Reuters đưa tin, theo 3 nguồn tin và dữ liệu theo dõi tàu chở dầu, mặc dù Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Venezuela, nhưng Trung Quốc đã ủy quyền cho một công ty công nghiệp quân sự, thuộc sở hữu nhà nước, vận chuyển hàng triệu thùng dầu từ Venezuela, coi như là một phần của việc đền cho số nợ hàng tỷ đô la Mỹ mà Caracas nợ Bắc Kinh.

shutterstock 432633253
(Nguồn: Maxx-Studio/ Shutterstock)

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ngừng vận chuyển dầu từ quốc gia Nam Mỹ vào tháng 8/2019, sau khi Washington thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Venezuela. Tuy nhiên, theo Reuters đưa tin, dầu của Venezuela vẫn vào Trung Quốc thông qua các thương nhân khác, họ gắn nhãn số dầu này là đến từ Malaysia.

Các nguồn tin cho biết kể từ tháng 11/2020 đến nay, Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) đã vận chuyển dầu thô của Venezuela trên 3 tàu chở dầu mà họ mua lại từ PetroChina vào năm đó. Nguồn tin cho biết dầu được lưu trữ tại một khu bể chứa dầu, cũng được mua lại từ PetroChina.

Dữ liệu của Eikon cho thấy, 3 tàu chở dầu này của CASIC khi chất hàng ở Venezuela đã mở đèn hiệu (bộ phát đáp điện tử), vì vậy các bên thứ ba có thể theo dõi chúng.

Theo thỏa thuận vận chuyển cho công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela, Petróleos de Venezuela, S.A. (PDVSA), dữ liệu theo dõi tàu chờ dầu từ công ty Refinitiv và công ty phân tích năng lượng Vortexa, mới đây CASIC đã vận chuyển 13 lô hàng với tổng trị giá khoảng 25 triệu thùng dầu, bao gồm hai tàu sẽ đến Trung Quốc vào tháng Chín.

Một trong những nguồn tin cho biết, 13 lô hàng dầu thô Merey chủ lực của Venezuela, trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, được khai báo là “dầu thô” tại hải quan Trung Quốc và không ghi rõ nguồn gốc.

Nguồn tin cho biết: “Các chuyến hàng được thực hiện nghiêm ngặt theo sự ủy quyền của Chính phủ và số dầu này sẽ được vận chuyển bởi CASIC để trả khoản nợ của Venezuela (với Trung Quốc).”

Cả 3 nguồn tin đều yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Bộ phận truyền thông của CASIC, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Đại diện PetroChina từ chối bình luận.

Nguồn tin thứ hai cho biết, trong khi một phần của mỗi lô hàng được sử dụng để trả nợ, các mặt hàng khác, chẳng hạn như vắc-xin COVID-19 cũng được khấu trừ vào doanh thu bán dầu thô.

Nguồn tin này nói với Reuters: “Tất cả doanh thu vẫn để tại Trung Quốc. Bộ ngoại giao Venezuela chịu trách nhiệm điều giải và giải trình”.

Emma Li, nhà phân tích tại Vortexa, một công ty phân tích năng lượng chuyên theo dõi dòng chảy của dầu, cho biết các chuyến hàng đã tăng xuất khẩu dầu của Venezuela sang Trung Quốc từ tháng Một đến tháng Sáu lên khoảng 420.000 thùng/ ngày, tương đương với lượng tiêu thụ khoảng 3% của Trung Quốc.

Từ dữ liệu chính thức cho thấy, Trung Quốc đã không nhập khẩu bất kỳ loại dầu nào từ Venezuela kể từ tháng 10/2019.

Khoản nợ của Venezuela có từ năm 2007, khi cựu Tổng thống Hugo Chavez nắm quyền, và quốc gia này đã vay hơn 50 tỷ USD từ Bắc Kinh theo một thỏa thuận đổi dầu lấy khoản vay.

Reuters không thể xác định Venezuela còn bao nhiêu khoản vay. Vào tháng 8/2020, Bắc Kinh đã đồng ý gia hạn thời gian cho khoản vay trị giá 19 tỷ USD, nhưng cả Trung Quốc và Venezuela đều không cho biết liệu thời hạn đó đã hết hay chưa.

Lối đi xanh

Trung Quốc là nước mua dầu lớn nhất thế giới, đã được hưởng lợi từ nguồn cung dầu giá rẻ từ Iran và Venezuela trong vài năm qua. Trong những tháng gần đây, khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Washington trở lên xấu đi, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu dầu từ Nga.

