Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 25/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 541.146 ca mắc COVID-19 mới và 6.378 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 246.624.831 ca, trong đó có khoảng 4.871.243 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Flowersandtraveling/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 25/11, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Châu Âu: Dịch bùng phát nghiêm trọng

Châu Âu tiếp tục “quay cuồng” với làn sóng dịch mới COVID-19 với số ca mắc tăng mạnh trong bối cảnh thời tiết mùa Đông lạnh giá tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan. Số liệu tổng hợp của hãng tin AFP (Pháp) công bố ngày 25/11 cho thấy số ca tử vong vì đại dịch COVID-19 tại “Lục địa già” đã tăng lên hơn 1,5 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại châu lục này.

Hiện số ca tử vong do COVID-19 tại Đức tính đến ngày 25/11 đã vượt qua mốc 100.000 ca, trong khi số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục tăng ở mức cao đã đặt ra thách thức đối với chính phủ mới của nước này. Với 75.961 ca mắc mới được ghi nhận, các bệnh viện tại một số khu vực, đặc biệt là ở miền Đông và Nam nước Đức, đang có nguy cơ quá tải.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Hà Lan đã tăng ở mức cao kỷ lục với 23.709 ca mắc mới ghi nhận vào ngày 24/11. Hiện tổng số ca bệnh tại Hà Lan đã tăng lên hơn 2,5 triệu người trong đó hơn 19.000 ca tử vong. Một số bệnh viện tại Hà Lan đã rơi vào tình trạng quá tải, phải tạm ngừng hoạt động điều trị và cấy ghép nội tạng để tập trung giường chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19. Trước bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục tăng ở mức cao, Hà Lan dự kiến sẽ thông báo các biện pháp phong tỏa mới vào ngày 26/11.

Trong nỗ lực khống chế đà lây lan của làn sóng thứ 5 dịch COVID-19 đang có nguy cơ đe dọa đà phục hồi kinh tế, ngày 25/11, Pháp thông báo sẽ triển khai tiêm mũi vắc-xin bổ sung cho tất cả người trưởng thành, đồng thời siết chặt các quy định về đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ thông hành.

Theo đó, mọi người dân từ 18 tuổi trở lên sẽ đủ điều kiện để tiêm mũi vắc-xin bổ sung và khoảng thời gian từ khi tiêm đủ liều đến các mũi bổ sung sẽ được rút ngắn xuống còn 5 tháng thay vì 6 tháng. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng cho biết sẽ yêu cầu Cơ quan cố vấn y tế của Pháp Haute Autorite de Sante (HAS) và ủy ban y đức xem xét khả năng tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

EMA chấp thuận sử dụng vắc-xin Pfizer cho trẻ 5 – 11 tuổi

Ngày 25/11, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã phê chuẩn việc sử dụng vắc-xin của Pfizer/BioNTech để tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 5 – 11, mở đường cho việc Liên minh châu Âu (EU) thông qua loại vắc-xin ngừa COVID-19 đầu tiên dành cho trẻ ở độ tuổi này, trong bối cảnh các nước trong khối đang đối phó với làn sóng lây nhiễm ngày một tăng. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đã khuyến nghị tiêm mũi bổ sung vắc-xin cho tất cả người trưởng thành, trong đó ưu tiên những người trên 40 tuổi.

Ngoài ra, EMA ngày 25/11 cũng đưa ra khuyến nghị về việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi. Cụ thể, sau 2 tháng thử nghiệm lâm sàng, EMA đã ra thông báo về hiệu quả của vắc-xin Pfizer/BioNTech. Sản phẩm đã tạo ra phản ứng miễn dịch ở trẻ em trong nhóm tuổi từ 5 – 11, mà trước đó chỉ được sử dụng cho nhóm từ 12 – 17 tuổi.

Trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 11 sẽ tiêm 2 liều vắc-xin Pfizer/BioNTech (tên thương mại là Comirnaty) vào bắp tay, mỗi liều 10 microgram, cách nhau 3 tuần. Thông báo của Pfizer/BioNTech cho thấy, thử nghiệm lâm sàng đối với trẻ trong độ tuổi từ 5 – 11, vắc-xin Comirnaty có thể phát huy hiệu quả bảo vệ là 90,7%.

Ngoài ra, EMA cũng đang xem xét chấp thuận vắc-xin Moderna dùng cho trẻ em từ 6 tuổi. Nhà sản xuất đã nộp đơn lên cơ quan dược phẩm để chờ phê duyệt vào đầu tháng 11/2021.

Singapore thận trọng mở cửa để tránh nguy cơ tái bùng phát dịch

Ngày 24/11, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung cho rằng với tỷ lệ tiêm chủng phòng COVID-19 thuộc hàng cao nhất thế giới và mức độ miễn dịch tự nhiên ngày càng tăng, Singapore sẽ tránh được nguy cơ tái bùng phát dịch như ở châu Âu và Mỹ, cho dù dự kiến một làn sóng lây nhiễm mới.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg tại Hội nghị Cấp cao châu Á về Y tế toàn cầu, được tổ chức ở Hồng Kông, Bộ trưởng Ong cho biết đối với những người đã tiêm phòng COVID-19 tại Singapore, nguy cơ tử vong do bệnh dịch này chỉ bằng một nửa nguy cơ tử vong do cúm. Trong khi đó, đối với những người chưa tiêm phòng, nguy cơ tử vong cao gấp 5 lần. Điều này cho thấy COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu, miễn là đảm bảo được tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng.

Theo thống kê của Bloomberg, khoảng 85% dân số Singapore đã tiêm phòng đầy đủ ngừa COVID-19 và Singapore là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao thứ 3 trên thế giới. Bộ Y tế Singapore cho biết khoảng 94% người dân đủ điều kiện tiêm chủng ở nước này đã thực hiện tiêm phòng và 25% đã tiêm mũi bổ sung. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Ong tin rằng Singapore hoàn toàn có thể giữ số ca cần điều trị tích cực và tử vong ở mức thấp nhất có thể, tương tự ứng phó với một đợt dịch cúm. Kể cả khi có làn sóng lây nhiễm mới, Singapore vẫn đủ sức ứng phó trong khi các hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: