Tập Cận Bình đích thân quyết định chiến lược mới tấn công Pháp Luân Công ở hải ngoại
- Bình Minh
- •
Ngày 25/11, cựu sinh viên trường Phi Thiên (Feitian) Trương Quận Cách (Chang Chun-Ko) đã đệ đơn khiếu nại 8 tổ chức và cá nhân, bao gồm Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, Đại học Phi Thiên (Feitian) và Học viện Nghệ thuật Phi Thiên (Feitian). Tờ New York Times bám sát và đăng nhiều bài báo tấn công Shen Yun trong thời gian này. Kỳ thực đây là chiến lược đàn áp mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) do ông Tập Cận Bình quyết định.
Mùa hè năm nay, một nhóm gián điệp và những người được gọi là cựu học viên Pháp Luân Công và cựu nghệ sĩ Shen Yun bất ngờ xuất hiện trên mạng xã hội Mỹ, tấn công Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun và Pháp Luân Công.
Trước đây, những người trong ngành công an ĐCSTQ đã tiết lộ với Epoch Times, vì tham vọng quyền lực của mình, việc tấn công Pháp Luân Công ở nước ngoài đã trở thành một phần trong kế hoạch của ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), tân Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc.
Ngày 5/12, Giáo sư Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một học giả luật sống ở Úc, tiết lộ với Epoch Times, rằng những kế hoạch này xuất phát trực tiếp từ âm mưu tại cấp cao nhất Trung Nam Hải, và người cầm đầu là ông Tập Cận Bình, lãnh đạo ĐCSTQ.
Cuộc họp bí mật trước Đại hội 20 của ĐCSTQ và chỉ thị của ông Tập
Ông Viên Hồng Băng, có mối quan hệ với những người trong hệ thống ĐCSTQ, đã tiết lộ với Epoch Times một âm mưu mới tại một cuộc họp trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của đảng này.
Nguồn tin của ông gồm một thành viên thuộc thế hệ đỏ thế hệ thứ hai của ĐCSTQ, người phản đối chế độ độc tài của Tập Cận Bình. Nguồn còn lại là từ một người có lương tâm đã được xác minh trong hệ thống ĐCSTQ.
Ông cho biết: “Nguồn thông tin ban đầu là vào thời điểm trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp nội bộ, là một cuộc họp bí mật. Các cuộc họp của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung Quốc về cơ bản đều được bảo mật. Thành phần tham dự gồm Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia, và tất nhiên có Bí thư và một số Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật.”
Có thông tin cho rằng cuộc họp được tổ chức trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20, vì những người đứng đầu cơ quan công an và an ninh quốc gia đang được bàn giao cho thời kỳ chuyển tiếp “kế thừa và phát triển”. Khi đó, ông Trần Nhất Tân tham gia với tư cách là Tổng thư ký Ủy ban Chính trị và Pháp luật. Trên thực tế, ông được ấn định sẽ đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia.
Ông Viên Hồng Băng cho biết, cuộc họp được mở rộng với sự tham gia của một số quan chức liên quan của Bộ Ngoại giao và một số quan chức liên quan của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất. Điều quan trọng là ông Tập Cận Bình đã đích thân tham dự cuộc họp này, và đưa ra chỉ thị quan trọng.
Ông Viên Hồng Băng dẫn nguồn tin cho biết, chỉ thị của Tập Cận Bình chủ yếu bao gồm một số điểm. Đầu tiên, ông Tập nói rằng trước Đại hội toàn quốc lần thứ 18, cuộc đàn áp quốc tế nhắm vào Pháp Luân Công về cơ bản đã thất bại.
Ông nói: “Cần lưu ý rằng thuật ngữ mà ông Tập dùng là ‘trước Đại hội toàn quốc lần thứ 18’.”
Ông Tập không trực tiếp nêu đích danh Hồ Cẩm Đào hay Giang Trạch Dân. Nhưng khi ông lên nắm quyền tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18, đây được coi là một mốc chuyển tiếp. Nghĩa là trong suốt thời kỳ Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, chiến dịch chống Pháp Luân Công ở nước ngoài về cơ bản đã thất bại.
