Tiến sĩ Tạ Điền nói về mối quan hệ giữa Elon Musk và ĐCSTQ
- Tĩnh Nhữ
- •
Truyền thông nhiều nước đưa tin, Giám đốc điều hành Elon Musk của “gã khổng lồ” ô tô điện Tesla và công ty công nghệ khám phá không gian SpaceX của Mỹ gần đây đã mở một chi nhánh ở Tân Cương để phát triển hoạt động kinh doanh Tesla ở Trung Quốc. Điều này đã làm dấy lên tranh luận về quan điểm nhân quyền của Elon Musk. Vision Times đã phỏng vấn Tiến sĩ Tạ Điền tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina về vấn đề này.
Musk có đứng cùng nhà cầm quyền Trung Quốc?
Những thông tin cho thấy do vấn đề nhân quyền ở Tân Cương của Trung Quốc tiếp tục xấu đi nên Mỹ và nhiều nước chung quan điểm đã thực hiện một số biện pháp trừng phạt chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc có dùng bông Tân Cương và xử phạt các quan chức ĐCSTQ ở Tân Cương. Do đó, một số nhà quan sát nhân quyền quốc tế có quan điểm khác về việc Musk mở cửa hàng ở Tân Cương.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Tạ Điền chia sẻ: “Tôi có thể cảm thông quan điểm đó. Nhưng tôi hoàn toàn không thấy vấn đề mở thêm một cửa hàng ở Tân Cương thì nghĩa là đang ủng hộ ĐCSTQ. Bởi vì trước đó Tesla đã có cơ sở ở Thượng Hải và sản xuất một thời gian rồi, ban đầu Elon Musk muốn bán sản phẩm trên toàn Trung Quốc, nhưng hiện tại lại mở cửa hàng ở Tân Cương vào đúng lúc nhạy cảm. Không có gì khác nhau [trong quan điểm nhân quyền] khi bán hàng ở Tân Cương với bán ở Thượng Hải và Bắc Kinh.
Lại có quan điểm rằng ông Musk thực sự đang tạo cho ĐCSTQ một nền tảng, tôi không bi quan như vậy. Là một doanh nhân lớn thì dĩ nhiên ông ấy có sự tinh ranh và khôn khéo của mình, thậm chí còn nói điều gì đó về hiệu quả cao của ĐCSTQ. Điều này đúng khi ông ấy xây dựng một nhà máy ở Thượng Hải: mọi thứ thực sự hoạt động rất hiệu quả, nhà máy rất nhanh được đưa vào sản xuất. Trong quá trình này chắc chắn ĐCSTQ có mưu tính riêng, ví dụ muốn Musk nói điều gì đó tốt đẹp về ĐCSTQ. Nếu ông ấy không nói gì thì sẽ rất khó hòa hợp với nhau”.
Triết lý chính trị bảo thủ của Musk
Tiến sĩ Tạ Điền chỉ rõ thêm: “Trước tiên chúng ta hãy xem quan niệm chính trị của Elon Musk thế nào? Mọi người đều biết rằng Musk hiện là người giàu nhất thế giới với nguồn tài sản là 300 tỷ đô la Mỹ, trong khi người thứ hai là Bezos chỉ hơn 100 tỷ đô la Mỹ. Những ông chủ mạng xã hội như Facebook, Twitter đều có giá trị hàng chục đến vài trăm tỷ đô la Mỹ. Chúng ta biết rằng những doanh nhân công nghệ cao đầu tư ra thế giới này, bao gồm nhiều ông trùm ở thung lũng Silicon, toàn người có xu hướng nghiêng về phe cánh tả của Đảng Dân chủ. Musk khác với họ, ông ấy là doanh nhân bảo thủ hiếm hoi kiên định theo tư tưởng bảo thủ và công khai ủng hộ ông Trump. Tôi nghĩ điều đó liên quan đến kinh nghiệm và trải nghiệm cá nhân của ông ấy.
