng và Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nhưng không những không qua được mà còn phạm thêm trọng tội đối với liên bang.
2. Lieber bị kết tội
Dường như ông Lieber không cho biết nhiều về việc bí mật tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ, vẫn còn nhiều che giấu nên hồ sơ vụ án chưa được tiết lộ chi tiết. Tuy nhiên trong cuộc thẩm vấn của FBI, chi tiết việc ông ta nhận tiền từ ĐCSTQ dường như không thể che đậy được. Video thẩm vấn của FBI cho thấy Lieber nói, “Có rất nhiều nước – tiền quá nhiều cũng không dùng hết…, tiền là một sự cám dỗ rất lớn, đây là một trong những thứ mà Trung Quốc hay dùng để thu hút người đi theo”. Trong video, Lieber thừa nhận rằng số tiền ông ta nhận được trong thời gian ở Trung Quốc được trả bằng tiền mặt, ông ta chuyển tiền đó cho vợ để trang trải cuộc sống nhưng không khai báo thuế với cơ quan chức năng Mỹ.
Theo tài liệu vụ án, Trung Quốc đã tài trợ nhiều triệu USD để tài trợ cho dự án nghiên cứu của Lieber, đồng thời Lieber cũng đã làm việc cho Đại học Công nghệ Vũ Hán trong một thời gian dài, và ĐCSTQ đã cho ông tiền lương hàng trăm nghìn USD. Ngoài việc mang phần lớn tiền mặt về Mỹ, ông ta còn gửi 200.000 USD vào tài khoản ngân hàng Trung Quốc. Mỗi khi Lieber mang hơn 10.000 USD tiền mặt vào Mỹ thì theo pháp luật Mỹ ông phải khai báo, về vấn đề này có thể ông ta đã vi phạm luật nhiều lần.
Nếu Lieber khai báo trung thực thu nhập từ Trung Quốc và nộp thuế thu nhập cá nhân tại Trung Quốc, ông ta có thể sử dụng thuế thu nhập cá nhân đã nộp tại Trung Quốc để khấu trừ vào Mỹ theo thỏa thuận miễn đánh thuế hai lần Trung-Mỹ khi nộp thuế thu nhập cá nhân liên bang tại Mỹ. Bằng cách này, thu nhập sau thuế của ông ta từ Trung Quốc về mặt pháp lý có thể không bị đánh thuế thêm ở Mỹ. Tuy nhiên, Lieber tham lam không chỉ trốn thuế ở Trung Quốc, mà còn trốn thuế ở Mỹ bằng cách che giấu thu nhập từ Trung Quốc. Ông ta làm vậy để che đậy giới chức Mỹ về việc ông ta đã bí mật tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” và kiếm tiền từ ĐCSTQ. Như vậy ông ta mang 4 tội danh trốn thuế liên quan.
Công tố viên liên bang phụ trách vụ án đã chỉ ra trong quá trình khai thuế thu nhập cá nhân liên bang, ông Lieber đã cung cấp lời khai gây hiểu lầm và báo cáo sai sự thật về thu nhập, từ đó che giấu mối quan hệ của ông ta với “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ, tham vọng tiền bạc của ông ta đã đi quá giới hạn. Công tố viên tại Massachusetts là Nathaniel Mendell đã đưa ra một tuyên bố sau phiên tòa kết thúc: “Bây giờ, không còn nghi ngờ gì nữa, Charles Lieber đã nói dối các nhà điều tra liên bang và Đại học Harvard, cố gắng che đậy sự thật rằng ông ta tham gia chương trình ‘Ngàn nhân tài’ của ĐCSTQ. Ông ta đã nói dối cơ quan thuế về số tiền ông ta nhận được và giấu tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc. Bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết công bằng dựa trên bằng chứng và pháp luật”.
Công tố viên liên bang đã đệ trình 6 cáo buộc chống lại Lieber tại phiên tòa, trong đó 2 tội danh nhằm đánh lừa chính phủ liên bang bằng những lời khai sai sự thật; còn 4 tội khác liên quan đến trốn thuế. 6 tội danh chống lại Lieber đều là tội liên bang hình sự, cuối cùng bồi thẩm đoàn nhận thấy cả 6 tội đều chính đáng. Vụ án này thật đáng quan tâm vì không chỉ phản ánh một khía cạnh nhỏ trong hành vi trộm cắp khoa học và công nghệ quy mô lớn của ĐCSTQ, mà còn khiến người ta phải thở dài: Ngay cả giáo sư Đại học Harvard nổi tiếng thế giới cũng đầy dã tâm và vô ý thức trong tuân thủ pháp luật, cũng có thế bất chấp tất cả chỉ vì tiền!