Giáo sư Viên Hồng Băng tin rằng biểu hiện chính của sự thất bại mà ông Tập nhìn thấy, là việc các kênh truyền thông của Pháp Luân Công không những không bị suy yếu hay bị loại bỏ, mà còn trở thành “thế lực thù địch” chính của ĐCSTQ trên trường quốc tế, không chỉ trong cộng đồng tiếng Trung, mà còn cả trong lĩnh vực tiếng Anh. Đây là kết luận được ông Tập Cận Bình đưa ra.
Vì sao ông Tập Cận Bình cho rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã thất bại? Ông Viên Hồng Băng cho rằng có 3 yếu tố.
Một là sự sắp xếp chiến lược tổng thể nhằm đối phó với cuộc thanh trừng Pháp Luân Công thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong tổ chức. Tức là cuộc đàn áp quốc tế của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công không có sự phối hợp chặt chẽ và mạnh mẽ trong tổ chức.
Thứ hai, về biện pháp chống Pháp Luân Công, ông Tập cho rằng biện pháp này quá bảo thủ, quá truyền thống và không có ý tưởng gì mới. Ông Tập Cận Bình đặc biệt chỉ ra rằng việc chủ yếu dựa vào sự thâm nhập, chia rẽ và giải thể trên thực tế đã được chứng minh là không có tác dụng.
Thứ ba, ông Tập tin rằng nguyên nhân dẫn đến thất bại trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công là do ĐCSTQ đã đầu tư rất nhiều tiền vào vấn đề Pháp Luân Công trên phạm vi quốc tế. Khoản tiền này do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương nắm giữ, nhưng một phần đáng kể đã bị lãng phí, thậm chí một số còn bị biển thủ.
Vì vậy, đối với những người tham gia vào các hoạt động liên quan này ở nước ngoài trước Đại hội toàn quốc lần thứ 18, ông Tập đề xuất sàng lọc, trừng phạt những người đáng bị trừng phạt, ngừng liên lạc với những người không đáng liên lạc, và “đào tạo lại lực lượng đối phó với Pháp Luân Công”.
Ông Viên Hồng Băng nhận định, ông Tập Cận Bình tin rằng tình hình liên quan đến toàn bộ cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở nước ngoài là cực kỳ nghiêm trọng. ĐCSTQ đã đầu tư một lượng lớn nhân lực, vật lực và tiền bạc lớn ra nước ngoài.
Kết quả là, các kênh truyền thông của Pháp Luân Công đã phát triển, và trở thành thành một thế lực thù địch của ĐCSTQ, có thể thống trị trên phạm vi quốc tế và trong ngành truyền thông. Việc này có liên quan đến sự thất trách của các tổ chức có liên quan.
Cơ cấu tổ chức bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ được điều chỉnh
Ông Viên Hồng Băng cho rằng ngoài nội dung trước đó, còn có một nội dung khác. Đó là ông Tập ra lệnh phải thay đổi tình hình này trong một thời hạn nhất định, và yêu cầu trấn áp hoàn toàn “sự kiêu ngạo” của Pháp Luân Công trên phạm vi quốc tế.
Về cách làm, ĐCSTQ sẽ phối hợp lại tổ chức, trong đó Ủy ban Chính trị và Pháp luật điều phối các hành động trong nước và quốc tế chống lại Pháp Luân Công.
Trong nước, Bộ Công an chịu trách nhiệm đàn áp. Ở nước ngoài, Bộ An ninh Nhà nước sẽ phụ trách chính về việc đàn áp Pháp Luân Công. Đây là một trong những lý do khiến ông Trần Nhất Tân hoạt động tích cực như vậy.
“Sau đó, Ủy ban Chính trị và Pháp luật sẽ điều phối các bộ phận liên quan của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và Bộ Ngoại giao, hợp tác với Bộ An ninh Quốc gia của ông Trần Nhất Tân trong việc chống lại Pháp Luân Công ở nước ngoài. Đây là một sự điều chỉnh tổ chức mới.”
