Thượng viện giới hạn tranh luận, chốt bỏ phiếu xác nhận thẩm phán Barret vào tối 26/10
- Xuân Thành
- •
Thượng viện Mỹ vào chiều Chủ Nhật 25/10 (giờ địa phương) đã bỏ phiếu thông qua (51-48) việc giới hạn tranh luận về trường hợp đề cử vào Tối cao Pháp viện của Thẩm phán Amy Coney Barrett. Các thượng nghị sĩ sẽ có tối đa 30 giờ để tham gia tranh biện về đề cử viên Barrett trước khi tiến hành bỏ phiếu xác nhận chính thức.
Với kết quả bỏ phiếu tại Thượng viện chiều 25/10, gần như chắc chắn việc xác nhận bà Barrett vào Tối cao Pháp viện sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại toàn Thượng viện vào khoảng 7h tối ngày thứ Hai 26/10 (giờ Mỹ). Tổng thống Donald Trump đang đứng trước chiến thắng tư pháp quan trọng trước thềm Ngày Bầu cử 3/11.
Trong khi đó, bây giờ Đảng Dân chủ không thể sử dụng thủ tục filibuster tại Thượng viện để trì hoãn bỏ phiếu xác nhận Thẩm phấn Barrett và họ cũng không có đủ số phiếu bầu để ngăn cản các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu xác nhận bà Barrett vào Tối cao Pháp viện.
Phát biểu tại Thượng viện sau cuộc bỏ phiếu giới hạn thời gian tranh luận chiều 25/10, Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell cho hay: “Thẩm phán Amy Coney Barrett của Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực Đại lý thứ bảy là một đề cử viên ưu tú xét trên mọi khía cạnh. Năng lực trí tuệ của bà là không phải bàn cãi. Sự hiểu biết luật pháp của bà là xuất sắc. Sự liêm chính của bà vượt trên mọi sự chỉ trích”.
Trong cuộc bỏ phiếu chiều 25/10, có hai thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa gia nhập cùng toàn bộ thượng nghị sĩ của Đảng Dân chủ bỏ phiếu phản đối là bà Susan Collins (bang Maine) và bà Lisa Murkowski (bang Alaska). Thượng nghị sĩ Collins đã nói bà sẽ bỏ phiếu chống lại việc xác nhận Thẩm phán Barrett, trong khi Thượng nghị sĩ Murkowski khẳng định bà vẫn sẽ bỏ phiếu xác nhận bà Barrett dựa trên năng lực của nữ thẩm phán 48 tuổi.
Lãnh đạo phe Thiểu số Thượng viện Chuck Schumer đã đưa ra ý kiến phản đối Đảng Cộng hòa vì đảng này xúc tiến nhanh việc lấp đầy chỗ ghế trống tại Tối cao Pháp viện chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống, sau khi trong năm bầu cử 2016 chính họ đã từ chối đề cử viên thẩm phán Tối cao Pháp viện của Tổng thống Barack Obama.
“Đảng Cộng hòa đã hứa họ sẽ tuân thủ tiêu chuẩn của chính họ nếu tình huống này lặp lại. [Nhưng], chắc là không”, Thượng nghị sĩ Dân chủ bang New York nói.
Thượng nghị sĩ McConnell và các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa đã nhiều lần giải thích rằng trường hợp đề cử thẩm phán năm nay khác năm 2016 vì bây giờ Thượng viện và Tòa Bạch Ốc đều do cùng một đảng kiểm soát.
Đảng Cộng hòa chỉ cần 51 phiếu để xác nhận một thẩm phán mới. Điều này có nghĩa rằng với việc đang có 53 ghế tại Thượng viện, Đảng Cộng hòa vẫn xác nhận Thẩm phán Barrett vào Tối cao Pháp viện thành công nếu họ mất tối đa 2 phiếu. Hiện tại chỉ có Thượng nghị sĩ Collins lên tiếng chắc chắn bỏ phiếu phản đối. Trong khi cả bà Murkowski và Thượng nghị sĩ Mitt Romney, người hay bất bình với Tổng thống Trump, đều đã xác nhận vẫn bỏ phiếu xác nhận Thẩm phán Barrett.
Trước đây, việc xác nhận một thẩm phán cho Tối cao Pháp viện cần phải có 60 phiếu tán thành của các thượng nghị sĩ. Nhưng năm 2017, ông McConnell đã thay đổi tiêu chuẩn này và cho phép chỉ cần đa số tối thiểu bỏ phiếu đồng ý là có thể xác nhận thành công thẩm phán cho Tối cao Pháp viện. Động thái này đã cho phép Tổng thống Trump bổ nhiệm thành công hai thẩm phán Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh vào tòa án tối cao trong hai năm 2017 và 2018.
Nếu bổ nhiệm thành công thẩm phán Barrett trước bầu cử, ông Trump sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên chỉ định thành công tới 3 thẩm phán vào Tối cao Pháp viện trong một nhiệm kỳ. Đồng thời, với sự góp mặt của bà Barrett, Tối cao Pháp viện 9 thẩm phán sẽ có tới 6 vị có quan điểm bảo thủ.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Thượng viện Mỹ Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ Amy Coney Barrett