3. Kế hoạch Ngàn nhân tài đã thu hút hàng chục ngàn chuyên gia khoa học và công nghệ nước ngoài
“Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ theo tiếng Anh là “The Thousand Talents Program” (TTP), còn có tên gọi khác là “Chương trình Tuyển dụng Nhân tài Cấp cao ở nước ngoài” – “Overseas High-Level Recruitment Programs”. “Kế hoạch Ngàn nhân tài” được ĐCSTQ xây dựng năm 2008 với mục đích tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu quốc tế về nghiên cứu khoa học, đổi mới và khởi nghiệp. Năm 2007, Đại hội 17 của ĐCSTQ đưa ra “Chiến lược Nhân tài cường quốc”; năm 2010, ĐCSTQ đã nâng cấp kế hoạch này thành kế hoạch phát triển nhân tài quốc gia và trao mức tiền thưởng rất cao đối với người được tuyển dụng, mục đích để tăng cường đổi mới và khả năng cạnh tranh quốc tế của Trung Quốc. Năm 2019, kế hoạch này được đổi tên thành “Kế hoạch tuyển dụng chuyên gia nước ngoài cấp cao”, và cơ quan đại diện là Hiệp hội lưu học sinh phương Tây thuộc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.
Chuyên gia khoa học công nghệ nước ngoài tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” cũng được ĐCSTQ trao học hàm giáo sư, được coi là vinh dự cao nhất do Quốc vụ viện Trung Quốc trao tặng. Về “phần thưởng”, theo tình hình cụ thể có thể chia ra làm hai dạng: đối với chuyên gia có thể tận dụng các kỳ nghỉ ngơi để đến Trung Quốc cung cấp bí mật khoa học công nghệ sẽ được thuê vĩnh viễn và có thể luôn được trả lương từ ĐCSTQ; với những người làm việc toàn thời gian trong các trường đại học quốc tế hàng đầu hoặc phòng thí nghiệm nghiên cứu, do kỳ nghỉ của họ bị hạn chế và có thể họ không có kỳ nghỉ đông và kỳ nghỉ hè cũng như kỳ nghỉ học thuật nên chỉ có thể tham gia “thời vụ” và nhận thưởng theo từng công lao cụ thể.
“Kế hoạch Ngàn nhân tài” được chia thành 3 loại: loại thứ nhất là “Kế hoạch Ngàn nhân tài sáng tạo” nhằm vào các học giả Trung Quốc dưới 55 tuổi ở nước ngoài; loại thứ hai là “Kế hoạch Ngàn nhân tài nước ngoài” nhằm vào các học giả nước ngoài không phải là người Trung Quốc dưới 55 tuổi; loại thứ ba là “Chương trình tài năng trẻ ở nước ngoài của Trung Quốc” nhằm vào các học giả Trung Quốc dưới tuổi 40.
Dạng chương trình đầu (nhân tài sáng tạo) đã được thực hiện từ năm 2008, mục đích thực sự không phải là trao đổi học thuật thông thường mà là đánh cắp bí mật khoa học và công nghệ. Do đó về cơ bản ĐCSTQ không quan tâm đến những người trong các lĩnh vực như lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội học và nhân chủng học mà chỉ muốn những người có thể cung cấp bí mật khoa học và công nghệ; ngoài ra ĐCSTQ cũng không quan tâm đến những người trong các trường đại học hạng hai và hạng ba ở nước ngoài mà chỉ nhắm vào những người trong các trường đại học đẳng cấp hàng đầu thế giới. Từ cách lựa chọn này có thể thấy ĐCSTQ muốn đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của nước ngoài với một số tiền nhỏ bằng cách mua các chuyên gia khoa học và công nghệ từ các tổ chức hàng đầu.
Theo đà thành công có được trong kế sách “nhân tài sáng tạo”, ĐCSTQ thúc đẩy dạng thứ hai là nhắm vào nhân tài người nước ngoài; rồi theo đó tham vọng ngày càng mạnh khiến năm 2013 ĐCSTQ đưa ra loại thứ ba nhắm vào tài năng trẻ. Đồng thời ĐCSTQ còn có “Chương trình học giả sông Dương Tử” với mục đích tương tự như “Kế hoạch Ngàn nhân tài”. Nhiều tỉnh, thành phố của Trung Quốc cũng đã đưa ra kế hoạch tương tự.
Mặc dù tên của kế hoạch đánh cắp công nghệ này được gọi là “Kế hoạch Ngàn nhân tài”, nhưng không có giới hạn về số lượng người. Để che giấu hành vi trộm cắp trí tuệ này, ĐCSTQ cũng tuyển dụng vào chương trình một số người từ khoa học xã hội và nhân văn; nhưng lĩnh vực đó thực sự không được chú trọng mấy vấn đề sở hữu trí tuệ, mục đích đưa vào chỉ để “trang điểm” và nhằm ngăn chặn tiếng nói phản đối từ người trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tránh cho người lĩnh vực đó thấy bất mãn quá sức sẽ phanh phui sự thật về ăn cắp khoa học công nghệ. Từ 23 học giả Trung Quốc ở nước ngoài được “Kế hoạch Ngàn nhân tài” chiêu mộ mà được liệt kê trên Wikipedia, có người tên Feng Shuaizhang của Đại học Tế Nam ở Quảng Châu làm việc trong lĩnh vực khoa học xã hội và đã ở lại Trung Quốc.
