Dmitry Polyansky, đại biểu thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc, hôm 24/9 cảnh báo rằng nguy cơ xung đột toàn cầu hôm nay là do Mỹ và các đồng minh NATO/EU muốn duy trì sức thống trị của bản thân họ trên thế giới. Ông nói rằng theo các tài liệu được giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ, thì ngay sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã lên kế hoạch phá hủy nước Nga. Theo ông, các quốc gia trên thế giới nên nối lại các nỗ lực tái thiết các cơ chế hợp tác quốc tế dựa trên các nguyên lý nền tảng công bằng và bình đẳng.

241001DmitryPolyansky00
Dmitry Polyansky, Đại biểu đại biểu thường trực Nga, phát biểu tại Liên Hợp Quốc, 24/9/2024 (ảnh cắt từ video)

Dưới đây là dịch phần phát biểu của ông Dmitry Polyansky tại Liên Hợp Quốc.

Gửi các đồng nghiệp, các quý bà và các quý ông:

Cuộc tranh luận của chúng ta hôm nay diễn ra vào một thời điểm cực kỳ khó khăn và mang tính có trách nhiệm đối với toàn bộ thế giới.

Hẳn là chưa bao giờ kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, hành tinh của chúng ta lại tiếp cận tới gần một xung đột toàn cầu như tình trạng của ngày hôm nay.

Chúng ta thảy đều biết câu trả lời minh bạch rằng tại sao chúng ta lại đi đến lằn ranh nguy hiểm ấy.

Trong suốt nỗ lực duy trì vị thế thống trị của mình đối với thế giới này, Mỹ cùng với đồng minh của mình là NATO và EU, đã đang không ngừng dấn sâu vào chiến tranh chống Nga, nhằm nuôi dưỡng kế hoạch chống Nga của họ tại Ukraine.

Nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng hôm nay, hiển nhiên, không phải nằm ở những nỗ lực bằng mọi giá của Mỹ nhằm cứu vãn chế độ Zelensky đang lao dốc phá sản và đang bại trận.

Cũng thậm chí không ở nguyện ước một cách tự nhiên của Nga muốn bài trừ các mối đe dọa đến an ninh quốc gia vốn xuất hiện sau cuộc đảo chính vi hiến tại Kiev năm 2014.

Kỳ thực, nguyên nhân nằm ở sâu hơn rất nhiều, mà tất cả chúng ta đều hiểu rõ cả đấy.

Kỷ niệm [75 năm] tại Hội nghị thượng đỉnh NATO được tổ chức vào mùa Hè vừa qua, đã lột bỏ những chiếc mặt nạ cuối cùng khỏi tập đoàn phương Tây (West collective), đã ghi nhắc rõ ràng nhiệm vụ chính và lâu dài của khối liên minh này là ngay trên chiến trường mà đánh bại Nga, một cường quốc hạt nhân.

Và như chúng ta được biết thông qua các tài liệu mới được giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhiệm vụ phá hủy Nga, loại trừ Nga khỏi nhiều chương trình an ninh và hợp tác, đã được lên kế hoạch tại Washington ngay lập tức sau khi Liên Xô tan rã.

Hơn nữa nhiệm vụ này đang có thêm những ý nghĩa mới cùng các triển khai cụ thể hơn nhờ vào các nỗ lực của thế hệ trẻ chống Nga ở Châu Âu, những người đạt được các vị trí chủ chốt trong NATO và Liên minh EU.

Ví dụ như Kaja Callis, người mà gần đây được các nhà lãnh đạo EU tán đồng thay thế ông Boral ở vị trí của ‘khu vườn xinh đẹp’. Bà đã nói về Nga: Có rất nhiều dân tộc là các phần của Nga, nếu chia thành nhiều quốc gia nhỏ hơn, nếu một cường quốc lớn trở thành bé nhỏ hơn rất nhiều, thì mọi thứ sẽ không tệ đến thế này.

Tôi tự hỏi Brussels nhận thức như thế nào về việc Nga sẽ có phản ứng gì đối với các chính trị gia mang quan điểm tương tự như vậy.

Cùng lúc đó, khối quân sự Liên minh Bắc Đại Tây dương (NATO) đã nuốt trọn EU, bất chấp rằng trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nó vốn tự xác định vai trò của mình chỉ chuyên làm một đối trọng đối với khối quân sự Hiệp ước Vácsava, gồm Nga và một số nước khác.

