Tổng thống Mỹ Joe Biden kỳ thực muốn chiến tranh Ukraine diễn ra thế nào? Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố đào tạo phi công và cung cấp máy bay chiến đấu phản lực F-16 cho chính quyền Kyiv mà chưa được sự đồng ý của ông Biden. Theo Telegraph hôm 6/7 thì đó chính là lý do khiến ông Biden chặn ông Wallace chạy đua vị trí đứng đầu NATO hồi tháng trước. Mấy tháng trước đó, chính Anh quốc cũng ‘dẫn đầu’ trong việc cung ứng xe tăng và tên lửa tầm xa. Dường như Telegraph đang vén mở một bức tranh mà giới quan sát đã lờ mờ phỏng đoán từ lâu. Ví như ông Mykhailo Polodyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, hôm 5/7 đã cay đắng mà than rằng quân Kyiv đang chết đi khi vũ khí đạn dược của phương Tây vẫn luôn chậm so với kỳ vọng của Kyiv.

The Telegraph 2
Tổng thống Joe Biden (Ảnh trái: Gage Skidmore/ Wikimedia) – Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace (Ảnh phải: HM Government/ Wikimedia)

Tiếp nối chủ đề người kế nhiệm ông Jens Stoltenberg —vị trí đứng đầu khối liên minh quân sự mạnh nhất thế giới và đang không ngừng mở rộng, đồng thời có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức mà chiến tranh Ukraine được triển khai— Telegraph dẫn các nguồn tin của mình, đưa ra thông tin khá bất ngờ về lý do tại sao Tổng thống Mỹ Biden không thích ông Wallace làm tổng thư ký NATO, dẫn tới việc ông Wallace vào tháng trước đã từ bỏ cuộc đua vào vị trí này.

Joe Biden chặn Ben Wallace vì nhận thức về chiến tranh Ukraine

Đồng minh Âu Mỹ luôn biểu hiện ra ngoài rằng họ mong muốn một đại thắng oanh liệt đè bẹp người Nga ở chiến trường Ukraine, và luôn luôn nói họ sẽ trợ giúp chính quyền Kyiv “chừng nào còn khả dĩ” (“as long as it takes”, hoặc “đến cùng”, tùy cách hiểu). Các con số khủng về viện trợ quân sự và tài chính trong hơn 1 năm qua cũng khớp với các tuyên bố này.

Tuy nhiên, có một luồng nhận thức khác, xuất phát chủ yếu từ khá nhiều người trong giới chức Kyiv, rằng phương Tây đang chậm chạp trong việc cung cấp vũ khí và đạn dược, cũng như đang trì hoãn đưa ra các quyết định về vũ khí tối tân như xe tăng, tên lửa tầm xa, và máy bay chiến đấu phản lực. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ mỏng manh trong giới quan sát, cho rằng phải chăng Tổng thống Joe Biden muốn chiến tranh Ukraine là một cuộc chiến lâu dài và tốn kém, chứ không phải là một chiến thắng oanh liệt và nhanh chóng, bởi vì điều đó mới thật sự gây tổn thất sâu rộng cho Nga, và còn một số lý do khác nữa có lợi cho ông.

Telegraph miêu tả ông Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, vốn là người đứng đầu trong danh sách những người có thể kế nhiệm ông Jens Stoltenberg.

Các nghị sỹ cấp cao của Đảng Bảo thủ Anh đã thúc dục Thủ tướng Anh Rishi Sunak ủng hộ lựa chọn Ben Wallace vào vị trí đứng đầu NATO, và cho rằng thành tích lãnh đạo của bà Von der Leyen không tốt lắm khi bà từng làm Bộ trưởng Quốc phòng Đức khiến bà không phù hợp với vị trí này.

Trong chuyến thăm Nhà Trắng gần đây, ông Sunak được cho là đã “vận động hành lang” cho ông Wallace.

Nhưng cuối cùng, ông Wallace đã thất bại và tuyên bố từ bỏ cuộc đua này vào tháng trước.

Người kế nhiệm ông Stoltenberg “sẽ phải làm hài lòng cả Macron và Biden,” ông Wallace nói với tờ The Economist vào tháng trước, giải thích tại sao ông từ bỏ mong muốn ban đầu làm ứng viên cho vị trí đứng đầu NATO. Ông Wallace từng nói ông thích vị trí này, “Tôi đã luôn nói rằng đó sẽ là một công việc tốt. Đó là một công việc tôi muốn.”

Ông Biden đã nói trong một cuộc họp báo rằng Vương quốc Anh có một “cá nhân rất có năng lực” cho công việc này, nhưng đã không ủng hộ ông ta.

Telegraph tường thuật tiếp, rằng theo nguồn tin của mình, thì lý do chính là vì trước đó Ben Wallace dẫn đầu chiến dịch cung cấp xe tăng hiện đại và tên lửa tầm xa cho chính quyền Kyiv, và điều đó đã làm mất lòng ông Joe Biden. Tiếp theo, Anh quốc đã công bố kế hoạch đào tạo các phi công cho Kyiv.

