Thượng viện Mỹ thoát bế tắc về dự luật cứu trợ 2 nghìn tỷ USD
- Đức Trí
- •
Chính quyền Trump và các lãnh đạo Thượng viện đã đạt thỏa thuận thông qua dự luật ngân sách lịch sử 2 nghìn tỷ USD để cứu trợ hậu quả của đại dịch virus corona cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên dự luật quan trọng này vẫn có thể gặp đe dọa tại Hạ viện sau khi nhận phải chỉ trích của ít nhất một nghị sĩ, theo Fox News.
Thế bế tắc đã được phá vỡ tại Thượng viện sau nhiều ngày tranh luận nảy lửa và suýt nữa dự luật đã bị hủy bỏ bởi những đòi hỏi phút chót của Đảng Dân chủ.
“Thưa quý bà và quý ông, chúng ta đã xong”, giám đốc sự vụ lập pháp Eric Ueland của Tòa Bạch Ốc thông báo sau khi ông rời khỏi văn phòng Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell vào lúc gần nửa đêm.
“Chúng ta đã có thỏa thuận”.
Ueland nói với phóng viên rằng “hầu hết nội dung văn bản của dự luật đã được hoàn thiện và tôi hy vọng trong vòng vài giờ nữa chúng ta sẽ hoàn thành phần việc còn lại và sẽ xúc tiến công tác tiếp theo vào buổi sáng sớm”.
Lãnh đạo phe Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer hoan nghênh thỏa thuận nói rằng mọi người Mỹ bị sa thải và nguồn thu nhập sẽ được đền bù. Các doanh nghiệp sẽ có tài chính để tồn tại và ngay lập tức thuê lại nhân viên sau khi dịch bệnh qua đi.
Dù chưa chính thức công bố chi tiết của dự luật, nhưng truyền thông Mỹ đã nhanh chóng đăng tải các nội dung của dự luật qua tiết lộ của các nhân vật quan trọng. Một điều khoản trọng yếu trong dự luật này là việc gửi séc tiền mặt tới hầu hết người Mỹ để có tiền chi tiêu trong khi không thể đi làm trong đại dịch.
Dự luật sẽ gửi tối đa 1.200 USD cho mỗi người trưởng thành, thêm 500 USD cho mỗi trẻ em, theo Washington Post. Số tiền trợ cấp sẽ giảm theo các mức thu nhập, xuống đến bằng 0 khi thu nhập đạt 99.000 USD/năm. Người Mỹ không có thu nhập sẽ được nhận khoản tiền ít nhất 600 USD.
Ngoài ra, 367 tỷ USD sẽ được cấp cho các doanh nghiệp nhỏ để duy trì trả lương cho những công nhân bị buộc phải ở nhà; thêm 130 tỷ USD dành cho hệ thống bệnh viện bị ảnh hưởng mạnh nhất và 150 tỷ USD hỗ trợ cho chính quyền bang và chính phủ địa phương để củng cố phản ứng chống dịch.
Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất là cứu nguy các tập đoàn lớn hơn. Dự luật bao gồm 500 tỷ USD vốn vay trợ cấp đảm bảo cho các ngành như hàng không và khách sạn. Tuy nhiên Đảng Dân chủ muốn ngành hàng không phải tuân theo yêu cầu mới về phát thải carbon, điều mà ông Trump tố cáo họ đang muốn nhét thêm nội dung của “Green New Deal” vào dự luật cấp kíp trong lúc nguy cấp.
Trong bức thư gửi các đồng sự, ông Schumer viết: “Đảng Dân chủ sẵn sàng đồng thuận nhất trí để đẩy nhanh việc thảo luận dự luật và làm cho xong việc”. Điều này nghĩa là nếu Đảng Cộng hòa không có người phản đối, Thượng viện có thể phê chuẩn dự luật mà không cần tiến hành phiên bỏ phiếu điểm tên chính thức. Đây là cách nhanh nhất để thông qua một đạo luật, theo Fox News.
Lãnh đạo Phe Cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell hoan nghênh sự hợp tác của Đảng Dân chủ:
“Ít nhất chúng ta đã có một thỏa thuận.
“Đảng Dân chủ cuối cùng đã có câu trả lời Có.”
“Sau nhiều ngày thảo luận căng thẳng, Thượng viện đã đạt được thỏa thuận lưỡng đảng về gói cứu trợ lịch sử đối phó với đại dịch. Nó sẽ nhanh chóng đưa các tài nguyên mới tới mặt trận trong cuộc chiến chăm sóc y tế của quốc gia. Và nó sẽ bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế càng nhanh càng tốt để giúp người lao động, các gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành kinh tế vượt qua được sự gián đoạn và sẵn sàng vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch”, ông McConnell nói.
Một nguồn tin của Đảng Cộng hòa nói với Fox News rằng động thái xuống nước của phe Dân chủ và ông Schumer là một hành động “giữ mặt mũi” và ông ta đang cố gắng “giành công” cho một dự luật mà Chính quyền Trump và Đảng Cộng hòa đề xuất trong khi trước đó chính ông ta đã ngăn cản với những đòi hỏi điều chỉnh vô lý. Theo người này, Dân chủ Đảng đơn giản là không thể kéo dài tình trạng bế tắc dài hơn, khi tình hình kinh tế đang tồi tệ hơn nhiều và tỷ lệ ủng hộ ông Trump thì tăng vọt.
Tuy nhiên, nếu được Thượng viện thông qua, dự luật vẫn có thể gặp trở ngại tại Hạ viện.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm thứ Ba đề xuất rằng bà hy vọng sẽ thông qua dự luật bằng biểu quyết nhất trí để tránh phải gọi tất cả các hạ nghị sĩ về Washington để bỏ phiếu. Tuy nhiên, nếu dùng cách này, chỉ một hạ nghị sĩ cũng có thể cản trở dự luật.
Hạ nghị sĩ Justin Amash, bang Michigan, người vừa bỏ Đảng Cộng hòa, tỏ ý rằng ông có thể sẽ không thông qua dự luật này tại Hạ viện.
“Thỏa thuận lưỡng đảng này là một thỏa thuận thô đối với người Mỹ. Nó làm được quá ít cho những người cần trợ giúp nhất, trong khi hàng trăm tỷ đô vào túi tập đoàn, làm phồng chính phủ quá mức, hạn chế sự thích nghi của nền kinh tế và mở rộng khoảng cách giàu nghèo”, ông Amash viết trên Twitter.
Đức Trí
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Kinh tế Mỹ virus corona dự luật đại dịch viêm phổi Vũ Hán cứu trợ kinh tế