Nguồn tin thứ nhất cho biết, Trung Quốc phân bổ hạn ngạch nghiêm ngặt đối với các nhà máy lọc dầu đủ tiêu chuẩn để quản lý nhập khẩu dầu thô, nhưng CASIC là ngoại lệ, không phân bổ hạn ngạch.

Nguồn tin này nói với Reuters: “Họ vào Trung Quốc theo một kênh xanh đặc biệt.”

Cả công ty dầu khí Petróleos de Venezuela, S.A. (PDVSA), Bộ Dầu mỏ Venezuela và Bộ Ngoại giao của Venezuela đều không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan thực thi các lệnh trừng phạt, từ chối bình luận.

Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) được thành lập vào năm 1956 với tư cách là một viện nghiên cứu quốc phòng, đã phát triển tên lửa đầu tiên của Trung Quốc. Trong vài thập kỷ qua, doanh nghiệp này đã mở rộng thành một tập đoàn công nghiệp – quân sự với lĩnh vực chuyên môn là công nghệ vũ trụ.

Nguồn tin đầu tiên cho biết công ty được chọn cho chiến dịch dầu vì nó có ảnh hưởng chính trị, hạn chế tiếp xúc với thị trường tài chính toàn cầu, nên ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Theo trang web của công ty, CASIC đã hợp tác với các ‘gã khổng lồ’ dầu mỏ nhà nước của Trung Quốc bao gồm PetroChina và Sinopec từ năm 2015 trong lĩnh vực sản xuất thiết bị dầu, công nghệ kỹ thuật số và các dự án ở nước ngoài.

Chuyển nhượng tàu chở dầu và bể chứa dầu

Theo các thỏa thuận vận chuyển của công ty dầu khí Venezuela và dữ liệu theo dõi vận chuyển tàu của Vortexa và Refinitiv, CASIC vận chuyển dầu của Venezuela trên 3 tàu chở dầu lớn là Xingye, Yongle và Thousand Sunny.

Hai nguồn tin nói với Reuters rằng, 3 tàu chở dầu đã được CASIC mua lại từ công ty Cổ phần Dầu khí Trung Quốc (PetroChina) vào năm 2020. Trước đó, PetroChina mua lại các tàu trong một tranh chấp pháp lý với PDVSA về việc xử lý tài sản phá sản của một dự án liên doanh kiểm soát. PetroChina nói với Reuters vào năm 2020 rằng họ đã chuyển nhượng các con tàu này, nhưng từ chối nói cho ai.

Nguồn tin cho biết, PetroChina cũng đã chuyển nhượng một bể chứa dầu ở thành phố ven biển phía đông thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, nơi dầu của Venezuela đến, cho CASIC.

Theo thỏa thuận vận chuyển của PDVSA, tất cả dầu của PDVSA được CASIC chấp nhận ban đầu được chiết xuất tại cảng Puerto José của Venezuela bởi một công ty có tên Cirrostrati Technology Co LTD. Công ty này không có hồ sơ giao dịch dầu mỏ và chỉ đóng vai trò trung gian của những hàng hóa này.

Reuters không thể liên hệ với Cirrostrati để đưa ra bình luận, cũng như không thể xác định thông tin đăng ký của công ty hoặc xác định độc lập các liên kết khác giữa công ty và CASIC.

Dầu do CASIC vận chuyển chủ yếu được bán cho các nhà máy lọc dầu độc lập ở Trung Quốc. Những nhà máy lọc dầu này ngày càng phụ thuộc vào dầu thô giá rẻ từ Iran và Venezuela, và gần đây là Nga, để tồn tại.

Một công ty lọc dầu độc lập cho biết họ nhận được báo giá một thùng dầu thấp hơn 8 đô la Mỹ so với giá giao hàng chuẩn của Brent, trong khi dầu thô chất lượng tương tự có thể được bán dưới danh nghĩa hàng xuất khẩu của Malaysia, có thể nhận được chiết khấu hơn 30 đô la Mỹ.

Một quản lý cấp cao của nhà máy lọc dầu này cho biết: “Chi phí cao hơn, nhưng chính phủ hiện đang chịu trách nhiệm về các nguồn cung cấp này của Venezuela, điều này giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều vấn đề đau đầu về hậu cần (vận chuyển, lưu kho) và rủi ro liên quan đến lệnh trừng phạt.”

Trí Đạt, theo VOA, Reuters