Ở Hội nghị thượng đỉnh Kỷ niệm [75 năm NATO] vừa đề cập ở trên, tại Washington, các nhà lãnh đạo của các nước NATO đã công khai tuyên bố rằng vai trò lãnh đạo của họ không chỉ cuộc hạn trong khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương, mà còn vươn tới các vùng Châu Á – Thái Bình Dương.

Họ tuyên bố rằng khối liên minh vẫn là được chỉ đạo bởi nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ của các thành viên. Nhưng mà, để đạt được điều ấy, họ nói rằng cần phải mở rộng tầm thống trị của mình sang toàn bộ lục địa Á-Âu, và các vùng biển lân cận.

Điều đó bao gồm việc tạo ra các liên minh đóng và mang ảnh hưởng địa chính trị cục bộ và nhỏ, như các loại bộ đôi, bộ ba, hoặc bộ tứ.

Cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang nhanh chóng đi vào khu vực Thái Bình Dương, rõ ràng với mục tiêu phá hoại cấu trúc hiện đang tồn tại với trung tâm là ASEAN, vốn được hình thành và ổn định trong nhiều thập kỷ trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích chung.

Để thay thế cơ chế đã hình thành quanh ASEAN ấy, Mỹ cùng các đồng minh của mình đã tạo ra các cấu trúc chân rết đóng và mang tính đối kháng.

Để kiềm chế Nga và Trung Quốc, cũng như những quốc gia nào mang chính sách độc lập nên bị coi là đang thách thức đối với quyền bá chủ của mình, thì phương Tây đã chà đạp lên tất cả các giới hạn vạch ra bởi các hệ thống toàn cầu do chính họ lập ra phỏng theo mô hình của chính quốc gia họ.

Các lệnh trừng phạt đơn phương được ban hành như các phản ứng nhằm vào các đường lối chính trị độc lập.

Washington đã không từ thủ đoạn nào để làm nổ tung mọi thứ, theo nghĩa đen của từ này, nếu chúng ta nhớ tới vụ khủng bố đánh vào các đường dẫn khí đốt Nord Stream, một nền tảng hợp tác năng lượng các bên cùng có lợi giữa Nga và Đức cùng Châu Âu.

Kết quả là Châu Âu đang nhanh chóng mất dần năng lực độc lập, thoái hóa thành các tiểu nhân vật cả về kinh tế và chính trị, các chư hầu mà Mỹ có thể gọi tới gọi lui tùy theo sở thích.

Thưa các đồng nghiệp thân mến!

Mối đe dọa chết người đối với toàn nhân loại hôm nay xuất phát từ thực tế là các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo —các quốc gia đang tiến hành chiến tranh ủy nhiệm thông qua Ukraine để chống Nga— đã đánh mất một nhận thức.

Đó là nhận thức rằng bất kỳ cuộc xung đột toàn cầu giữa những cường quốc sẽ có khả năng cực kỳ cao dẫn tới thảm họa toàn cầu.

Giới tinh hoa phương Tây vẫn sống trong hệ thống quan hệ chính trị quốc tế Yalta-Potsdam —hệ thống xuất hiện sau Đại Thế chiến II— đã dần dần rời xa khỏi các nguyên tắc của “chính trị hiện thực” (realpolitik) vốn dựa trên khái niệm lợi ích và an ninh của quốc gia, trong đó có điều mặc định rằng việc tăng cường an ninh của quốc gia này không nên làm suy yếu đi an ninh của quốc gia khác.

Biểu hiện rất rõ của sự đánh mất nhận thức ấy chính là những mở rộng không hạn chế của NATO, tạo ra các mối đe dọa và dẫn tới tình trạng leo thang xung đột không kiểm soát được. Điều này được cảm nhận rõ rệt bởi các quốc gia ở phía Nam bán cầu.

Qua những nỗ lực của Washington cùng hệ thống vệ tinh chư hầu của mình, các thỏa thuận quốc tế về kiểm soát và cân bằng vũ khí đến nay hầu như đã hoàn toàn bị phá hỏng.