Hơn thế nữa, họ đã giúp Kyiv thành lập một cơ cấu quốc tế chuyên đi vận động cho việc gia tăng vũ trang tối tân cho Kyiv, bắt đầu bằng việc vận động máy bay phản lực F-16 do Mỹ sản xuất, nhưng lại không được sự đồng ý từ trước của ông Joe Biden.

Theo nguồn tin của Telegraph, cách làm của ông Wallace đã buộc ông Biden phải tuyên bố tài trợ xe tăng và tên lửa tầm xa cho Ukraine, và buộc phải nhượng bộ và đồng ý cho phép các đồng minh châu Âu huấn luyện phi công Ukraine về máy bay phản lực.

Việc làm ấy được Telegraph dẫn nguyên lời miêu tả của nguồn thạo tin là đã “chấm dứt mọi hy vọng còn lại” của Bộ trưởng Quốc phòng Wallace.

Từ đó mở đường cho việc ông Biden thúc đẩy bà Von der Leyen, đương kim chủ tịch Ủy ban Châu Âu, vào vị trí đứng đầu NATO, bất chấp một số tiếng nói phản đối, và dường như chính bà Von der Leyen cũng chưa phải rất sẵn sàng vào vị trí này.

Như Telegraph dẫn chứng, có thông tin nói rằng trong cuộc nói chuyện riêng, bà Von der Leyen đã nói với ông Biden rằng bà sẽ không thể đảm nhận bất kỳ vai trò nào tại NATO cho đến ít nhất là vào năm sau.

Có thể xuất hiện những quan ngại về khả năng xử lý của bà, khi thành tích của bà không được tốt lắm thời bà làm lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức từ năm 2013 đến 2019. Năm 2015, có thông tin cho rằng binh lính Đức phải dùng cán chổi thay cho súng máy hạng nặng trong một cuộc tập trận của NATO, nhằm che giấu việc họ thiếu trang bị.

Ông Mark Francois, cựu Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang, cho biết việc bổ nhiệm bà Von der Leyen sẽ có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Marcus Fysh, Nghị sĩ Đảng Bảo thủ nói rằng bà Von der Leyen là “sự lựa chọn sai lầm” và việc bổ nhiệm bà nên bị “từ chối”.

Sir Jacob Rees-Mogg, cựu thư ký kinh doanh, cho hay việc Washington ủng hộ quan chức EU trong khi chèn ép ông Wallace đã thể hiện “tình trạng suy tàn của ‘mối quan hệ đặc biệt’”.

Giới chức Kyiv phàn nàn về tiến độ viện trợ vũ khí từ phương Tây

Đây là nguyên văn tweet của ông Mykhailo Podolyak hôm 5/7:

“Hãy hình dung.

Do sự ngu ngốc của kẻ thù, bạn đã may mắn rút được một tờ vé số vàng. Một quốc gia khác, chiến đấu trong một cuộc đấu tranh sinh tồn cho sự tồn tại của nó, đang tự tay phá hủy tiềm năng chiến đấu của đối thủ chiến lược chính của bạn, tiến hành chiến tranh trên lãnh thổ của chính mình và dùng mạng sống người dân của chính mình [để làm điều ấy].

Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là đưa ra quyết định về hỗ trợ hậu cần và giúp đỡ hậu cần: Vận chuyển vũ khí cần thiết, khởi động năng lực của tổ hợp công nghiệp-quân sự của bạn, đồng thời đổi mới [liên tục] kho hàng của riêng bạn.

Thế mà bạn… do dự.

Mọi quyết định [của bạn] đều phải được nghiến răng nghiến lợi theo đúng nghĩa đen, lãng phí hàng tháng trời nói suông và các chiến dịch vận động hành lang thông tin.

Thật khác thường… Người dân Ukraine không chỉ nhắc nhở thế giới phương Tây rằng họ là ai và nó được xây dựng dựa trên cái gì, mà còn phải liên tục nhắc nhở giới tinh hoa chính trị của [phương Tây] về ý chí và trách nhiệm thực sự của họ là gì.”

Đây không phải lần đầu tiên giới chức Kyiv cho rằng kết quả trên chiến trường không đạt kỳ vọng là do đối tác phương Tây chậm trễ vũ khí và đạn dược. Việc này đã diễn ra nhiều lần rồi.

Trong những phản hồi từ cư dân mạng, có người đồng tình với quan điểm của giới chức Kyiv và cho rằng phương Tây phải gửi thêm, ngay và luôn, vũ khí và đạn dược cho chính quyền Kyiv.

Cũng có những nghi ngờ, đặt câu hỏi rằng viện trợ trị giá khủng hàng trăm tỷ đô la của Mỹ và Châu Âu lẽ nào vẫn còn chưa đủ.

Và cũng có những người nghĩ đến tình huống rằng kỳ thực sự chậm trễ này chính là cố ý, vì cuộc chiến Ukraine vốn dĩ chính là được ông Joe Biden thiết kế như vậy, phảng phất như đồng cảm với luận điểm phân tích trong bài của Telegraph.

Nhật Tân