Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã có thời gian dài duy trì quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ và ủng hộ Hoa Kỳ tại những thời điểm quan trọng trong lịch sử của nước này.

Putin 9 5 2025
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp với Tổng thống Ai Cập (không có mặt trong bức ảnh này) tại Điện Kremlin ở Moskva vào ngày 9 tháng 5 năm 2025. (Ảnh: YURI KOCHETKOV / POOL / AFP via Getty Images)

Trong cuộc phỏng vấn với ký giả Pavel Zarubin, đoạn clip được công bố hôm Chủ Nhật (6/7), Tổng thống Putin đã đưa ra quan điểm lạc quan về mối quan hệ lâu dài giữa Nga và Hoa Kỳ bất chấp những căng thẳng gần đây về cuộc chiến tranh ở Ukraine.

“Nhân tiện, đối với châu Mỹ, chúng tôi đã có…một khoảng thời gian rất lâu dài, mối quan hệ rất hữu nghị và đặc biệt là với Hoa Kỳ”, ông Putin nói.

Ông Putin chỉ ra sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thoát khỏi sự cai trị của Anh trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ từ năm 1775 đến năm 1783. “Chúng tôi thực sự đã cung cấp cho họ, thậm chí cung cấp vũ khí, giúp đỡ về tiền bạc, v.v.” ông Putin nói. 

Ông Putin cũng nhắc đến sự liên kết của Nga với Liên bang trong Nội chiến Hoa Kỳ 1861-1865. “Sau đó, chúng tôi đã hỗ trợ miền Bắc trong cuộc chiến giữa miền Bắc và miền Nam”, ông Putin nói, đồng thời nói thêm rằng, “Và theo nghĩa này, chúng tôi đã tìm thấy điều gì đó liên kết chúng tôi lại”.

Những bình luận này được đưa ra khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang tìm cách làm trung gian chấm dứt xung đột Ukraine. Moskva và Washington cũng đã đang tìm cách hàn gắn mối quan hệ vốn đã bị rớt xuống mức thấp kỷ lục dưới thời chính quyền Biden.

Mặc dù có những giai đoạn kình địch, lịch sử giữa Nga và Hoa Kỳ vẫn rải rác những khoảnh khắc hợp tác đáng chú ý. Ngoài những trường hợp được Tổng thống Putin đề cập đến, hai quốc gia đã tham gia vào hợp tác kinh tế sôi động vào những năm 1930, giúp Liên Xô công nghiệp hóa trong khi hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang chao đảo vì cuộc Đại Suy Thoái.

Sau đó, hai quốc gia này trở thành đồng minh thời chiến trong Đệ Nhị Thế chiến, chống lại Đức Quốc xã và phối hợp theo chương trình Cho thuê-Cho mượn, trong đó Washington vận chuyển một lượng lớn vũ khí và vật tư tới Moskva.

Trong khi Chiến tranh Lạnh mở ra nhiều thập niên căng thẳng, lên đến đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, thì Hoa Kỳ và Liên Xô vẫn đàm phán được các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt nhằm giảm thiểu mối đe dọa chiến tranh hạt nhân.

Hân Nhi, theo RT