Ông Trump rút ông Waltz khỏi vị trí cố vấn ANQG, đề cử vào vai trò đại sứ LHQ
- Hải Đăng
- •
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm (1/5) đã sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia (ANQG) Mike Waltz, nhưng sau đó đã lập tức đề cử ông này vào vị trí đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Ông Trump cũng thông báo tạm thời Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ kiêm nhiệm vai trò cố vấn an ninh quốc gia.
“Tôi vui mừng thông báo rằng tôi sẽ đề cử Mike Waltz làm Đại sứ Hoa Kỳ tiếp theo tại Liên Hiệp Quốc“, Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Truth Social vào thứ Năm (1/5).
“Từ thời gian mặc quân phục trên chiến trường, trong Quốc hội và với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia của tôi, Mike Waltz đã nỗ lực hết mình để đặt Lợi ích của Quốc gia lên hàng đầu. Tôi biết ông ấy sẽ làm như vậy trong vai trò mới của mình”, ông Trump viết.
Ông Waltz đã viết trên mạng xã hội X ngay sau thông báo của ông Trump rằng ông “rất vinh dự khi được tiếp tục phục vụ Tổng thống Trump và đất nước vĩ đại của chúng ta“.
Ông Trump đã thêm vào bài đăng của mình rằng ông Rubio sẽ đồng thời làm cố vấn an ninh quốc gia tạm thời sau khi ông Waltz rời khỏi vai trò này vào thứ Năm (1/5).
“Trong thời gian tạm thời, Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia, đồng thời tiếp tục lãnh đạo mạnh mẽ tại Bộ Ngoại giao. Cùng nhau, chúng ta sẽ tiếp tục chiến đấu không mệt mỏi để Làm nước Mỹ và Thế giới AN TOÀN TRỞ LẠI”, ông Trump loan báo.
Năm 1973, Tổng thống Hoa Kỳ khi đó là ông Richard Nixon cũng đã có động thái tương tự khi ông bổ nhiệm Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger làm ngoại trưởng, theo hồ sơ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Ông Waltz và các nhân viên khác của Hội đồng An ninh Quốc gia đã rời văn phòng làm việc vào thứ Năm (1/5).
Cựu cố vấn an ninh quốc gia này là tâm điểm của vụ rò rỉ tin nhắn Signal diễn ra vào tháng Ba, khi tổng biên tập tạp chí The Atlantic vô tình được thêm vào một cuộc trò chuyện nhóm với các quan chức cấp cao của chính quyền Trump như ông Waltz, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth và Giám đốc CIA John Ratcliffe đang thảo luận về các cuộc tấn công quân sự vào nhóm vũ trang Houthi ở Yemen.
Trong nhiều tuần sau đó, đã có nhiều đồn đoán rằng ông Waltz sẽ bị cách chức sau vụ rò rỉ tin nhắn, mặc dù chính quyền Trump vẫn khẳng định rằng không có tài liệu mật nào được chia sẻ trong cuộc trò chuyện nhóm đó và rằng tổng thống tin tưởng vào nhóm Hội đồng An ninh Quốc gia của mình.
Về vị trí đại sứ Liên Hiệp quốc, trước khi Tổng thống Trump chọn ông Waltz, một số cái tên đã được đưa ra cho vị trí này sau khi Dân biểu Elise Stefanik (Đảng Cộng hoà, New York) rút lại đề cử của mình vào tháng Ba, bao gồm ông David Friedman, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Israel; bà Ellie Cohanim, cựu phó đặc phái viên giám sát và chống chủ nghĩa bài Do Thái tại Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Trump đầu tiên; và đặc phái viên tổng thống Richard Grenell.
Tổng thống Trump đã công bố bà Stefanik là lựa chọn ban đầu của ông cho vai trò đại sứ Liên Hiệp Quốc vào tháng 11 năm 2024, chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử thành công của ông trước cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris. Tuy nhiên, nữ dân biểu New York đã rút đề cử vào tháng Ba để tiếp tục ở lại Hạ viện liên bang vì lo ngại rằng đa số mong manh của Đảng Cộng hoà tại Hạ viện sẽ giảm đi khi bà vắng mặt.
Lo ngại đó gia tăng trước hai cuộc bầu cử Hạ viện đặc biệt ở Florida vào ngày 2 tháng 4, nhưng cuối cùng cả hai ứng viên Đảng Cộng hoà đều giành chiến thắng, dù tỷ lệ thắng của họ có biên độ hẹp hơn đáng kể so với những người tiền nhiệm trong các cuộc bầu cử trước đó.
Ông Trump hồi tháng Ba đã thông báo trên Truth Social rằng bà Stefanik đã rút đề cử của mình để “ở lại Quốc hội để giúp tôi thực hiện các đợt cắt giảm thuế lịch sử, việc làm TUYỆT VỜI, tăng trưởng kinh tế kỷ lục, biên giới an toàn, thống trị năng lượng, hòa bình thông qua sức mạnh“.
“Với số phiếu rất sít sao, tôi không muốn mạo hiểm với bất kỳ ai khác tranh cử vào ghế của bà Elise. Người dân yêu quý bà Elise và với bà ấy, chúng ta không có gì phải lo lắng khi đến Ngày bầu cử. Có những người khác có thể làm tốt công việc tại Liên Hiệp Quốc“, ông Trump cho biết thêm.
Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump, cựu Thống đốc Nam Carolina Nikki Haley và cựu nhà ngoại giao Kelly Craft đã từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
Khi nhậm chức nhiệm kỳ hai vào đầu tháng Một năm nay, tổng thống thứ 47 đã cắt giảm sự tham gia của Hoa Kỳ vào các chương trình thuộc phạm vi của Liên Hiệp Quốc, bao gồm chấm dứt sự tham gia của Washington vào Hội đồng Nhân quyền và cấm tài trợ cho cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc tại Gaza.
Từ khóa Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Mike Waltz Donald Trump Dòng sự kiện
