Reuters: Bảo đảm an ninh mà NATO dành cho Ukraine
- Nhật Tân
- •
Tổng thống Volodymyr Zelensky tin rằng cuối cùng Ukraine nhận được “hỗ trợ thiết thực và chưa từng có của NATO đối với Ukraine” và “minh bạch rõ ràng rằng Ukraine sẽ ở trong NATO,” chứ không phải một lịch trình thời gian cho việc Ukraine trở thành thành viên của NATO như ông từng tuyên bố muốn có khi hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc hôm 12/7, theo báo cáo và bình luận của Reuters. “Sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ kéo dài trong tương lai. Đó là một tuyên bố mạnh mẽ về cam kết của chúng tôi với Ukraine,” Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng ra tuyên bố, cùng với ông Zelensky và các nhà lãnh đạo của G7, gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Liên Xô cùng khối hiệp ước Vacsava giải thể, NATO liên tục không ngừng mở rộng, với lý do đảm bảo an ninh và giữ gìn hòa bình cái gọi là sự đe dọa quân sự của Nga.
Tháng 2/2022, Nga đưa quân vào Ukraine theo “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà một trong những lý do chính của nó là bảo vệ an ninh của Nga, không cho Ukraine gia nhập NATO, ít nhất Ukraine phải là quốc gia trung lập. Phương Tây gọi đó là chiến tranh toàn diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin với giấc mộng tái hiện Đế chế Nga thời Sa Hoàng.
Trong khi đó, chính quyền Kyiv —trở thành quốc gia độc lập từ 1991 với những kế thừa từ nền kinh tế lạc hậu và yếu kém của Liên Xô— vẫn luôn mong muốn gia nhập EU cũng như NATO.
Chiến tranh Ukraine nay đã bước sang tháng thứ 17, và cũng là khi chiến dịch phản công của Kyiv không đạt được kết quả mong đợi, dù các thành viên của NATO đã đổ vào đây tới cả trăm tỷ đô la vũ khí. Tính đến nay, hàng chục triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước khiến dân số Ukraine sụt giảm nghiêm trọng.
Sau ngày thứ nhất của hội nghị (11/7), các thành viên của NATO —khối quân sự mạnh nhất thế giới và đang không ngừng mở rộng— đã đưa ra giải pháp an ninh bảo vệ lâu dài cho Ukraine. Nhưng ông Zelensky chỉ trích gay gắt khi không thấy trong đó lời mời rõ ràng hay một lịch trình thời gian cho Ukraine gia nhập NATO.
Ông nói rằng đó là “điều chưa từng có và lố bịch”, và nói trắng ra rằng một số thành viên của NATO làm như vậy là đang giữ lại “một cơ hội để mặc cả tư cách thành viên của Ukraine ở NATO trong các cuộc đàm phán với Nga,” và gọi cách làm “mập mờ” đó của NATO là “yếu nhược”.
Dường như những lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky đã có hiệu quả. Một tuyên bố của nhóm G7 gồm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới đã đưa ra một khuôn khổ cho các cuộc đàm phán song phương nhằm cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính, chia sẻ thông tin tình báo và hứa hẹn các bước ngay lập tức nếu Nga tấn công trở lại.
“Sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ kéo dài trong tương lai. Đó là một tuyên bố mạnh mẽ về cam kết của chúng tôi với Ukraine,” Tổng thống Mỹ Joe Biden đứng ra tuyên bố, cùng với ông Zelensky và các nhà lãnh đạo của G7, gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản.
(Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)
Phát biểu tại Vilnius (Litva) —một cuộc họp 2 ngày được tổ chức ‘ngay trước cửa’ Nga với các loại vũ khí ‘bảo vệ’ giương oai diễu võ— Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông Putin đã đánh giá thấp quyết tâm của liên minh quân sự NATO do Hoa Kỳ lãnh đạo.
“NATO mạnh hơn, mạnh mẽ hơn và vâng, đoàn kết hơn bao giờ hết trong lịch sử của nó. Thật vậy, quan trọng hơn đối với tương lai chung của chúng ta. Điều đó không xảy ra một cách tình cờ. Đó không phải là điều không thể tránh khỏi,” ông Biden nói, làm người ta nhớ tới người tiền nhiệm của ông, Cựu Tổng thống Donald Trump, đã không lựa chọn con đường đầu tư vào NATO giống như ông Biden.
Tổng thống Joe Biden đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin có “ham muốn đất đai và quyền lực” nhưng kết quả đã nhận được điều ngược lại.
“Khi Putin, cùng sự thèm khát đất đai và quyền lực điên cuồng của ông ta, khơi mào cuộc chiến tàn bạo với Ukraine, ông ta đã đánh cược rằng NATO sẽ tan rã… Nhưng ông ta đã nghĩ sai.”
