Ông Blinken lệnh cho hầu hết các nhân viên Bộ Ngoại giao rời khỏi Myanmar
- Lê Xuân
- •
Ngoại trưởng Antony Blinken đã lệnh cho hầu hết nhân viên Bộ Ngoại giao làm việc tại Myanmar rời khỏi nước này sau khi hàng trăm người đã bị chế độ giết hại trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự.
Ông Blinken nói với các phóng viên hôm thứ Ba (30/3) rằng: “Những hành động mà chúng ta đã thấy của quân đội Myanmar liên quan đến các cuộc tấn công vào dân thường thật đáng trách. Một số người chỉ đơn giản là bị kẹt trong làn đạn, những người khác chỉ bày tỏ quan điểm của họ một cách ôn hòa … Điều này kéo theo một loạt các cuộc tấn công khác và thực sự là bạo lực ngày càng đáng lo ngại và thậm chí ở mức kinh hoàng.”
Ông Blinken đã lên án sự trấn áp đẫm máu của quân đội Myanmar khi công bố báo cáo năm 2020 của Bộ Ngoại giao về nhân quyền, vốn đã được soạn thảo trước khi Thống tướng Min Aung Hlaing tiến hành đảo chính vào đầu tháng 2. Vài giờ sau, ông ra lệnh cho “nhân viên chính phủ Hoa Kỳ không trọng yếu và các thành viên gia đình của họ” rời khỏi đất nước. Trước đó, phía Mỹ chỉ đưa ra khuyến cáo và vẫn cho phép các nhân viên chính phủ có thể tự nguyện rời đi hoặc ở lại, đồng thời cảnh báo người Mỹ đi du lịch đến Myanmar.
Hướng dẫn cập nhật của Bộ Ngoại giao Mỹ ghi: “Quân đội Myanmar đã giam giữ và phế truất các quan chức chính phủ được bầu… Các cuộc biểu tình chống lại sự cai trị của quân đội đã xảy ra và dự kiến sẽ tiếp tục … [Một số khu vực] của Myanmar đặc biệt là nơi xảy ra tình trạng bất ổn dân sự và bạo lực vũ trang do giao tranh giữa quân đội với các nhóm vũ trang dân tộc và lực lượng dân quân khác.”
Số dân thường thiệt mạng từ cuộc đàn áp của quân đội hiện đã vượt qua con số 520. Nhiều quốc gia phương Tây đã lên án sự tàn bạo của quân đội Myanmar sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
“Bộ Ngoại giao đã quyết định ra lệnh [cho nhân viên] rời khỏi Myanmar vì sự an toàn và an ninh của họ và những người thân của họ, cũng như các công dân Hoa Kỳ khác,” một người phát ngôn cho biết, nói thêm rằng việc khởi hành sẽ được xem xét trong 30 ngày tới.
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu đều đã áp đặt các biện pháp trừng phạt để đáp trả cuộc đảo chính và đàn áp, nhưng cho đến nay áp lực ngoại giao vẫn chưa không khiến cho các tướng lĩnh chùn bước.
Lê Xuân
Xem thêm:
Từ khóa Antony Blinken bạo loạn ở Myanmar