Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 6/5, thế giới ghi nhận thêm khoảng 465.000 ca mắc COVID-19 mới và 1.700 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 455.624.304 ca, trong đó có khoảng 5.700.279 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Debora Himawan/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (86.026 ca), Mỹ (49.615 ca) và Ý (43.947 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (258 ca), Anh (228 ca) và Mỹ (141 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30,5 triệu ca mắc và trên 664.000 ca tử vong.

Úc thử nghiệm tiêm mũi ngừa COVID-19 bổ sung liều thấp

Một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với tiêm mũi vắc-xin ngừa COVID-19 bổ sung với liều lượng thấp quy mô toàn cầu chuẩn bị được triển khai ở bang Victoria của Úc. Cuộc thử nghiệm này nhằm củng cố hệ miễn dịch, giúp giảm các tác dụng phụ và đảm bảo nguồn cung vắc-xin dồi dào.

Theo kế hoạch, sẽ có 3.800 tình nguyện viên từ các nước Úc, Indonesia, Mông Cổ tham gia chương trình thử nghiệm mũi bổ sung liều thấp quy mô lớn này. Trong khi đó, theo thông báo ra ngày 6/5 của Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch (MCRI), cuộc thử nghiệm sắp diễn ra này sẽ có sự tham gia của 800 tình nguyện viên tại bang Victoria.

Đại diện của MCRI cho biết chương trình này sẽ tiêm vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech với liều lượng 15 microgram, giảm một nửa so với liều lượng ban đầu là 30 microgram. Đối với vắc-xin của hãng Moderna, liều lượng sẽ là 20 microgram thay vì 50 microgram. Sau khi tiêm chủng, những tình nguyện viên buộc phải thực hiện xét nghiệm máu 4 lần nhằm đánh giá mức độ kháng thể. Toàn bộ kết quả xét nghiệm sẽ được đăng tải trên hệ thống theo dõi trực tuyến trong 7 ngày và những người tham gia sẽ nhận được các cuộc gọi để tư vấn về các phản ứng phụ mà họ gặp phải.

Giáo sư Kim Mulholland, phụ trách chương trình thử nghiệm, khẳng định tầm quan trọng của chương trình trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tình trạng hệ miễn dịch suy giảm theo thời gian. Ông nhấn mạnh cuộc thử nghiệm này sẽ đánh giá cách thức tốt nhất để tiêm các mũi bổ sung cho người dân và khoảng cách giữa các mũi bổ sung sau này. Giáo sư Mulholland nói thêm cuộc thử nghiệm này không chỉ cho phép các nước đảm bảo nguồn cung vắc-xin và giảm chi phí, mà còn có thể hiểu hơn về các phản ứng phụ trong trường hợp tiêm liều lượng thấp. Chương trình thử nghiệm của MCRI cũng sẽ đánh giá liệu mũi tiêm vắc-xin cơ bản và mũi vắc-xin bổ sung của 2 hãng khác nhau có tạo ra kháng thể mạnh hơn hay không.

Dự án thử nghiệm trên nhận được sự tài trợ của Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) với số tiền 12,3 triệu AUD (khoảng 8,8 triệu USD).

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc giảm xuống mức 20.000

Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận ngày 6/5 tại Hàn Quốc đã giảm xuống mức 20.000 ca, so với mức trên 40.000 ca một ngày trước đó, trong bối cảnh nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế để tiến tới trở lại trạng thái bình thường trước khi dịch bùng phát.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo nước này có thêm 26.714 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 28 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc lên 17.464.782 ca. Con số này giảm đáng kể so với 42.296 ca mắc mới ghi nhận ngày 5/5 và 50.556 ca một tuần trước. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 48 ca tử vong do COVID-19, nâng số bệnh nhân không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 23.206 người. Tỷ lệ tử vong là 0,13%.

Tính đến ngày 6/5, đã có 44,55 triệu người tại Hàn Quốc, tương đương 86,8% dân số, đã tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa COVID-19 và 33,16 triệu người đã tiêm mũi 3, trong khi 2,6 triệu người đã tiêm mũi 4.

Indonesia xem xét chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu

Chính phủ Indonesia cho biết sẽ xem xét chuyển từ giai đoạn đại dịch COVID-19 sang giai đoạn bệnh đặc hữu dựa vào kết quả đánh giá tình hình dịch bệnh trong kỳ nghỉ lễ kéo dài Eid Al-Fitr kết thúc ngày 8/5 tới.

Thông tin trên được ông Abraham Wirotomo – quan chức Văn phòng Tham mưu Tổng thống, đưa ra sau khi chính phủ nước này thông báo đã chuẩn bị các kế hoạch để chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh dịch đặc hữu.

Phát biểu họp báo, ông Abraham cho biết Chính phủ Indonesia sẽ chờ đánh giá về tình hình dịch bệnh một vài tuần sau lễ Eid Al-Fitr. Ông bày tỏ hy vọng số ca mắc mới của Indonesia sẽ không gia tăng như ở các quốc gia khác.

Ông Abraham cho biết đại dịch COVID-19 ở Indonesia đã nằm trong tầm kiểm soát 7 tuần qua, với tỷ lệ lây nhiễm (Rt) ở dưới mức 1 và số ca mắc mới liên tục giảm. Riêng trong ngày 6/5, Indonesia chỉ ghi nhận 245 ca mắc mới và 17 ca tử vong.

Phan Anh (tổng hợp)

Cảnh sát và nhân viên phòng dịch Thượng Hải đạp vỡ cửa nhà dân, buộc họ vào trung tâm cách ly