Mỹ đang tìm mọi cách để đổ lỗi cho Nga một cách vô căn cứ về vấn đề này. Nhưng mà chúng ta, theo cách họ nói, có ghi lại tất cả các động thái đó rồi.

Còn nữa, cùng trong bối cảnh ấy, là sự thoái hóa về phương diện ngoại giao chuyên nghiệp và đối thoại văn minh, nay đã bị thay thế hoàn toàn bởi những tuyên bố đe đọa sặc mùi súng đạn.

Đây là điều chúng ta đều đang nghe thấy tràn ngập khắp nơi các loa phóng thanh ở Hội đồng Bảo an nói riêng và Liên Hợp Quốc nói chung (ám chỉ phát biểu của nhóm Zelensky, rằng phải cưỡng ép Nga vào khuôn khổ — ND).

Kết quả là các kênh thông tin về các khủng hoảng đã bị xuống cấp đến mức coi như vô hiệu hoàn toàn.

Đã vậy thì sự mất đi của những bảo đảm trước đây từng giúp nhân loại có thể sống sót được qua thời Chiến tranh Lạnh đã khiến thế giới ngày nay trở nên mất khả năng tự vệ.

Và bất kỳ hành động khiêu khích hay cử chỉ nóng vội nào cũng có thể dẫn tới xung đột toàn cầu.

Trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Ukraine giữa NATO và Nga, thì tình huống nguy hiểm nói trên đã xuất hiện lặp lại nhiều lần.

Hôm nay tôi sẽ không dừng lại lâu để trình bày các đánh giá của chúng tôi về nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine và các sự kiện ép buộc chúng tôi phải tiến hành một hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022, và tuân thủ đầy đủ điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Chúng tôi đã nói về điều này nhiều lần rồi, kể cả tại Liên Hợp Quốc. Như hôm qua chúng tôi đã lại một lần nữa đề xuất công thức khả thi để chấm dứt các hành động thù địch.

Có nên chấp nhận hay không, ấy là vấn đề của nhóm Zelensky.

Đồng thời họ đã biết rõ rằng trên thực tế mỗi lần đề xuất hòa bình của chúng tôi đều là một lần giảm lợi ích của Ukraine. Nguyên nhân như được thấy qua những biến động đang diễn ra trên chiến trường, và tình trạng nhà nước Ukraine đang tự hủy diệt nhanh chóng.

Hãy nhớ tới các thỏa thuận Minsk, và văn bản cuối cùng của Istanbul, những thỏa thuận bị phá ngang bởi London và Washington. Giờ đây ở Kiev, họ đang hối hận vì đã bỏ lỡ những cơ hội ấy, nhưng mà, theo cách họ nói, chuyến tàu đã rời đi mất rồi.

Hôm nay chúng tôi được nghe từ các đồng nghiệp phương Tây lặp lại những câu chú như mọi khi, kêu gọi Nga rút quân, như phương án để chấm dứt chiến tranh.

Về vấn đề này, tôi xin nhắc nhở quý vị rằng chúng tôi đưa quân vào năm 2022 chính là để ngăn chặn cuộc thảm sát đẫm máu do chính quyền Kiev phát động nhắm vào chính nhân dân của mình ở Đông và Đông Nam nước này. Cuộc thảm sát mà phương Tây cố chấp cố gắng phớt lờ đi kể từ năm 2014.

Vì thế cho nên các công thức của phương Tây để giải quyết xung đột đều không phù hợp. Điều ấy đã được thể hiện rõ ràng tại cái hội nghị thượng đỉnh hòa bình rởm tại Bergenstock, hội nghị không thu hút được hứng thú từ bất kỳ ai, ngoại trừ chế độ Zelensky và những nhà tài trợ phương Tây.

Chúng ta còn hiểu rõ ràng hơn nữa như kế hoạch do ông Boral đề cập đến: Tôi biết cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, điều ấy có thể làm chỉ trong vài tuần, ấy là chỉ cần ngừng cung cấp vũ khí.

Nhưng mà chính nhà ngoại giao đứng đầu của Châu Âu ấy lại chủ trương rằng phương Tây nên bằng mọi giá không để cho Nga thắng lợi.

Chủ trương ấy cũng được thể hiện rõ ràng trong các tài liệu của Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington.

