Nikkei: Mỹ cân nhắc thiết lập cơ chế thông báo lẫn nhau về phóng tên lửa với TQ
- Tùng Nhân
- •
Nikkei Asia hôm thứ Hai (11/12) dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Chính phủ Mỹ đang xem xét đề xuất thiết lập cơ chế thông báo lẫn nhau về các vụ phóng tên lửa với Trung Quốc, đây cũng là một phần trong nỗ lực tìm kiếm ổn định mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở San Francisco vào tháng trước.
Theo Nhà Trắng, ông Tập đã đồng ý giải quyết một số vấn đề lớn giữa hai nước trong hội nghị thượng đỉnh, bao gồm kiểm soát và thông báo trang bị vũ khí. Hai bên cũng chỉ đạo các quan chức cấp cao tương ứng của mình tiến hành tham vấn tiếp theo về vấn đề này.
Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Nikkei rằng Mỹ hy vọng sẽ tổ chức một cuộc đối thoại về kiểm soát vũ khí với Trung Quốc vào đầu năm tới, và cơ chế thông báo lẫn nhau về việc phóng tên lửa là một trong những biện pháp cụ thể hiện đang được Chính phủ Mỹ xem xét.
Vị quan chức này nói: “Sở dĩ cơ chế thông báo phóng tên lửa rất quan trọng là vì cả hai sẽ có nghĩa vụ thông báo cho đối phương kia biết mình đang làm gì”. “Việc có được cơ chế này giữa Trung Quốc và Nga cho thấy họ nhận ra tầm quan trọng của (cơ chế này) trong việc mang lại sự ổn định. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thiết lập.”
Quan chức giấu tên bác bỏ cách nói của Bắc Kinh rằng Trung Quốc và Mỹ cần xây dựng lòng tin lẫn nhau trước khi thực hiện các biện pháp cụ thể, nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc cần thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin ban đầu như thông báo lẫn nhau về phóng tên lửa để giúp tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước.
Nikkei chỉ ra trong báo cáo rằng mặc dù quan chức này không sẵn lòng thảo luận chi tiết về đề xuất của Mỹ, nhưng ông nhấn mạnh rằng một thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Nga được gọi là “Thỏa thuận thông báo phóng tên lửa đạn đạo” có thể đóng vai trò là hình mẫu cho cơ chế thông báo tương tự giữa Mỹ và Trung Quốc
Thỏa thuận thông báo phóng tên lửa đạn đạo Mỹ – Nga được ký kết trong Chiến tranh Lạnh năm 1988. Thỏa thuận này yêu cầu Mỹ và Nga trước khi phóng các tên lửa chiến lược, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo (SLBM), sẽ cần thông báo cho nhau về kế hoạch phóng. Mục đích của nó là để nói với bên kia rằng tên lửa được phóng không phải là một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ nhằm vào đối phương.
Nikkei cho biết, mặc dù quan hệ Mỹ – Nga đã xấu đi nghiêm trọng từ sau chiến tranh Nga – Ukraine, Moscow vẫn tiếp tục thông báo trước cho Mỹ các vụ thử hoặc phóng tên lửa. Điều này cho thấy Điện Kremlin cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc tránh những tính toán sai lầm và phản ứng bất ngờ.
Tờ Nikkei dẫn lời ông James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân của tổ chức nghiên cứu tư vấn Carnegie Endowment for International Peace của Mỹ, nói rằng Mỹ nên đưa ra đề xuất cụ thể và chi tiết về cơ chế thông báo phóng tên lửa, sau đó xem xét lập trường và phản ứng của phía Trung Quốc.
“Mặc dù khó có thể lạc quan, nhưng tôi nghĩ rằng một thỏa thuận về thông báo phóng tên lửa là có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ,” ông James Acton nói. “Một bước quan trọng là mỗi quốc gia phải xác định loại hành vi mà họ cảm thấy đặc biệt đe dọa và có thể dẫn đến leo thang. Một thỏa thuận về cơ chế thông báo phóng hoặc điều chỉnh các vụ phóng vệ tinh sẽ giúp giải quyết vấn đề này.”
Tờ Nikkei chỉ ra rằng một trong những thách thức mà Mỹ phải đối mặt là phái đoàn Trung Quốc có thể chưa nhận được đủ ủy quyền để thảo luận về những lo ngại của Mỹ.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Nikkei rằng mặc dù Mỹ đã thông báo cho Trung Quốc về chương trình đàm phán kiểm soát vũ khí cấp chuyên viên vào tháng 11, nhưng có một số vấn đề mà các nhà đàm phán Trung Quốc không được phép thảo luận về những vấn đề này. Theo quan chức Mỹ, không có đại diện của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hay Quân đội Giải phóng Nhân dân trong số các nhà đàm phán Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra cảnh báo trong báo cáo mới nhất về sức mạnh quân sự của Trung Quốc công bố vào tháng 10 năm nay. Nhằm xóa tan suy nghĩ của Mỹ can thiệp vào bất kỳ cuộc xung đột nào ở Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc đã phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và các loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có thể trực tiếp đe dọa và tấn công đất liền Mỹ. Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 300 hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào năm 2022, các tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Trung Quốc có thể phóng tên lửa từ gần bờ biển Trung Quốc để tấn công trực tiếp vào đất liền của Mỹ.
Ông Chad Sbragia, nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích Quốc phòng, một cơ nghiên cứu tư cố vấn của Mỹ, và cũng từng là quan chức cấp cao về các vấn đề Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng sự gia tăng sức mạnh quốc gia và quân sự của Trung Quốc có thể đã giúp Bắc Kinh tự tin hơn khi ngồi xuống và đàm phán với Mỹ.
“Sự ngang bằng về mặt quân sự hoặc gần ngang bằng… hiện giờ họ có thể thảo luận về những vấn đề này, vì họ chắc chắn rằng hiện giờ họ không mặc cả hoặc đàm phán từ thế yếu,” Nikkei dẫn lời ông Sbragia nói.
Từ khóa cảnh báo tên lửa mối quan hệ Mỹ - Trung