Việc Musk công khai ủng hộ Trump là nhất quán với những tư tưởng bảo thủ của cánh hữu, cho nên cũng chuyển cả công ty và ngôi nhà của Musk khỏi thành trì cánh tả là bang California. Tôi nghĩ ông ấy có am hiểu nhất định về ĐCSTQ. Có thể Musk nói một số điều tốt đẹp về ĐCSTQ, nhưng trên thực tế thì nhiều điều ông ấy làm, chẳng hạn như Starlink, đang thực sự gây đe dọa sụp đổ ĐCSTQ và làm họ sợ hãi”.
ĐCSTQ có mưu đồ trong lôi kéo Musk
Tiến sĩ Tạ Điền chỉ ra: “Trước hết, hãy nói về lý do tại sao ĐCSTQ muốn Elon Musk đến Trung Quốc, và tại sao Musk lại đến Trung Quốc? Chúng ta cần chỉ ra những doanh nhân nước ngoài gọi là ủng hộ ĐCSTQ như một số nhà tư bản ở phương Tây bao gồm cả Phố Wall của Mỹ, là vì đã đưa đến Trung Quốc hoặc nguồn vốn, hoặc công nghệ, hoặc một số khả năng quản lý.
Trung Quốc hiện đã nhanh chóng học hỏi được một số kỹ năng quản lý, nhưng còn vài thứ mà Trung Quốc vẫn thiếu: một là vốn và hai là công nghệ tiên tiến. Nếu xác định ai đó đang ủng hộ ĐCSTQ, trao nền tảng cho ĐCSTQ, thì đó là kẻ dâng hiến cho ĐCSTQ nguồn tài chính và công nghệ. Nhưng Musk đã không làm điều đó. Chúng ta biết rằng nhà máy Tesla Thượng Hải đã được chính quyền Thượng Hải đặc biệt phê duyệt và quy hoạch một mảnh đất cho Elon Musk, ngoài ra ĐCSTQ còn cung cấp tiền và các khoản vay trợ giúp. Ông ấy đã đưa công nghệ vào, nhưng nguồn vốn công ty ông ấy là sở hữu riêng 100% của ông ấy, nói cách khác Musk không chia sẻ công nghệ với bất kỳ công ty nào ở Trung Quốc”.
Tesla được thị trường Trung Quốc yêu thích
Tiến sĩ Tạ Điền nói rằng ĐCSTQ thực sự đang sử dụng Tesla để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc. “Nhưng từ những gì chúng ta thấy hiện nay thì vấn đề xe điện của Trung Quốc đang lạm phát, có rất nhiều cơ sở sản xuất nhưng không ai trong số họ có thể bắt kịp Tesla. Tesla thực sự có sự tự tin duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ và thậm chí không quan tâm đến việc cho công khai tiết lộ những công nghệ này – Elon Musk là người duy nhất công khai như vậy. Do ông ấy tin rằng các công nghệ sáng tạo này phát triển rất nhanh và những bên khác bắt chước cũng không thể theo kịp, vì vậy mà mới tự tin như thế.
Tóm lại, Elon Musk đã không mang tiền cũng không mang công nghệ cho ĐCSTQ, trái lại ĐCSTQ đã trả tiền cho ông ấy để xây dựng nhà máy ở Thượng Hải và chế tạo xe hơi, hiện bán rất chạy ở Trung Quốc. Sự an toàn và hiệu suất đáng tin cậy cùng công nghệ tiên tiến của Tesla đã giành được sự yêu mến của người Trung Quốc và người mua xe hơi.
Tại sao ĐCSTQ lại cho Musk đãi ngộ lớn như vậy? Như tôi đã đề cập: Một mặt là hy vọng cải thiện trình độ xe điện ở Trung Quốc. Nhưng trong phần này, tôi không nghĩ rằng ĐCSTQ đã đạt được mục đích. Những công ty khác ở Trung Quốc vẫn đang sao chép lại ở mức độ thấp, không thể đủ sức bắt kịp Tesla”.
Tesla có phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc?
Theo lời một nhà phân tích trên VOA Mỹ, Tesla ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, đồng thời theo chân các công ty lớn khác của phương Tây và từng bước rơi vào “bẫy kinh tế” của ĐCSTQ.
