Giới chức Liban nói hôm Thứ Tư rằng thiết bị vô tuyến mà Hezbollah dùng và bị nổ lần này là những chiếc bộ đàm walkie-talkie, model IC-V82 đã ngừng sản xuất ở Nhật. Cộng với vụ nổ hàng loạt các máy nhắn tin hôm trước đó, số người mất mạng thêm lên 20 người. Số người bị thương lần này khoảng 450. LHQ nói vụ nổ đã “vi phạm luật nhân đạo quốc tế.”

240919WalkieTalkie
Các thiết bị vô tuyến của Hezbollah lại bị nổ vào ngày Thứ Tư 18/9 (ảnh cắt từ video)

Lo lắng leo thang chiến tranh

“Đây là thời điểm đáng sợ,” Bộ trưởng Ngoại giao Liban Abdallah Bou Habib nói với CNN, lo lắng chiến tranh sẽ lan rộng và leo thang, “và chúng tôi sợ sẽ có chiến tranh, bởi vì chúng tôi không muốn chiến tranh.”

Những giao tranh đường biên giữa nhóm quân sự Hezbollah tại Liban do Iran hậu thuẫn với láng giềng Israel, theo ông, có khả năng sẽ leo thang.

“Bây giờ chúng tôi không thể nói chuyện với Hezbollah theo cách mà chúng tôi vẫn nói chuyện với họ, bởi vì, tất nhiên rồi, họ bị đánh thảm đến như thế và do đó họ nhất định sẽ trả đũa,” ông nói.

Kể từ vụ các máy nhắn tin nổ hàng loạt vào chiều hôm Thứ Ba, người ta đã nhìn nhận rằng đây không chỉ là đòn đánh vào thực thể, mà còn là đòn đánh mạnh vào tâm lý Hezbollah, khi nó cho thấy rằng những gì tư mật nhất có thể vẫn đang bị phơi bày trần trụi trong mắt của kẻ thù từ lâu.

Như Reuters chỉ ra, các vụ dẫn nổ này xảy ra sau khi có một loạt các vụ giết chết quan chức của Hezbollah và Hamas.

Ngày 30/7, Israel tiến hành không kích vào ngoại ô phía Nam của thủ đô Beirut của Liban, giết chết Fuad Shukr, một chỉ huy cấp cao của Hezbollah.

Ngày 3/7, Israel tiến hành không kích phía Tây Nam Liban, giết chết Mohammed Nasser, cũng là một chỉ huy cao cấp của Hezbollah.

Ngày 12/6, Taleb Abdallah, một chỉ huy cấp cao của Hezbollah, đã bị giết chết khi Israel không kích phía Nam Liban.

Về các quan chức Hamas bị giết thời gian gần đây: Mohammed Deif mất mạng ngày 13/7. Deif được cho là một trong những người thiết kế vụ Hamas đột kích ngày 7/10/2023 vào Israel. Ismail Haniyeh bị ám sát ngày 31/7 tại Iran khi một tên lửa đánh trúng nhà trọ mà ông ta đang nghỉ tại dó. Saleh al-Arouri, phó tư lệnh Hamas, bị mất mạng do drone (máy bay không ngườ lái) tấn công vào phía Nam Beirut.

Israel dẫn nổ các thiết bị vô tuyến vì sợ bị lộ — CNN

Mặc dù Israel vẫn chưa đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ nổ hôm xảy ra hôm Thứ Ba và Thứ Tư, nhưng Hezbollah nhận định rằng đó chính là Israel.

CNN nói rằng theo nguồn tin riêng của họ, đó chính là Israel.

CNN còn cho hay, Israel ban đầu không muốn dẫn nổ các thiết bị vô tuyến mà họ đã dày công lén đưa vào trong lòng Hezbollah. Nhưng mà, Israel tin rằng họ đã bị lộ, cho nên họ buộc phải quyết định kích nổ trước khi tHezbollah vứt bỏ các thiết bị đó, như nguồn tin nói với CNN. Đây là thời điểm “dùng nó hay bỏ nó” vậy thôi.

Nếu chưa bị lộ, thì vẫn để các thiết bị nghe lén ở đó sẽ có lợi hơn cho Israel.

Theo cách nguồn tin này miêu tả, phe Israel kỳ thực không muốn leo thang chiến tranh. Họ nói, vụ đánh nổ chỉ là một loại “tiểu phẫu” lên Hezbollah mà thôi.

Ngoài ra, nguồn tin cũng bình luận rằng, vụ nổ đã chỉ ra mối liên hệ khăng khít giữa Hezbollah và Iran. “Bạn phải hỏi xem rằng tại sao ông đại sứ của Israel tại Liban lại cầm trong tay chiếc máy nhắn tin của Hezbollah,” nguồn tin nói với CNN.

Trước đó, CNN đã đưa tin rằng, theo nguồn tin riêng của mình, vụ hôm Thứ Ba là do tình báo Mossad phối hợp với quân đội của Israel làm ra.