Do đó cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ là một phần cụ thể trong quá trình hướng tới một cuộc đối đầu, cuộc đối đầu mà phương Tây đã ý thức được từ lâu, từ rất lâu trước khi xảy ra các sự kiện năm 2022. Họ đã lựa chọn làm như vậy đối với Nga.

Nếu chúng tôi sẽ đàm luận điều gì đó với các đồng nghiệp phương Tây, thì đó là điều này, chứ không phải các vấn đề cứu lấy mạng sống của Zelensky cùng nhóm tùy tùng của ông ta.

Là thảo luận về vòng xoáy leo thang đe dọa hủy diệt mọi sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Khác với Washington và các đồng minh của họ, chúng tôi vẫn luôn sẵn sàng cho các đàm luận như vậy.

Thưa các đồng nghiệp thân mến!

Tôi hy vọng rằng tất cả mọi người có mặt ở hội trường nơi đây đều chung nhận thức rằng tình trạng suy thoái nhanh chóng của quốc tế này nhất định phải được chấm dứt.

Ít nhất là vì để cho các thế hệ tương lai, những con người mà bản thân họ vẫn chưa thể hét lên với các chính trị gia ở Washington và Brussels hay London rằng các vị đã đi quá xa trong các kế hoạch địa chính trị của mình rồi.

Điều này khó làm đấy, nhưng mà vẫn có thể thực hiện được.

Hãy mở đầu bằng cách thử nhìn lại quá khứ.

Các điều kiện cần thiết thiết yếu cho hòa bình và sự chung sống hòa bình, ấy là phải dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ của nhau, và tôn trọng chủ quyền bình đẳng giữa các quốc gia cũng như quyền lợi an ninh của họ.

Một Bình đẳng An ninh Toàn cầu mới phải được xây dựng, và cần đảm bảo sao cho nó được tôn trọng.

Chúng tôi tin rằng tổ chức thế giới này của chúng ta có thể đóng một vai trò trong Bình đẳng này. Bởi vì chính là Hiến chương Liên Hợp Quốc là hòn đá tảng của toàn bộ hệ thống luật pháp quốc tế.

Nó là hoàn toàn khác với cái gọi là “trật tự bằng quy định” (rule based order), vốn chỉ dựa vào các quy định hay chỉ lệnh thuận theo lợi ích và sở thích của Washington cùng các vệ tinh chư hầu của họ.

Đặt trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc chúng ta, nó có thể thực hiện quá trình chuyển đổi sang thế giới đa phương thực sự một cách êm ả nhất có thể, mà trong đó tất cả các quốc gia, gồm cả Hoa Kỳ, đều được thọ ích.

Washington hiểu được ra điều này càng sớm, thì hành tinh này của chúng ta càng an toàn hơn.

Hồi cuối năm 2021, Nga đã đưa dự thảo Hiệp ước Bảo đảm An ninh chung đề xuất tới Hoa Kỳ và NATO. Trong đó gồm các nguyên tắc không được chiến tranh hạt nhân, không gây tổn hại đến an ninh của các bên tham gia, không triển khai các cơ sở quân sự ở các khu vực biên giới nơi mà bên kia có thể coi là mối đe dọa, và nhiều yếu tố quan trọng khác.

Trên thực tế, đó là phương án xây dựng niềm tin và các biện pháp minh bạch cho khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương, nơi đã bị mất đi những điều ấy bởi vì các hệ thống hiệp ước kiểm soát vũ khí bị phá hủy theo chỉ lệnh của phương Tây.

Đáng tiếc thay, cuối năm 2021 phương Tây bấy giờ đã ngạo mạn gạt bỏ đi phương án ngoại giao nhằm giải quyết những mâu thuẫn tích tụ ấy, vì họ đang hy vọng mở rộng sức ảnh hưởng thống trị của mình bằng cách duy trì nguyên trạng.

Đó là một bước tính toán địa chính trị sai lầm.

Những sự kiện diễn ra sau năm 2021 đã khẳng định điều đó.

Những sáng kiến phòng vệ trong dạng thức khởi đầu có lẽ chưa nổi bật, nhưng mà bây giờ đã đến lúc ít nhất là phải nối lại quá trình suy nghĩ về một kiến trúc an ninh mới trong Châu Âu – Đại Tây Dương và Âu-Á nên phải như thế nào, thậm chí có thể rộng hơn nữa, bởi vì nay đang chứng kiến sự lan rộng của cái logic nguy hiểm của khối đang lan tới Châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này đặc biệt quan trọng đối với Nam bán cầu vốn đã bị hoành hành bởi các cuộc phiêu lưu địa chính trị đang diễn ra bởi Hoa Kỳ và các đồng minh.

Đồng thời cần kêu gọi chuyển hướng sử dụng các tài nguyên không phải để quân sự hóa mà là để phát triển.

Thử nghĩ xem chúng ta sẽ làm được bao nhiêu điều tốt đẹp cho thế giới này, nếu hàng trăm tỷ đô la mà phương Tây đang đổ vào chiến tranh Ukraine được chuyển sang dùng cho phát triển.

Mà trên thực tế ngày nay thì thậm chí cả Liên Hợp Quốc cũng phải đối mặt với việc thiếu quỹ thanh khoản do các hành động của Hoa Kỳ. Đó là chưa đề cập đến các sáng kiến ​​nhân đạo toàn cầu.

Hiển nhiên, một cuộc đối thoại ấy là có tính khả thi trên cơ sở phương Tây từ bỏ con đường đối đầu với Nga cùng ảo tưởng rằng họ sẽ có thể đánh bại người Nga chúng tôi.

Những người đang tìm cách bôi nhọ, ma quỷ hóa, và đe dọa đất nước Nga là đang đi ngược lại sự thật và lẽ phải thường thức. Họ nên nhận ra rằng việc đánh bại một cường quốc hạt nhân mà lại có tiềm năng quân sự và kinh tế như Nga là điều bất khả thi về nguyên tắc.

Tôi xin nói thẳng ra rằng giờ đây điều mà phương Tây sợ hãi nhất không phải là Nga chúng tôi sẽ thắng, mà là Sự thật sẽ thắng cùng chúng tôi.

Bởi vì điều ấy sẽ dẫn tới thực tế các nước trên thế giới sẽ thôi không còn sợ hãi họ nữa. Và như thế sẽ làm suy yếu quyền bá chủ của Hoa Kỳ cùng các vệ tinh chư hầu của họ. Thiếu vắng chúng thì họ sẽ không thể tưởng tượng ra sự tồn tại của họ sẽ trở thành thế nào, mặc kệ những gì hoa mỹ và xảo diệu đang được phát biểu bởi các chính trị gia của phương Tây, gồm cả những người đang có mặt trong hội trường này.

Bởi vì niềm tin vào Công lý và Bình đẳng ở thế giới đang phát triển là đang gắn liền với nước Nga.

Chúng tôi không chỉ không cảm thấy xấu hổ khi bước vào hội trường này hay tòa nhà này với tư cách là chính phủ một quốc gia đang bị gán trách nhiệm cho những tội ác khủng khiếp nhất của chủ nghĩa thực dân cùng hầu hết các cuộc khủng hoảng như có thể thấy trên chương trình nghị sự được đề xuất một cách thô lỗ ở Liên Hợp Quốc hôm nay.

Mà chúng tôi còn bước vào Liên Hợp Quốc một cách tự hào và với tư thế ngẩng cao đầu.

Thưa bà chủ tịch!

Kết luận, tôi muốn nhấn mạnh rằng Sự thật chắc chắn sẽ chiến thắng!

Nước Nga chúng tôi sẽ giúp điều ấy.

Các tiến trình ấy đã bắt đầu trên thế giới này rồi, và đã không thể đảo ngược được nữa.

Do đó chúng tôi kêu gọi các đồng nghiệp phương Tây hãy đừng cố gắng kiềm chế chúng, mà hãy hòa nhập vào chúng. Làm như vậy sẽ mở ra một chương mới về hợp tác quốc tế bình đẳng trên nền tảng các nguyên tắc mà chúng tôi vừa đề cập đến trong bài thuyết trình này.

Sẽ không còn phương án nào khác mà tốt đẹp hơn đối với tất cả chúng ta hôm nay.

Tôi vẫn còn niềm tin rằng các quốc gia phương Tây vẫn còn giữ được các nhận thức phổ quát cùng bản năng tự vệ.

Cảm ơn mọi người đã lắng nghe!

–/–

Nhật Tân (dịch)