Tiến sĩ Tạ Điền nói về vấn đề này: “Tôi không thể thấy ông ấy ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc. Tesla có nhà máy lớn nhất ở Texas Mỹ và một nhà máy khổng lồ khác ở Đức. Ngoài ra còn có những lời mời từ Ấn Độ để Tesla đến xây dựng nhà máy. Còn Tesla ở Trung Quốc chỉ là để bán hàng nội địa Trung Quốc. Tôi nghĩ hãng Tesla có đủ sức mạnh để luôn chiếm lĩnh thị trường toàn cầu”.
Starlink của Musk khiến ĐCSTQ sợ hãi
Những nguồn tin cho thấy, giới chức ĐCSTQ đã phàn nàn với Liên Hợp Quốc về vụ phóng vệ tinh của Musk vào năm ngoái, nói rằng vệ tinh Starlink do SpaceX phóng lên đã hai lần tiếp cận trạm vũ trụ của Trung Quốc, gây “nguy hiểm” cho tính mạng và sức khỏe của các phi hành gia Trung Quốc. Giới dư luận viên của ĐCSTQ cũng lên án Starlink của Elon Musk. Nhưng Musk đã phủ nhận những lo ngại như vậy khi cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Hàng ngàn vệ tinh chẳng thấm vào đâu. Giống như có hàng ngàn chiếc ô tô trên trái đất vậy thì có thấm vào đâu”.
Về vấn đề này Tiến sĩ Tạ Điền cho biết, như vừa đề cập về hệ thống Starlink của Elon Musk khiến ĐCSTQ rất sợ hãi vì nó có thể làm sụp đổ nhà cầm quyền này:
“Musk có một số công ty rất hay, bao gồm SpaceX, công ty thám hiểm không gian và dự án Starlink, đang có kế hoạch phóng 100.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất để kết nối Internet toàn diện. Điều này thực sự có thể phá vỡ tường lửa của ĐCSTQ. Trừ khi ĐCSTQ phá hủy hàng ngàn vệ tinh trên vùng không gian Trung Quốc, nhưng trên thực tế ĐCSTQ không làm được, vì vậy không có cách nào ngăn chặn được. Khi đó, người Trung Quốc sẽ chỉ cần một đầu thu có kích thước bằng hộp bánh pizza để nhận tín hiệu, và thậm chí sau này đầu thu có thể nhỏ hơn nhiều.
Ví dụ, người Trung Quốc khi về nước sẽ bí mật mang theo thứ gì đó có kích thước bằng hộp bánh pizza để nhận tín hiệu Starlink, khi đó họ có thể lướt Internet một cách thoải mái mà không phải vượt tường lửa. Điều này đồng nghĩa ngày tàn của ĐCSTQ đang đến, nên ĐCSTQ rất sợ hãi. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao ĐCSTQ đang cố gắng thu phục Musk. Nhìn từ quan điểm này, tất nhiên ĐCSTQ sẽ dùng mọi ưu đãi cho ông ấy, như cung cấp tiền và để Musk xây dựng nhà máy. Đối với một người làm kinh doanh, muốn kiếm tiền mà không phải bỏ vốn, không phải mua đất, được ĐCSTQ cung cấp cho mọi thứ để sản phẩm Mỹ của ông ta có thể chiếm thị trường Trung Quốc, vậy thì còn gì vui hơn?
Tất nhiên tôi nghĩ ĐCSTQ sẽ tiếp tục gây áp lực đối với Musk để ông ấy không dính vào ĐCSTQ trong dự án Starlink này, nhưng có vẻ như mục đích của ĐCSTQ không đạt được. Vì vậy có thể xem Musk là một chiến binh công nghệ đang công phá ‘tường lửa vĩ đại’ (Great Firewall) tại Trung Quốc”.
Theo thông tin công khai, dự án Starlink là do Giám đốc điều hành Elon Musk của SpaceX khởi xướng vào năm 2015, nhằm cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao phủ khắp thế giới thông qua chuỗi vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Musk từng tuyên bố đại chúng rằng ông hy vọng Starlink sẽ cho phép những nơi không có Internet có thể truy cập Internet, để những người ở những vùng nghèo khó hiện chưa có Internet có thể cảm nhận được niềm vui của thời đại Internet.
Tĩnh Nhữ, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Tân Cương Elon Musk Tesla Dòng sự kiện Starlink Xe điện Tesla