Phái đoàn Hoa Kỳ đến Venezuela mong muốn tìm nguồn dầu mỏ nhập khẩu thay thế
- Minh Ngọc
- •
Một phái đoàn cấp cao từ Hoa Kỳ đã gặp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Phó Tổng thống Delcy Rodriguez vào ngày 5/3 để thảo luận về khả năng nới lỏng các lệnh trừng phạt và các nguồn dầu mỏ thay thế.
Phái đoàn Hoa Kỳ do cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng về khu vực Mỹ Latinh Juan Gonzalez và đại sứ James Story dẫn đầu, ngoài ra còn có sáu giám đốc điều hành Citgo và đặc phái viên của tổng thống về các vấn đề con tin Roger Carstens, người đã tham dự giải quyết việc trả tự do cho các công dân Mỹ và công dân hai quốc tịch đang bị giam giữ ở Venezuela.
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và chế độ Maduro lên cao kể từ năm 2019 khi Washington cắt đứt quan hệ và tạm thời đình chỉ các hoạt động đại sứ quán của họ trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi từ năm trước, trong đó ông Maduro bị cáo buộc đánh cắp cuộc bầu cử.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết phái đoàn Mỹ đã làm việc với phía Venezuela về các vấn đề liên quan tới an ninh năng lượng. Đây là lần đầu tiên Mỹ và Venezuela tổ chức một cuộc gặp cấp cao công khai kể từ đầu năm 2019. Theo New York Times, chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Mỹ tới Venezuela là nhằm tìm kiếm phương án thay thế nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.
Các đại diện của Washington đã đến tham dự cuộc thảo luận vào thời điểm tế nhị, bởi hiện các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang gây sức ép buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden khởi động lại dự án Đường ống Keystone XL trong một nỗ lực nhằm giảm bớt giá khí đốt tăng vọt sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Hơn nữa, phái đoàn của Hoa Kỳ cũng đến nước này chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Venezuela lên tiếng ủng hộ cuộc xâm lược quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm vào Ukraine.
Ngày 3/3, ông Maduro gọi TT Putin là “nhà lãnh đạo vĩ đại của nhân loại” và ra sức công kích trên các phương tiện truyền thông Mỹ Latinh đưa tin về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông nói: “Thật đáng kinh tởm với cách mà truyền hình và báo chí Tây Ban Nha đối đãi với cuộc xung đột ở Nga và Ukraine – khoanh tay, quỳ gối, lôi kéo vì quyền lợi của đế quốc Mỹ.”
Ông Maduro cam kết sẽ bán cho Putin “mọi thứ ông ấy cần” để duy trì cuộc chiến ở Ukraine và chỉ trích các lệnh trừng phạt chống lại Nga, vốn khiến giá xăng và khí đốt trên toàn thế giới tăng vọt.
Ông Maduro cũng từng chủ trì một cuộc họp với các quan chức Nga một tuần trước khi ông Putin phát động một cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/2.
Trong chuyến công du với các chế độ đồng minh trong khu vực, bao gồm Venezuela, Cuba và Nicaragua, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov đã nói về việc củng cố sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế và quân sự với Venezuela.
Chuyến thăm của Borisov tới Venezuela vào ngày 16/2 tập trung chủ yếu vào các mục tiêu quân sự. Tái khẳng định điều này, ông Maduro xác nhận Nga và Venezuela đang trên “con đường hợp tác quân sự mạnh mẽ” sau cuộc họp.
Ban đầu, chính quyền Biden cố gắng tránh tẩy chay lĩnh vực năng lượng của Nga nhằm ngăn giá xăng dầu tăng cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Hoa Kỳ đã tiến tới cân nhắc các biện pháp cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga.
Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, lượng dầu thô và khí đốt trung bình hàng tháng nhập khẩu từ Nga vào năm 2021 đạt tổng cộng khoảng 680.000 thùng/ngày.
Hiện giá dầu tại Hoa Kỳ cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Trong nỗ lực tìm phương án thay thế để hạn chế nhập khẩu dầu của Nga, các thượng nghị sĩ Cộng hòa tại tiểu bang Pennsylvania Wayne Langerholc (khu vực Johnstown), Joe Pittman (khu vực Indiana) và Gene Yaw (khu vực Williamsport), đã đăng một bản ghi nhớ đồng tài trợ phác thảo các kế hoạch và thúc giục ông Biden khởi động lại Dự án Đường ống Keystone XL.
Trong tuyên bố chung của họ, các thượng nghị sĩ nhấn mạnh: “Hoa Kỳ không thể tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ nước ngoài khi chúng ta có đủ nguồn lực để cung cấp nhiên liệu cho xe cộ và sưởi ấm nhà cửa.”
Bản ghi nhớ còn cho biết thêm, dự án Keystone sẽ vận chuyển dự kiến 830.000 thùng mỗi ngày và xóa bỏ sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào dầu của Nga.
Từ khóa quan hệ Mỹ - Venezuela quan hệ Nga - Venezuela dầu mỏ Venezuela