Theo một bài đăng năm 2018 trên tạp chí Nature (Mỹ), vào thời điểm đó “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ đã thu hút 7000 chuyên gia khoa học công nghệ để cung cấp cho Trung Quốc bí mật khoa học công nghệ của nước ngoài. Từ năm 2018 đến nay đã trôi qua 3 năm, ước tính hiện nay ĐCSTQ đã thu hút gần chục ngàn chuyên gia khoa học công nghệ thông qua các chương trình đánh cắp công nghệ khác nhau.
4. Lợi ích của những chuyên gia tham gia đánh cắp công nghệ là gì?
“Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ dành những phần thưởng khá hậu hĩnh cho những người tham gia nhằm có được quyền sở hữu trí tuệ và bí mật công nghệ của nước ngoài. Điều cần nêu rõ là ngay từ đầu “Kế hoạch Ngàn nhân tài” đã nhấn mạnh cái gọi là “phần thưởng khích lệ” thay vì gọi là “bỏ tiền mua chuộc” các học giả nước ngoài. Nếu các học giả nước ngoài đến Trung Quốc giảng bài, họ chỉ dạy một số kiến thức cơ bản hoặc chuyên ngành trong sách giáo khoa, những kiến thức này không có vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, với những khóa học như vậy ĐCSTQ chỉ trả một khoản phí nhỏ chứ không thể thưởng cao cho họ.
Tất nhiên cái gọi là “phần thưởng khích lệ” là dành cho những người tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” vì những “đóng góp” của họ cho sự phát triển công nghệ của ĐCSTQ; ngược lại, những người tham gia này cũng biết rất rõ “không có công thì không được thưởng” và mức thưởng tỷ lệ thuận với công lao. Vì vậy những người tham gia “Chương trình Nghìn nhân tài” biết rõ vấn đề muốn có phần thưởng cao thì cần có “tài liệu giá trị”, và hầu hết các “tài liệu giá trị” là thành quả nghiên cứu và bí mật công nghệ phòng thí nghiệm chưa công bố và được bảo hộ bởi quy ước sở hữu trí tuệ quốc tế.
Trong giới khoa học công nghệ, tất cả các kết quả nghiên cứu đã được công bố đều có thể được tìm thấy trên các tạp chí học thuật quốc tế, và thư mục rất chi tiết. Bằng cách đăng ký các tạp chí này, các trường đại học và tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc có thể cập nhật những phát triển học thuật mới nhất. Đương nhiên ĐCSTQ sẽ không ngu ngốc đến mức bỏ ra nhiều tiền để mời những nhà khoa học đến Trung Quốc giảng những thành quả đã được công khai. Điều mà ĐCSTQ muốn là những thành quả chưa được công khai. Trong số thành quả đó có loại phải tuân theo thỏa thuận bảo mật của đơn vị tài trợ nghiên cứu và nhà nghiên cứu không được tiết lộ nội dung và kết quả nghiên cứu cho bên không liên quan; loại khác là kết quả nghiên cứu đã được cấp bằng sáng chế và những bên muốn dùng sáng chế đó phải trả tiền bản quyền theo các thỏa thuận liên quan về việc sử dụng bằng sáng chế.
Lý do nói “Kế hoạch Ngàn nhân tài” của ĐCSTQ là một kế hoạch ăn cắp bí mật chính là vì mục tiêu của nó không nhắm tới thông tin học thuật đã được công khai trên các tạp chí học thuật; mà nhắm vào các bí mật khoa học công nghệ được bảo mật, hoặc thu được công nghệ đã đăng ký sở hữu trí tuệ mà không phải trả tiền bản quyền. ĐCSTQ hiểu rõ điểm yếu của bản chất con người cần đến nhu cầu danh lợi, cho nên dùng “phần thưởng khích lệ” để thu hút các chuyên gia khoa học công nghệ, khiến không ít người vì lòng tham sẵn sàng chấp nhận rủi ro để vi phạm luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nguyên tắc họ đã cam kết với tổ chức nghiên cứu của họ. Chính vì độ rủi ro cao của hành vi trộm cắp công nghệ mà “phần thưởng” của ĐCSTQ cho người tham gia là “rất khó cưỡng lại”.