Phảng phất như đã quên đi thất vọng và bất mãn về việc thiếu lịch trình thời gian để Ukraine trở thành thành viên NATO, ông Zelensky cũng góp lời ca ngợi những “hỗ trợ thiết thực và chưa từng có của NATO đối với Ukraine” và nói rằng tại hội nghị thượng đỉnh, Ukraine đã đạt được “minh bạch rõ ràng rằng Ukraine sẽ ở trong NATO.”
Ông viết trên Twitter, “Tôi tin rằng chúng ta sẽ gia nhập NATO một khi tình hình an ninh ổn định. Nói một cách đơn giản, khi chiến tranh kết thúc, Ukraine sẽ được mời vào NATO và Ukraine rõ ràng sẽ trở thành thành viên của Liên minh. Tôi không nghĩ rằng còn tình huống nào khác nữa.”
Tại cuộc gặp với ông Zelensky, ông Biden hứa rằng Hoa Kỳ đang làm mọi thứ có thể để đáp ứng nhu cầu của Ukraine, và thừa nhận sự thất vọng của ông Zelensky về quy mô và tốc độ hỗ trợ.
“Khả năng phục hồi và quyết tâm của các bạn là hình mẫu cho cả thế giới nhìn thấy,” ông Biden nói. “Tôi mong đến ngày chúng ta tổ chức cuộc họp kỷ niệm tư cách thành viên chính thức, chính thức của các bạn trong NATO.”
“Tin xấu cho bạn là, chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Bạn bị mắc kẹt với chúng tôi,” ông Biden nói đùa, khiến ông Zelensky bật cười.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã nói rằng Biden sẽ thảo luận về vấn đề tên lửa tầm xa với ông Zelensky khi họ gặp nhau.
Phát biểu với các phóng viên sau đó, ông Biden nói, “Có một điều mà Zelensky hiểu bây giờ là việc ông ấy có ở NATO hay không cũng không quan trọng”, miễn là ông ấy có những cam kết đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh. “Bây giờ ông ấy không quan tâm đến điều đó.”
Ông Zelensky nói với ông Biden rằng ông muốn cảm ơn “tất cả người Mỹ” vì hàng trăm tỷ đô la viện trợ mà đất nước ông đã nhận được.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nghiêm khắc nhắc nhở rằng ông đã nói với Ukraine, các đồng minh quốc tế của họ “không phải là Amazon” cứu trợ miễn phí, và Kyiv cần thể hiện lòng biết ơn đối với những khoản tài trợ vũ khí để thuyết phục các chính trị gia phương Tây quyên góp nhiều hơn.
Ông Zelensky nói, “Chúng tôi luôn biết ơn Vương quốc Anh, các thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng vì người dân luôn ủng hộ chúng tôi.”
Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã đàm phán với Kyiv trong nhiều tuần qua về một khuôn khổ hỗ trợ quốc tế rộng lớn, bao gồm các thiết bị quân sự tiên tiến hiện đại như máy bay chiến đấu, huấn luyện, chia sẻ thông tin tình báo và phòng thủ mạng.
Đổi lại, Ukraine sẽ cam kết quản trị tốt hơn, bao gồm thông qua cải cách tư pháp và kinh tế cũng như tăng cường tính minh bạch.
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng NATO-Ukraine mới cũng được tổ chức vào thứ Tư, một định dạng được thiết kế để thắt chặt hợp tác giữa Kyiv và liên minh 31 quốc gia.
NATO được xây dựng dựa trên các đảm bảo an ninh chung, theo đó tấn công vào một bên là tấn công vào tất cả, và tổ chức này đã cẩn thận tránh mở rộng bất kỳ cam kết quân sự chắc chắn nào với Ukraine, lo ngại rằng điều đó sẽ có nguy cơ đẩy nước này tiến gần hơn đến một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga.
Ukraine đã cảnh giác với bất kỳ “đảm bảo” an ninh ít ràng buộc nào, do cuộc xâm lược của Nga đã chà đạp cái gọi là Bản ghi nhớ Budapest 1994, theo đó các cường quốc quốc tế cam kết giữ an toàn cho đất nước để đổi lấy việc Kyiv từ bỏ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô.
Phát biểu trước đó cùng với ông Zelensky, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine đang gần gũi với liên minh hơn bao giờ hết và gạt bỏ những cảnh báo mới từ Nga về hậu quả của việc hỗ trợ Ukraine.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định các thỏa thuận an ninh cho Ukraine không được thiết kế để thay thế cho tư cách thành viên đầy đủ của NATO và nhìn nhận các cam kết tại hội nghị thượng đỉnh đánh dấu một điểm cao cho sự ủng hộ của phương Tây đối với Kyiv.
Nga, quốc gia cho rằng sự mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh của chính họ, đã nhanh chóng lên tiếng phản đối. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tin rằng việc phương Tây đảm bảo an ninh cho Ukraine là “có khả năng rất nguy hiểm.”
Nhật Tân
Từ khóa NATO Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Ukraine gia nhập NATO