Ông Viên Hồng Băng cho rằng ông Tập Cận Bình cũng đặc biệt chú trọng đến việc bồi dưỡng lực lượng mới, nghĩa là trước kia những người trong tổ chức có thể đã tham nhũng quá nhiều. Lực lượng trước đây có sẽ bị loại bỏ.
Ông nói thêm rằng cuộc tấn công hiện tại của ĐCSTQ nhằm vào Pháp Luân Công bắt đầu từ hội nghị công tác chính trị và pháp luật trước Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.
Bộ An ninh Quốc gia chịu trách nhiệm về các khu vực trọng điểm ở nước ngoài và thành lập các trạm chống lại Pháp Luân Công. Trước đây, Bộ An ninh Quốc gia không chịu trách nhiệm ở nước ngoài, mà là là Bộ Ngoại giao và Phòng 610.
Bộ An ninh Quốc gia chỉ chịu trách nhiệm phản gián. Hiện giờ Bộ Công an phụ trách, tất nhiên sẽ có sự chồng chéo.
Điều đáng nói ở đây là vấn đề liên quan đến Pháp Luân Công, Bộ An ninh Quốc gia sẽ chịu trách nhiệm chính về các vấn đề đối ngoại, còn Bộ Công an chịu trách nhiệm chính về các vấn đề trong nước ở Trung Quốc. Cuộc đàn áp nội bộ của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công cũng đã gia tăng.
Theo thông tin mà Epoch Times có được trước đây từ những người trong Bộ Công an, Bộ An ninh Nhà nước và Bộ Công an (không bao gồm quân đội), mỗi bên đều có nhân viên riêng ở nước ngoài và quản lý các điệp viên của riêng họ.
Bộ Công an cũng có nhiều hơn một văn phòng hoạt động ở nước ngoài. Chủ yếu là Cục số 4 của Bộ Công an (còn gọi là Cục Chống Giáo phái) sẽ phụ trách vấn đề Pháp Luân Công.
Dư luận và cuộc chiến pháp lý của ĐCSTQ nhắm vào người sáng lập Pháp Luân Công
Ông Viên Hồng Băng đặc biệt nhấn mạnh việc ông Tập Cận Bình đề cập: “Về kế hoạch hành động cụ thể, có 1 trung tâm và 2 hướng cơ bản”.
Ông tiết lộ nguồn tin cho biết, một trong những trung tâm mà ông Tập đề cập đến là người sáng lập Pháp Luân Công và gia đình ông, “người sáng lập Pháp Luân Công phải bị nhắm mục tiêu trực tiếp”.
Ông phỏng đoán, ông Tập tin rằng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cuộc đàn áp Pháp Luân Công không hiệu quả trước Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ là do nó không nắm được điểm mấu chốt và trọng tâm.
Ông cho rằng ông Tập Cận Bình có ý tấn công toàn diện vào nhân cách của người sáng lập Pháp Luân Công, dùng nhiều vấn đề khác nhau để tấn công theo kiểu “mưu sát nhân cách”.
Ông Viên Hồng Băng giải thích 2 hướng cụ thể, một là chiến tranh dư luận, hai là chiến tranh pháp lý. Cuộc chiến dư luận có thể chia thành 2 điểm. Một là sử dụng triệt để một số kênh truyền thông phi chính phủ và truyền thông cá để tấn công Pháp Luân Công.
Ông cho biết, ông Tập tin rằng có 2 nhược điểm lớn khi sử dụng các kênh truyền thông Chính phủ của ĐCSTQ. Nhược điểm thứ nhất là có vẻ như Pháp Luân Công đã lâu vẫn không hề bị tiêu diệt, và điều này sẽ làm tổn hại đến uy tín của ĐCSTQ.
Ngoài ra, việc sử dụng các phương tiện truyền thông Chính phủ để tiến hành tuyên truyền dư luận quốc tế kiểu này không mang lại hiệu quả tốt nhất.
Điều tốt nhất là sử dụng một số kênh truyền thông có danh tính mơ hồ, lập trường và quan điểm không rõ ràng và truyền thông cá nhân, dù là tiếng Trung hay tiếng Anh, và sử dụng những chúng để thực hiện cuộc chiến dư luận.
