Bài phân tích trên Taiwan News về sức mạnh của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc, được quân đội nước này cho rằng có thể tiêu diệt tàu sân bay.

b083fe96fac2182cb8f80f
Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D (Ảnh: Chinadaily)

Trung Quốc đã bắn tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) Dongfang DF-21D, được gọi là “sát thủ tàu sân bay” vào Biển Đông hôm thứ Tư (26/8), một ngày sau khi Mỹ cử máy bay U-2 do thám các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc. Vậy vũ khí mới phát triển này của Trung Quốc tiên tiến đến mức độ nào?

Theo nhà phân tích Holmes Liao, cố vấn cấp cao tại Viện Công nghiệp Thông tin Đài Loan trên Taiwan News, hầu hết các tên lửa đạn đạo quay trở lại bầu khí quyển với tốc độ khoảng Mach 8 đến Mach 15 ở độ cao 50km, phụ thuộc vào góc quay lại (Chú thích: Tốc độ Mach 8 tương đương 2.744m/s hay 9.878km/h; tốc độ Mach 15 tương đương 5.145m/s hay 18.522km/h). Bởi vì sức cản không khí ngày càng tăng tại tầng khí quyển thấp hơn, sau khi nó vượt qua giai đoạn gia nhiệt tối đa Q ở độ cao khoảng 15 đến 20km, tên lửa sẽ giảm tốc độ đầu cuối của nó xuống khoảng Mach 2 ở độ cao 3 đến 5km, tùy thuộc vào hình dáng của đầu đạn.

Do đó, thời gian phản ứng kiểm soát và tiêu diệt mục tiêu trong giai đoạn cuối là khá ngắn. Sau đó, một hệ thống động cơ đẩy có thể được thêm vào ASBM, như DF-21D, để tăng tốc độ đầu cuối và khả năng cơ động của nó nhằm tránh bị hệ thống phòng thủ mặt đất đánh chặn dễ dàng.

Ngoài ra, ngay cả khi ASBM mới của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có đầu đạn thiết kế thông minh, nó cũng không thể “tìm thấy” mục tiêu trong giai đoạn quay trở lại do sự che chắn ion hóa. Chỉ khi nó giảm tốc độ trong tầng khí quyển thấp hơn, nó mới có thể bắt đầu tìm kiếm mục tiêu của mình.

Vì vậy, tốc độ cuối cùng của đầu đạn DF-21D tối đa là hơn Mach 2 (686m/s). Tốc độ này cho phép ASBM có đủ thời gian để tiêu diệt mục tiêu và tránh bị đánh chặn.

Nếu DF-21D đang bay tới bị phát hiện ở độ cao 80km, giả thiết tốc độ quay lại là Mach 10 (3.430m/s) và sau đó tốc độ giảm xuống Mach 2 ở độ cao 5km, ít nhất nó phải mất 30 giây trước khi chạm đến mục tiêu. Trong thời gian này, một tàu sân bay đang chạy với tốc độ 25 hải lý/giờ sẽ đi được ít nhất 375m.

Báo cáo tác động

Kích thước của tàu sân bay lớp Nimitz là 330m x 80m. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi các thiết bị do thám của Trung Quốc có thể xác định vị trí của tàu sân bay Mỹ, thì nó sẽ chạy ra khỏi khu vực tấn công được chỉ định. Điều này đang dựa trên giả thuyết thực tế là DF-21D có độ chính xác của sai số tròn (CEP) là 10m.

Tên lửa đạn đạo thông thường (tầm ngắn hoặc tầm trung) bắn trúng mục tiêu đứng yên đã là một nhiệm vụ khó khăn. Do đó, việc các lực lượng tác chiến mặt nước Hoa Kỳ thực hiện việc di chuyển né tránh sẽ làm cho ASBM của Trung Quốc càng khó khăn để đánh trúng mục tiêu.

