Sau cái chết của Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah do Israel không kích vào Liban, nhiều quốc gia do người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo trên khắp khu vực Trung Đông đã im lặng. Động thái này cho thấy sự chia rẽ giữa những người dân phẫn nộ với Israel và những chính quyền đã bình thường hóa quan hệ với Israel hoặc phản đối Iran (giới tu sĩ lãnh đạo theo Hồi giáo dòng Shiite), quốc gia bảo trợ cho Hezbollah.

Iraq tuong niem thu linh Hezbollah
Tại vùng ngoại ô phía đông của thành phố Sadr, Baghdad vào ngày 29 tháng 9 năm 2024, những người đưa tang diễu hành với một chiếc quan tài tượng trưng trong lễ tưởng niệm ông Hassan Nasrallah, cố lãnh đạo của nhóm Hezbollah người Shiite ở Liban, người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel tại Beirut vài ngày trước đó. Lễ tưởng niềm này diễn ra sau khi chính phủ Iraq chính thức tuyên bố quốc tang trong ba ngày dành cho ông Nasrallah. (Nguồn ảnh: AHMAD AL-RUBAYE/AFP via Getty Images)

Ông Nasrallah đã lãnh đạo nhóm vũ trang Hezbollah hùng mạnh với các thành viên theo Hồi giáo dòng Shiite trong suốt 32 năm tại Liban. Ngoài các kẻ thù truyền kiếp Israel và phương Tây, ông cũng đã tạo ra nhiều địch thủ trong khu vực. Các nước vùng Vịnh và Liên đoàn Ả Rập rộng lớn hơn đã chỉ định nhóm của ông là “tổ chức khủng bố” vào năm 2016, mặc dù Liên đoàn này đã rút lại chỉ định vào đầu năm nay.

Ả Rập Saudi do người Sunni cầm quyền đã tuyên bố trong một tuyên bố vào cuối Chủ Nhật (29/9) rằng họ đang theo dõi các diễn biến ở Liban với “mối quan ngại sâu sắc” và kêu gọi bảo vệ chủ quyền và an ninh khu vực của Liban. Nhưng họ không đề cập đến ông Nasrallah.

Các quốc gia khác cũng do người Sunni cầm quyền như Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain đã hoàn toàn im lặng về vụ Thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah bị Israel giết chết. UAE và Bahrain đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020. Bahrain đã dập tắt cuộc nổi dậy ủng hộ dân chủ quy mô lớn của cộng đồng người Shiite vào năm 2011.

Tuy nhiên, Đài truyền hình LuaLua thân Iran của Bahrain đã phát sóng các video cho thấy các cuộc tuần hành có quy mô khiêm tốn mà họ cho biết là để tưởng nhớ ông Nasrallah. Kênh này nói rằng chế độ Bahrain đã “tấn công” những người biểu tình và bắt giữ một số người trong số họ.

Trang web có quan điểm đối lập tại Bahrain là Bahrain Mirror đưa tin vương quốc này đã bắt giữ một giáo sĩ Shiite vì người này bày tỏ lời chia buồn về ông Nasrallah.

Reuters khi đưa tin về việc này đã nói rằng họ không thể xác minh các báo cáo của phương tiện truyền thông Bahrain.

Theo một tuyên bố của văn phòng tổng thống Ai Cập, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã nói chuyện với Thủ tướng Liban Najib Mikati qua điện thoại và cho biết Cairo bác bỏ mọi hành vi vi phạm chủ quyền của Liban, nhưng không nhắc đến ông Nasrallah.

Ai Cập trước đây đã chỉ trích Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nhà nước Cộng hòa Hồi giáo, mặc dù vẫn duy trì các liên lạc không chính thức với Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập cũng đã tổ chức các cuộc họp chính thức với các quan chức Iran trong năm qua.

Hôm Chủ Nhật (29/9), trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ sau vụ Thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah bị giết, Tổng thống Sisi nói rằng khu vực này đang trải qua những hoàn cảnh khó khăn và khẳng định Ai Cập “quản lý các vấn đề của mình theo cách bảo vệ đất nước và khu vực hết mức có thể, mà không bị kéo vào các vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh của đất nước“. Ông cũng không đề cập đến ông Nasrallah trong bài phát biểu này.

Các quốc gia khác như Syria và Iraq đã tuyên bố thời gian để tang ông Nasrallah kéo dài ba ngày.

Đau buồn vs Chỉ trích

Tên của ông Hassan Nasrallah đã trở thành chủ đề thịnh hành trên mạng trực tuyến ở nhiều quốc gia Ả Rập kể từ thứ Bảy (28/9), với nhiều người thương tiếc cho sự ra đi của ông.

Ông Sheikh Ahmed Bin Hamad al-Khalili, đại giáo sĩ của quốc gia vùng Vịnh Oman, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X (tên mới của Twitter) rằng đất nước của ông “buồn bã trước sự ra đi của tổng thư ký Hezbollah, sau khi ông ta đã trở thành cái gai trong cổ họng của những người theo chủ nghĩa Do Thái phục quốc trong hơn ba thập kỷ qua“.

Nhưng những cư dân mạng khác lại chỉ trích ông Nasrallah, đặc biệt là về sự can thiệp của Hezbollah vào cuộc nội chiến Syria. Cùng với sự hỗ trợ từ Iran và Nga, sự can thiệp đó cuối cùng đã giúp Tổng thống Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước Syria từ tay phiến quân chống chính phủ.

Những nạn nhân của Nasrallah ở Syria lên tới hàng trăm nghìn người, liệu ông ta có xứng đáng được người Hồi giáo thương xót không?” Nhà báo Omar AlJmmal sống tại Iraq viết bình luận trên X.

Nhà báo Saif alDareei tại UAE đã chia sẻ trong một bài đăng trên X một video mà ông cho biết đã thể hiện “niềm vui” của người dân ở tỉnh Idlib của Syria sau tin tức về vụ ông Nasrallah bị giết hại.

Hezbollah đã làm những gì người Do Thái không làm với những người anh em của chúng tôi ở Syria“, ông Saif alDareei bày tỏ.

Nhà thơ người Ả Rập Saudi Abdul Latif Al-Sheikh viết trên X: “Việc hả hê [về vụ giết hại Nasrallah] không chỉ là sự thù địch ngẫu nhiên mà là phản ứng tự nhiên trước một loạt các chính sách và hành động bẩn thỉu đã gây ra sự phẫn nộ rộng rãi“.

Những người khác cố gắng cân bằng những lời chỉ trích đối với cả ông Nasrallah và Israel, quốc gia mà những hoạt động quân sự ở Gaza và sự leo thang gần đây ở Liban đã gây ra sự phẫn nộ rộng rãi.

Niềm vui và sự hả hê hiện nay là giành chiến thắng cho kẻ thù, chia rẽ quốc gia (Ả Rập) và phản bội người dân Liban và Gaza“, người dẫn chương trình truyền hình Ai Cập Lamis Elhadidi phát biểu trên X.

Hãy gạt bỏ những bất đồng sang một bên và quên Iran đi, vì có một quốc gia Ả Rập đang bị ném bom mỗi giờ“, Lamis Elhadidi kêu gọi.