  • CNN đăng video một trong những thiết bị vô tuyến phát nổ tại đám tang ở Liban:

Thiết bị chưa rõ xuất xứ

Các hình ảnh từ những xác thiết bị vô tuyến bị nổ hôm Thứ Tư, cho thấy nó là bộ đàm walkie-talkie IC-V82. Đây là model của hãng ICOM Nhật Bản, nhưng đã ngừng sản xuất từ lâu. Theo điều tra sơ bộ của CNN, thì hiện nay những chiếc bộ đàm model này trên thị trường hầu hết là hàng nhái, hoàn toàn không liên quan tới ICOM.

Phía Liban thông báo rằng những chiếc bộ đàm này không có license hợp pháp. Là hàng không rõ xuất xứ.

Hungary bác bỏ tin rằng máy nhắn tin pager bị nổ là được sản xuất tại Hungary

“Giới chức đã khẳng định rằng công ty được nói đến chỉ là buôn bán trung gian, chứ không có cơ sở sản xuất tại Hungary,” người phát ngôn của chính phủ Hungary Zoltan Kovacs tuyên bố trên mạng xã hội X (Twitter),

Bối cảnh sự việc.

Sau khi hình ảnh xác chiếc máy nhắn tin đã bị nổ nhãn hiệu Gold Apollo Đài Loan được truyền ra, các phóng viên đã đổ xô tới trụ sở hãng tại Đài Loan để tìm hiểu thông tin.

Gold Apollo thừa nhận rằng đó đúng là nhãn hiệu của hãng, tuy nhiên, hãng không liên quan tới vụ này, vì lô hàng máy nhắn tin được một công ty mang tên BAC Consulting có trụ sở tại thủ đô Budapest của Hungary sản xuất và phân phối, theo thỏa thuận giữa Gold Apollo và BAC.

Cho nên, những nhận định ban đầu cho thấy rằng đó là do Hungary sản xuất. Tuy nhiên, phía Hungary đã phủ nhận khả năng này.

“Đó là [công ty] có do một giám đốc đăng ký và tuyên bố địa chỉ vậy thôi, còn thiết bị được nói đến ấy không hề xuất hiện tại Hungary,” ông Kovacs khẳng định.

Mỹ tuyên bố hoàn toàn không liên quan

“Tôi có thể nói rằng chúng tôi không liên quan theo bất kỳ cách nào với sự kiện hôm qua (Thứ Ba) và hôm nay (Thứ Tư), và tôi không có bất kỳ thông tin gì để chia sẻ,” John Kirby, người phát ngôn về an ninh của Nhà Trắng, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo.

Liên tiếp hai vụ nổ thiết bị vô tuyến vào Thứ Ba và Thứ Tư, đã đẩy tình hình chiến tranh ở Trung Đông trở nên căng thẳng hơn, ông Kirby thừa nhận, tuy nhiên, ông nói rằng Mỹ không tin rằng “tăng cường các hoạt động quân sự” sẽ là lời giải cho bài toán này.

Theo ông, cần các biện pháp ngoại giao.

Phía Hezbollah nhận định chắc chắn rằng đứng sau các vụ nổ là Israel, và gọi đó là “tội ác” của Israel, đồng thời hứa sẽ có “trừng phạt” công bằng đáp trả.

Theo nguồn tin riêng của CNN, thì Israel đã báo trước với Mỹ về vụ việc dẫn nổ các thiết bị mà họ lén đưa vào trong lòng Hezollah rồi, tuy nhiên, họ không thông báo chi tiết kế hoạch cho Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói chuyện qua điện thoại với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trước khi Israel thực hiện vụ nổ hôm Thứ Ba, theo CNN. Nhưng Gallant đã không thông báo chi tiết.

Liên Hợp Quốc (LHQ) gọi vụ này là vi phạm luật nhân đạo quốc tế

Volker Turk, Cao ủy Nhân quyền LHQ đã lên án hành vi gây nổ gây hại tới dân thường. Đây là ông Turk nói về vụ diễn ra hôm Thứ Ba.

“Việc nhắm mục tiêu đồng thời vào hàng ngàn cá nhân, dù là dân thường hay thành viên của các nhóm vũ trang, mà không biết ai đang sở hữu các thiết bị mục tiêu, vị trí và môi trường xung quanh họ tại thời điểm tấn công, là đã vi phạm luật nhân quyền quốc tế và, trong phạm vi nào đó, luật nhân đạo quốc tế hiện hành,” ông Turk tuyên bố hôm Thứ Tư.

Theo ông, bất kể là ai làm ra vụ việc này đều cần phải cần phải “gánh chịu trách nhiệm,” và kêu gọi các tổ chức quốc tế hãy sớm tiến hành các “điều tra độc lập, chi tiết, và minh bạch.”

Tiếng nói của ông Turk cũng tương đồng với tiếng hỏi của tổ chức nhân quyền HRW (Human Rights Watch), tổ chức cũng yêu cầu có các cuộc điều tra nhanh chóng và kịp thời.

Nhật Tân (theo CNN)