Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 6/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 400.000 ca mắc COVID-19 mới và 7.400 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 184.554.373 ca, trong đó có khoảng 3.987.656 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với COVID-19 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (62.504 ca), Ấn Độ (43.344) và Anh (28.773 ca); Ấn Độ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 743 ca), tiếp theo là Brazil (với 718 ca) và Nga (663 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.615.071 người, trong đó có 621.535 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.662.283  ca nhiễm, bao gồm 404.219 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ 3 với 18.855.015 ca bệnh và 526.892 ca tử vong.

Tính đến nay, có hơn 3,26 tỷ liều vắc-xin đã được sử dụng trên 180 quốc gia, theo dữ liệu do Bloomberg thu thập. Tỷ lệ mới nhất là khoảng 36,3 triệu liều tiêm một ngày. Tại Mỹ, 331 triệu liều đã được tiêm cho đến nay. Trong tuần trước, trung bình có 865,929 liều đã được tiêm mỗi ngày.

Tại Ấn Độ, quốc gia này đã tiêm hơn 300 triệu liều vắc-xin. Tờ Hindustand Times số ra ngày 6/7 đưa tin tính đến 19h ngày 5/7, Ấn Độ đã tiêm 357.105.461 liều vắc-xin COVID-19 cho người dân nước này ở khắp các bang và vùng lãnh thổ. Riêng trong ngày 5/7, Ấn Độ đã tiêm được 4.134.868 liều. Kể từ khi bắt đầu giai đoạn 3 của chương trình tiêm chủng đến nay, có 102.596.048 người trên cả nước đã được tiêm liều đầu tiên và 2.919.735 người đã được tiêm liều thứ 2.

Tại Anh, nước này quyết định nới lỏng hơn nữa các biện pháp chống dịch. Cụ thể, ngày 6/7, Anh thông báo kế hoạch sẽ nới lỏng hơn nữa các hạn chế chống dịch COVID-19 bất chấp cảnh báo rằng số ca mắc mới theo ngày có thể tăng lên tới mức 100.000 ca/ngày.

Theo đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết kể từ ngày 16/8 tới, những người trưởng thành đã hoàn thành 2 mũi tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 sẽ không cần tự cách ly nếu tiếp xúc gần với người nhiễm virus. Thay vào đó những người này chỉ cần tiến hành xét nghiệm và chỉ cách ly nếu có kết quả dương tính. Những quy định tương tự cũng sẽ áp dụng với những đối tượng dưới 18 tuổi, chưa được tiêm vắc-xin tại Anh. Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết quy định mới sẽ có hiệu lực trước khi học sinh được phép trở lại trường vào tháng 9, sau nhiều tháng đóng cửa hoàn toàn.

Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế, trong đó có cả việc bỏ đeo khẩu trang và giãn cách xã hội kể từ ngày 19/7, kêu gọi trách nhiệm cá nhân hơn là việc áp đặt sắc lệnh của chính phủ.

Tại Úc, giới chức kêu gọi sống chung với dịch bệnh. Ngày 6/7, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg kêu gọi chính phủ và người dân nước này cần làm quen với việc “sống chung với dịch bệnh COVID-19”.  Ông Frydenberg cho rằng Australia cần chuyển trọng tâm từ việc kiểm soát số ca nhiễm sang việc sống chung với virus corona, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng để giảm thiểu mối đe dọa thực sự là số ca bệnh nặng phải nhập viện và số ca tử vong. Ông Frydenberg nhấn mạnh người dân Australia cần làm quen với việc sống chung với COVID-19 vì hiện tại việc loại trừ hoàn toàn virus gây bệnh là không thể.

Nhận định trên của ông Frydenberg phù hợp với các ý kiến của Thủ tướng Australia Scott Morrison và Giám đốc Y tế Liên bang Paul Kelly đưa ra tuần trước, khi ông Morrison thông báo kế hoạch 4 giai đoạn phòng chống đại dịch dựa trên các ngưỡng tiêm chủng cần đạt được cho mỗi giai đoạn.

Ông Frydenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng trong việc sống chung với COVID-19, song không đưa ra một mốc thời gian cụ thể cho việc mở cửa trở lại biên giới quốc gia để đưa đất nước trở lại bình thường.

Tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo có 593 ca nhiễm mới, tiếp tục đà tăng trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa sẽ diễn ra Olympic và Paralympic Tokyo. Số ca bệnh trung bình trong một tuần tại Tokyo hiện là 602,3 ca/ngày, trên mức 500 ca/ngày mà chính phủ đánh giá là mức nguy hiểm thứ 4 trên thang đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh gồm 4 cấp độ.

Tại Nga, dịch vẫn diễn biến nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 23.378 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 5.658.672 người. Trong khi đó, số ca tử vong ghi nhận theo ngày cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay – 737 ca, đưa tổng số người không qua khỏi đại dịch lên 139.316 trường hợp.

Tại Chile, quốc gia thông báo sẽ gỡ bỏ lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô Santiago từ ngày 8/7, căn cứ trên sự chuyển biến tích cực của tình hình dịch bệnh tại đây. Theo đó, 28 thành phố và thị trấn của Chile sẽ triển khai thực hiện quy định giãn cách xã hội chỉ vào cuối tuần. Bộ trưởng Y tế Enrique Paris cho biết tỷ lệ ca dương tính với virus corona trên tổng các xét nghiệm ở khu vực thủ đô đã giảm còn 3,7%, trong khi số ca nhiễm mới liên tục giảm. Tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới 1.572.608 ca nhiễm, bao gồm 33.249 ca tử vong.

Tại Indonesia, Indonesia đã đề nghị một số quốc gia nhằm hỗ trợ nước này ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 vốn đang diễn biến phức tạp và khó lường hiện nay.

Ngày 6/7, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan cho biết đây là một phần trong kịch bản ứng phó với số ca mắc mới COVID-19 ở ngưỡng 40.000-70.000 ca/ngày. Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã gia tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid al-Fitr hồi tháng 5 vừa qua và sự xuất hiện của các biến thể mới. Số ca mắc mới hàng ngày đã liên tục lập đỉnh trong những tuần gần đây. Ngày 6/7, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 31.189 ca mắc mới và 728 ca tử vong, đều là mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây gần một năm rưỡi. Tới nay, số ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở Indonesia lần lượt là 2.345.018 ca và 61.868 ca.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: