Ngày 16/3, trang tin Politico trích dẫn dữ liệu thương mại và hải quan cho biết, các công ty Trung Quốc, bao gồm một công ty có liên hệ với Chính phủ Bắc Kinh, đã gửi 1.000 súng trường tấn công và các thiết bị khác có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, như máy bay không người lái, cho các thực thể của Nga.

shutterstock 2264926263
Ông Tập Cận Bình bắt tay ông Putin tại Hạ Môn năm 2017. (Nguồn: Salma Bashir Motiwala/ SHutterstock)

Theo dữ liệu do cơ quan tổng hợp dữ liệu hải quan “ImportGenius” cung cấp, Politico tiết lộ vào tháng 6/2022, nhà thầu quốc phòng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc, China North Industries Group (Tập đoàn Công nghiệp Phương Bắc), đã gửi 1.000 khẩu súng trường CQ-A cho một công ty Nga có tên Tekhkrim.

Công ty này cũng kinh doanh với nhà nước và quân đội Nga. Súng trường CQ-A được mô phỏng theo M16, nhưng trong dữ liệu nó được dán nhãn là “súng ngắn dân sự”. Theo báo cáo, những khẩu súng trường này được cảnh sát bán quân sự và lực lượng vũ trang của Trung Quốc từ Philippines đến Nam Sudan và Paraguay sử dụng.

Dữ liệu cho thấy, đến cuối năm 2022, các thực thể của Nga cũng đã nhận được 12 lô bộ phận máy bay không người lái từ các công ty Trung Quốc, và hơn 12 tấn áo giáp Trung Quốc. Tất cả đều được vận chuyển qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Dữ liệu hải quan không cho thấy rằng Bắc Kinh đang bán số lượng lớn vũ khí cho Moscow, nhằm mục đích hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của họ. Nhưng dữ liệu này cũng tiết lộ rằng Trung Quốc đang cung cấp cho các công ty Nga thiết bị “công dụng kép” chưa được báo cáo trước đây, hoặc các mặt hàng thương mại có thể được sử dụng trên Chiến trường Ukraine.

Đây là bằng chứng đầu tiên trong dữ liệu rằng Trung Quốc đang gửi súng trường và áo giáp cho các công ty Nga. Đồng thời dữ liệu cũng cho thấy, máy bay không người lái và các bộ phận của máy bay không người lái vẫn đang được gửi đi. Mặc dù ít nhất một công ty đã cam kết tạm dừng hoạt động ở Nga và Ukraine, nhằm đảm bảo sản phẩm của họ không bị sử dụng trong chiến tranh.

Politico cho biết, trong khi xác nhận chuyến hàng này, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu đã cảnh báo Bắc Kinh không được ủng hộ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine. Trong những tuần gần đây, các quan chức phương Tây cho biết, Trung Quốc đang xem xét cung cấp vũ khí cho lực lượng Nga.

Động thái này có thể thay đổi bản chất cuộc chiến ở Ukraine theo hướng có lợi cho Nga. Các quan chức cũng lo ngại rằng vào thời điểm Moscow đang rất cần nguồn cung cấp, một số vật liệu có công dụng kép cũng có thể được Nga sử dụng để trang bị cho quân tiếp viện đang được triển khai tới Ukraine.

Từ tháng 11-12/2022, Da-Jiang Innovations Science& Technology Co. (DJI, Công ty Công nghệ Đại Cương), đã gửi các bộ phận của máy bay không người lái, như pin và máy ảnh, qua các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất UAE cho một đại lý nhỏ của Nga.

DJI là một công ty Trung Quốc, đã bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xử phạt từ năm 2021, vì cung cấp cho chính phủ Trung Quốc máy bay không người lái, để giám sát người Duy Ngô Nhĩ thiểu số ở Tân Cương.

Ngoài máy bay không người lái, trong nhiều tháng qua, Nga đã dựa vào các quốc gia khác, gồm cả Trung Quốc, để được cung cấp hỗ trợ điều hướng, hình ảnh vệ tinh, phụ tùng phương tiện và các nguyên liệu thô khác, hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lược Ukraine kéo dài 1 năm qua của Tổng thống Vladimir Putin.

Không rõ liệu Nga có sử dụng lô súng trường có trong dữ liệu hải quan trên chiến trường hay không. Công ty Tekhkrim của Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận qua email.

Nhưng máy bay không người lái DJI đã được phát hiện trên chiến trường Ukraine trong nhiều tháng. DJI cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã không bình luận về câu chuyện này. Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết, Bắc Kinh “cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine”.

“Trung Quốc không tạo ra cuộc khủng hoảng này. Họ không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng, cũng như không cung cấp vũ khí cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột”, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc cho biết.

Khi được hỏi về những phát hiện trong dữ liệu mà Politico thu được, ông Andrzej Sadoś, đại sứ Ba Lan tại EU, cho biết: “Do những hậu quả tiềm ẩn rất nghiêm trọng, thông tin này cần được xác minh ngay lập tức.”

Theo Cổ Lệ, RFI