Số “phần thưởng khích lệ” cao là bao nhiêu? Wikipedia giới thiệu: cung cấp “tiền thưởng” một lần lên đến 1 triệu nhân dân tệ (RMB), cộng với chi phí nhà và chi phí đi lại tại Trung Quốc. Một bài báo năm 2018 trên tạp chí Nature của Mỹ cho biết rằng những người tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” có thể nhận được tiền thưởng khởi điểm là 1 triệu RMB và họ cũng có thể đăng ký xin tài trợ nghiên cứu 3-5 triệu RMB ở Trung Quốc; ngoài ra họ còn có thể được những trợ cấp khác về đi lại thăm thân ở nước ngoài và trợ cấp học phí cho con cái…
5. Số phận thê thảm của giáo sư Harvard nổi tiếng
Giáo sư Lieber đã hợp tác với Đại học Công nghệ Vũ Hán trong 10 năm thông qua “Kế hoạch Ngàn nhân tài”. Đại học Công nghệ Vũ Hán cũng bổ nhiệm ông Lieber làm giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm nano liên kết WUT-Harvard (WUT-Harvard Joint Nano Key Laboratory). Nhưng Đại học Harvard tuyên bố rằng họ không biết gì về phòng thí nghiệm đó và không bao giờ chấp thuận hợp tác; sau đó Đại học Harvard đã yêu cầu Đại học Công nghệ Vũ Hán xóa tên Đại học Harvard khỏi dự án hợp tác của ông Lieber. Như vậy phòng thí nghiệm của ông Lieber tại Đại học Công nghệ Vũ Hán không phải dự án hợp tác đã được Đại học Harvard phê duyệt, đã vi phạm quy tắc hợp tác giữa các trường, đó chỉ là dự án mà ông Lieber âm thầm thúc đẩy với Đại học Công nghệ Vũ Hán. Trong bố trí cơ sở của Đại học Công nghệ Vũ Hán cũng không còn Phòng thí nghiệm trọng điểm của Lieber. Điều này cũng cho thấy “phòng thí nghiệm trọng điểm” không được thành lập trên cơ sở phục vụ nghiên cứu khoa học của trường này mà mục đích nhằm tạo điều kiện cho trường tiêu hóa và hấp thụ các bí mật khoa học và công nghệ do Lieber bán ra.
Dù ĐCSTQ hy vọng rằng những người tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” sẽ định cư ở Trung Quốc, nhưng hầu hết họ vẫn quay trở lại nước ngoài, giữ chức vụ ở nước ngoài và tận dụng các lợi ích từ ĐCSTQ. Một trong những lý do là nếu họ ở lại Trung Quốc, họ sẽ bị các giảng viên trong trường ghen tỵ và chèn ép, sẽ không thoải mái. Nhưng “ăn hai đầu” luôn rủi ro và có thể bị điều tra.
Kể từ sau “Chiến tranh Lạnh” Trung-Mỹ do ĐCSTQ châm ngòi, quan hệ hai nước đã trở nên căng thẳng khiến thực trạng phanh phui gián điệp được thúc đẩy mạnh mẽ và công khai, làm cho nhiều chuyên gia Trung Quốc ở nước ngoài đã tham gia “Kế hoạch Ngàn nhân tài” lo sợ và phải chạy về Trung Quốc.
Ông Lieber bị sa lưới ngay tại Harvard. Ông ta rất rõ hành vi phạm tội của mình, cho nên Lieber hầu như không phản ứng gì khi bồi thẩm đoàn tuyên án, khi thẩm phán đọc bản án của bồi thẩm đoàn về tội danh của Lieber trước tòa. Ông ta không bị sốc trước phán quyết nhưng dường như bị tê liệt.
Lieber không chỉ kết thúc sự nghiệp khoa học mà về cuối cuộc đời còn đi đến hồi kết về mặt sinh lý. Hiện ông đang bị ung thư hạch giai đoạn cuối – một căn bệnh khó chữa. Số phận của ông ta trong phần đời còn lại của mình sẽ được tòa án tuyên bố, và cáo buộc gian dối của Lieber sẽ được thành lập, khả năng ông ta sẽ phải đối mặt với 5 năm tù giam. Vì không có tiền án tiền sự nên ông ta có thể bị kết án 6 tháng tù; các tội danh khác của Lieber là tội trốn thuế và vi phạm quy định công khai tài khoản ngân hàng nước ngoài liên quan đến số tiền tương đối nhỏ và hiếm khi bị kết án tù. Đối với học giả Harvard nổi tiếng đang hấp hối vì bệnh tật này, ông ta đã bước vào con đường thân bại danh liệt như vậy thì chuyện ông ta phải ngồi tù bao lâu cũng không mấy ai hứng thú: đây chính là tình trạng của cái gọi là “sống không bằng chết”.
Trình Hiểu Nông, Đài Á châu Tự Do
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của cá nhân tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa Kế hoạch ngàn nhân tài Trình Hiểu Nông