Điểm thứ hai của “cuộc chiến dư luận” là xâm nhập vào các kênh truyền thông của Pháp Luân Công.
Ông Viên Hồng Băng cũng cho rằng họ sẽ thâm nhập vào các kênh truyền thông của Pháp Luân Công. Chính quyền ĐCSTQ sẽ thay đổi thói quen tìm hiểu và xâm nhập chỉ để lấy thông tin như trước đây. Họ tin rằng việc thu thập thông tin này, thứ nhất là ít có giá trị, thứ hai là nó sẽ không giúp đánh bại hoàn toàn các kênh truyền thông của Pháp Luân Công.
Họ muốn sử dụng một ý tưởng “đen tối cao cấp” mới chống lại Pháp Luân Công. Họ sẽ xâm nhập vào nội bộ, đưa tin sai lệch khiến các kênh truyền thông Pháp Luân Công mất uy tín. Đây là một điều mới mà ĐCSTQ đang cố gắng thực hiện.
Về đơn khiếu nại của cựu sinh viên Phi Thiên, cô Trương Quận Cách, đối với 8 tổ chức và cá nhân, bao gồm Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, Đại học Phi Thiên và Học viện Nghệ thuật Phi Thiên, ông Viên Hồng Băng cho biết, trên thực tế hơn một tháng trước, ông đã nhận được thông tin, rằng ĐCSTQ sắp phát động một cuộc chiến pháp lý, bao gồm các chiến lược cụ thể nhằm kiện cáo ra tòa.
Ông cho biết, việc này đã được biết cách đây khoảng 1,5 tháng. Kết quả là gần đây đã có 8 tổ chức, cá nhân trong đó có Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun bị khởi kiện nên thông tin này không còn là tin đồn thất thiệt.
“Không thể để họ (ĐCSTQ) tuỳ tiện làm càn.”
Ông cho rằng các kênh truyền thông do học viên Pháp Luân Công vận hành là lực lượng quan trọng nhất trong việc vạch trần sự chuyên chế của ĐCSTQ trên thế giới. ĐCSTQ thực sự muốn tiêu diệt thế lực này. Người dân trên thế giới không thể để họ tuỳ tiện làm càn.
Ông nói: “Tôi nghĩ cả thế giới nên hiểu rằng cho dù các học viên Pháp Luân Công vận hành kênh truyền thông hay điều hành Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, thì họ cũng không làm việc đó để mưu sinh hay kiếm tiền. Họ không làm vì điều này. Học viên Pháp Luân Công tự nguyện đến quyên góp, và mỗi người đều đến và tham gia vào việc này.” Ông cho rằng đây là hoạt động phúc lợi công cộng lớn nhất trên thế giới hiện nay, nhằm vạch trần bản chất tà ác của ĐCSTQ chuyên chế.
Một số nhà phân tích nói rằng cuộc trò chuyện nội bộ bị phơi bày của ông Tập Cận Bình cũng có thể tiết lộ lý do vì sao trong những năm gần đây, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc lại bị bức hại nghiêm trọng hơn, và vì sao gần đây, ông Trần Nhất Tân, Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, lại thường xuyên khiến Bộ An ninh Nhà nước rất khiêm tốn trước kia lại xuất hiện trước công chúng.
Tháng 11, trang Minghui.org đưa tin 17 học viên Pháp Luân Công đã chết do cuộc đàn áp tại Trung Quốc Đại Lục, 6 người trong số họ đến từ tỉnh Liêu Ninh, trong đó có 14 người ở độ tuổi 60 – 70, người cao tuổi nhất là 78.
Trước đó, theo thống kê của Minghui.org trong tháng 10/2024, có thêm 13 học viên Pháp Luân Công vừa bị ĐCSTQ bức hại đến chết hoặc qua đời oan khuất, và thêm ít nhất 435 người bị bắt cóc và sách nhiễu.
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người. Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. |
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Tập Cận Bình Pháp Luân Công Viên Hồng Băng Recommend