TikTok và công ty mẹ ByteDance khởi kiện Chính phủ Mỹ
- Theo RFI
- •
TikTok và công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ “vi hiến” khi ép họ phải tách khỏi công ty mẹ mới được hoạt động tại Mỹ. Giới quan sát có nhận định cho rằng cuộc chiến pháp lý có thể đến Tòa án Tối cao.
Hôm thứ Ba (7/5), TikTok và công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang Mỹ, nhằm tìm cách ngăn chặn một đạo luật do Tổng thống Joe Biden ký, buộc ứng dụng video ngắn được 170 triệu người Mỹ sử dụng này phải thoái vốn khỏi công ty mẹ hoặc bị vô hiệu hóa.
Theo Reuters, hai công ty đã đệ đơn kiện lên Tòa phúc thẩm Quận Columbia, cho rằng luật này đã vi phạm Hiến pháp Mỹ, lý do bao gồm cả vi phạm quyền tự do ngôn luận của Tu chính án thứ nhất. Đạo luật do Tổng thống Biden ký ngày 24/4 yêu cầu ByteDance phải bán TikTok trước ngày 19/1/2025, nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm hoạt động.
TikTok và công ty mẹ tại Trung Quốc cho biết trong đơn khiếu nại rằng việc thoái vốn “đơn giản là không thể: không thể về mặt thương mại, không thể về mặt công nghệ và không thể về mặt pháp lý… Không còn nghi ngờ gì nữa, luật này sẽ khiến đến ngày 19/1/2025 TikTok buộc phải ngừng hoạt động, khiến 170 triệu người Mỹ sử dụng nền tảng này phải im lặng… theo những cách không thể thấy ở nơi nào khác”.
Theo AFP, sau khi các dân biểu và nghị sĩ bỏ phiếu và Nhà Trắng ban hành luật được gọi là “Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi sự kiểm soát ứng dụng của thế lực nước ngoài thù địch”, TikTok cảnh báo rằng họ sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý có thể để phản đối luật này.
Những người ủng hộ văn bản pháp lý chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc thao túng và giám sát người dùng Mỹ thông qua TikTok.
Không có lựa chọn
Theo luật, nền tảng TikTok có 270 ngày để tìm kiếm các nhà đầu tư mới không phải người Trung Quốc, nếu không sẽ bị cấm vào Mỹ. Nhà Trắng có thể chấp thuận gia hạn thêm 90 ngày nữa.
Các luật sư của TikTok nhấn mạnh: “Họ nói rằng luật không phải là lệnh cấm vì cung cấp cho ByteDance các lựa chọn (…) Nhưng thực sự, không có lựa chọn nào”.
Phía TikTok lý luận rằng nếu Quốc hội Mỹ có thể làm như vậy đối với TikTok thì họ cũng có thể làm điều tương tự với những cơ quan truyền thông khác với lý do an ninh quốc gia.
Cuộc chiến pháp lý có thể kéo đến tận Tòa án tối cao.
AFP cho biết, vào năm 2020 TikTok đã chặn thành công một sắc lệnh tương tự, do cựu Tổng thống Donald Trump ban hành. TikTok đã kháng cáo và một thẩm phán đã tạm thời đình chỉ lệnh khi ra phán quyết rằng: Lý do của lệnh cấm đã bị phóng đại và quyền tự do ngôn luận bị đe dọa.
“Luật chưa từng có”
Luật mới nhằm giải quyết những khó khăn trước đây, bao gồm cả những khó khăn mà các bang đã cố gắng cấm ứng dụng TikTok gặp phải.
Các chuyên gia tin rằng “Tòa án tối cao có thể rất nhạy cảm về lập luận an ninh quốc gia do các đại diện dân bầu đưa ra”, dù vấn đề an ninh quốc gia đó không có minh chứng chắc chắn.
Tuy nhiên, Giáo sư luật Gautam Hans của Đại học Cornell nhận xét: “Trước đây TikTok đã chiến thắng nhờ Tu chính án thứ nhất, nhưng luật hiện hành được cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ủng hộ có thể khiến thẩm phán phải tuân theo quyết định của Quốc hội, xác định rằng công ty này đặt ra vấn đề nguy cơ an ninh quốc gia đối với Mỹ”.
Nhưng ông nói thêm: “Dù vậy, trong trường hợp không có cuộc tranh luận công khai về bản chất thực sự của những rủi ro này, rất khó để xác định lý do tại sao tòa án lại phê chuẩn một đạo luật chưa từng có như vậy”.
Nền tảng TikTok sẽ nhấn mạnh vào vấn đề này để lưu ý rằng “luật pháp Mỹ không làm rõ được [không có bằng chứng gì] về bất kỳ mối đe dọa nào do TikTok gây ra”.
Từ khóa TikTok