Tính toán sơ bộ ở trên được thực hiện với giả thiết hạm đội Hoa Kỳ không nhận được thông tin tình báo thời gian thực từ hệ thống vệ tinh của họ, vốn được thiết kế đặc biệt để phát hiện các vụ phóng tên lửa và tính toán quỹ đạo của nó. Kịch bản này cũng không xét đến khả năng chống tên lửa đạn đạo được trang bị trên hạm đội Mỹ, chẳng hạn tên lửa SM-3. 

Ngoài ra, việc DF-21D dựa vào các cảm biến tích hợp để tiêu diệt mục tiêu sẽ không đủ hiệu quả. Việc dùng các nền tảng do thám khác, như trực thăng hoặc tàu ngầm ghi dấu hạm đội Mỹ nhằm soi sáng mục tiêu sẽ làm tăng độ chính xác của DF-21D và giảm bớt khối lượng mà nó mang theo.

Tuy nhiên, việc đưa thiết bị do thám vào trong tầm nhìn trực quan của nhóm tác chiến tàu sân bay được trang bị một số lượng lớn cảm biến được đặt ở trạng thái cảnh báo cao sẽ rất khó khăn. Do đó, sự thành công của ASBM phụ thuộc vào các yếu tố sau :

  1. Khả năng tiêu diệt mục tiêu trang bị trên DF-21D hoặc nền tảng do thám
  2. Khả năng cơ động giai đoạn cuối với động cơ đẩy phản ứng cao, có thể tạo ra lực bên
  3. Kiểm soát độ cao và khả năng lái

Bởi vì tốc độ đầu cuối của DF-21F không cao lắm nên việc điều khiển dẫn hướng không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, tốc độ chậm hơn cũng sẽ khiến nó dễ bị hệ thống phòng thủ khu vực của hải quân Hoa Kỳ đánh chặn.

Kế hoạch chiến tranh

Do đó, PLA có thể phải bổ sung một bộ tăng tốc để gia tăng tốc độ cuối cùng và biến nó thành một ASBM hiệu quả. Với các yếu tố thiết kế này, một đầu đạn 500kg chỉ có thể chứa khoảng 150-200kg thuốc nổ thông thường, có thể không đủ để đánh chìm một tàu sân bay ở tốc độ Mach 2+, nhưng có thể gây ra tổn hại đáng kể.

Nếu Trung Quốc tấn công trước sẽ bị xem là thù địch và có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện. Các ASBM của họ đặt trên các bệ phóng di động, do đó có thể rất khó xác định và vô hiệu hóa, mặc dù Hoa Kỳ có một cơ sở dữ liệu về các mục tiêu cứng và mềm của Trung Quốc.

Cường độ tấn công trên không của hải quân Hoa Kỳ rất mạnh mẽ, nhưng tàu sân bay của họ phải chạy trong tầm tấn công của các chiến đấu cơ F/A-18 và F-35. Việc này gây ra một tình thế khó xử đối với các chỉ huy của Hoa Kỳ bởi điều đó sẽ đặt hạm đội của họ nằm trong tầm bắn của ASBM Trung Quốc.

Ngoài ra, khả năng A2/AD của Trung Quốc sẽ buộc các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ phải điều chỉnh các kế hoạch chiến tranh của họ nhằm chuẩn bị cho tình huống bất ngờ. Sẽ luôn an toàn nếu tính đến khả năng kỹ thuật của Trung Quốc đã tiến bộ hơn mức người ta thường nghĩ, như trường hợp khả năng chống vệ tinh (ASAT) của PLA đã khiến phương Tây bất ngờ vào năm 2007.

Mặc dù khả năng DF-21D đánh chìm tàu sân bay có thể không đáng tin, tuy nhiên đây là một vũ khí răn đe hiệu quả bởi vì các chỉ huy Hoa Kỳ có thể không muốn chấp nhận rủi ro. Vấn đề là liệu Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình có sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ hay không.

Holmes Liao

(Gia Huy biên dịch)

Xem thêm: