Sunday Times (Anh) đưa tin 5 cựu Bộ trưởng Quốc phòng và 1 cựu Thủ tướng Anh đã hối thúc Thủ tướng Starmer cho phép vũ khí tầm xa Storm Shadow bắn vào lãnh thổ Nga, bất chấp rằng Mỹ vẫn chưa đồng ý.

240915StarmerZelensky01
Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) tại cổng số 10 phố Downing, Luân Đôn, 19/7/2024 (ảnh Shutterstock / Fred Duval)

Grant Shapps, Ben Wallace, Gavin Williamson, Penny Mordaunt, Liam Fox, và Boris Johnson lập luận rằng nếu vẫn còn chần chừ nữa thì sẽ làm Vladimir Putin trở nên hung hăng hơn.

“Chúng ta hành động trước. Và người khác sẽ làm theo.” — Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps muốn Anh cứ cho phép vũ khí tầm xa bắn vào Nga trước đã, từ đó Mỹ và các nước phương Tây khác cũng phải cuốn theo đó.

Hôm Thứ Sáu ngày 13/9, Thủ tướng Anh Sir Keir Starmer đã bay tới Washington, gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden để nói về vấn đề cho phép sử dụng vũ khí tầm xa bắn vào bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, cuộc hội đàm kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, theo Sunday Times (Anh) đưa tin.

Trước đó, quan chức Mỹ đã nói rằng kỳ thực lâu nay quân Ukraine vẫn dùng các cách khác nhau để tấn công vào lãnh thổ nước Nga, và bình luận rằng dù có thêm loại vũ khí mới như vũ khí tầm xa, thì quân Ukraine cũng khó mà có khả năng lật ngược bàn cờ, theo Reuters đưa tin ngày 13/9. Theo các quan chức này, thì kỳ thực ván cờ Ukraine ăn thua là ở chiến tuyến phía Đông, giao tranh trên mặt đất, cho nên quân Ukraine nên đặt trọng tâm ở đó để ngăn chặn bước tiến của quân Nga.

Vấn đề vũ khí tầm xa trở nên nóng trong những ngày này, bởi vì phía Nga nhận định rằng phương Tây đã hoặc đang chuẩn bị làm như vậy, và Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng nếu phương Tây làm như vậy, thì Nga sẽ coi đó là NATO trực tiếp tham gia chiến tranh với Nga.

Lập luận của ông Putin là người Ukraine không có khả năng điều khiển tên lửa tầm xa. Cho nên, việc cho phép chính quyền Kiev chỉ là cái vỏ bọc, là tráo đổi khái niệm, là gây nghe nhìn lầm lẫn thôi, còn thực chất là người của NATO trực tiếp điều khiển bằng công nghệ vệ tinh của NATO.

Theo ông Putin, chiến tranh Ukraine vậy là thay đổi bản chất một cách đáng kể, từ chiến tranh mà NATO ủy nhiệm cho Ukraine, sang chiến tranh mà NATO trực tiếp tham gia. Trong trường hợp đó, Nga cần phải có quyết định đối phó tương xứng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người được phương Tây hậu thuẫn, đã lên tiếng trong vài tháng liên tiếp kêu gọi phương Tây, đứng đầu bởi Mỹ, cho phép quân đội của ông dùng vũ khí tầm xa bắn vào lãnh thổ Nga.

Trước mắt, vũ khí tầm xa được đề cập đến là các dàn tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp và tên lửa không-đối-đất Storm Shadow do Anh cung cấp. Có các thông tin được tiết lộ bởi nguồn tin là quan chức giấu tên, rằng tên lửa JASSM cũng có thể sẽ nhập cuộc (phiên bản JASSM đời cũ, tầm bắn 370 km, chứ không phải đời mới 800 km).

Đợt vận động cho dùng vũ khí tầm xa đột nhiên trở nên cao trào khi bầu cử tổng thống Mỹ tới gần. Báo chí Mỹ đăng tin theo nguồn quan chức Mỹ giấu tên rằng Nga nhận một lô tên lửa từ Iran, và nghi ngờ rằng Nga sẽ dùng chúng cho chiến tranh Ukraine. Mặc dù cả Iran và Nga đều bác bỏ tin này; đồng thời cũng không có bằng chứng nào đưa ra, nhưng tin tức này được xem như là biểu hiện của Nga, rằng Nga mới là phe leo thang chiến tranh trước, chứ không phải là NATO.

Theo Reuters bình luận, tổng thống Mỹ có những lo lắng về leo thang chiến tranh. Như ông John Kirby, một người phát ngôn của Ngà Trắng, đã nói vào hôm Thứ Sáu 13/9, rằng Mỹ đã nghiêm túc xem xét các nguy cơ này.

Tuy nhiên, cũng theo Reuters đưa tin, Jason Crow, đại biểu Quốc hội Mỹ, phe Đảng Dân chủ, và cũng là một thành viên của Ủy ban Tình báo và Đối ngoại của Hạ viện Mỹ, nói rằng ông Putin của nước Nga chỉ hung hăng trên miệng mà thôi.

“Tôi không tin rằng có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Vladimir Putin có ý định chiến đấu với NATO,” ông Crow nói với phóng viên của Reuters. “Trái lại, tôi cho rằng ông ta đang tìm cách né tránh đối đầu trực diện với NATO.”

Hiện nay, như Sunday Times đưa tin, Thủ tướng Anh Starmer đang được thuyết phục rằng Anh cứ cho phép làm trước, và từ đó các thành viên khác sẽ làm theo, cho phép tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa.

Wallace nói rằng nếu không làm thế thì Anh trông có vẻ “yếu thế” trong con mắt của Điện Kremlin. Williamson thì nói rằng không làm thế thì là “lơ là nghĩa vụ.” Còn Boris Johnson thì nói rằng “Không có lý do nào để mà chậm trễ.”

“Thay vì chờ đợi sự chấp thuận chính thức từ Mỹ, Sir Keir cần cung cấp cho Tổng thống Zelensky những gì đang rất cần hiện nay. Đó là cách [Anh quốc] chúng ta khẳng định vị trí lãnh đạo toàn cầu của mình trong việc hỗ trợ Ukraine. Chúng ta hành động trước. Và người khác sẽ làm theo. Đồng thời ấy cũng là phong cách lãnh đạo cần thiết cho [chiến tranh] Ukraine hôm nay,” Grant Shapps nói.

Nhật Tân (t/h)