Ông Lý Nhuệ (Li Rui), một cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc và là nhà phê bình nổi tiếng chế độ Bắc Kinh (qua đời năm 2019 ở tuổi 101), từng giữ một số chức vụ quan trọng trong chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có một thời gian dài là thư ký riêng của ông Mao Trạch Đông. Từ năm 1946 đến năm 2018, ông Lý Nhuệ đã lưu giữ những cuốn nhật ký viết tay, ghi lại những trải nghiệm và quan sát của mình trong suốt 70 năm cầm quyền của ĐCSTQ. Các ghi chép này của ông có thể thách thức tường thuật chính thức về lịch sử ĐCSTQ.

Ly Nhue
Ông Lý Nhuệ (Ảnh: Getty Images)

Với tư cách là một quan chức cấp cao, ông Lý Nhuệ đã chứng kiến ​​tận mắt những giai đoạn lịch sử mà ĐCSTQ không muốn công khai – từ các cuộc đấu tranh nội bộ và những sai lầm về chính sách, cho đến cuộc đàn áp đẫm máu ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Những lịch sử này mâu thuẫn với tường thuật chính thức về sự trỗi dậy của Trung Quốc từ một nước nghèo, bị cô lập trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một phiên tòa bắt đầu tại California hôm 19/8 sẽ quyết định, liệu nhật ký của ông Lý Nhuệ có nên được giữ lại tại Viện Hoover của Đại học Stanford, nơi con gái ông đã tặng chúng, hay được trả lại cho người vợ góa của ông. Người góa phụ này bị cáo buộc là tay sai của chính quyền Trung Quốc, và ĐCSTQ rất có thể sẽ tiến hành thẩm tra đối với những cuốn nhật ký này.

Ông Joseph Torigian, một nhà nghiên cứu tại Viện Hoover, cho biết: “Những cuốn nhật ký và giấy tờ cá nhân này được đóng gói trong hàng chục chiếc hộp, và ghi lại mọi thứ từ những ngày đầu của cuộc cách mạng, cho đến những gì từng trải khi ông Lý Nhuệ giữ chức thư ký của Chủ tịch Mao.”

Rất ít quan chức hàng đầu của ĐCSTQ lưu giữ những cuốn nhật ký chi tiết như vậy, đặc biệt là sau Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960 và 1970, khi chúng thường được sử dụng làm bằng chứng về đàn áp chính trị.

Ông Torigian, đồng thời cũng là trợ lý giáo sư tại Trường Dịch vụ Quốc tế của Đại học Mỹ, cho biết thêm: “Nghiên cứu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là rất khó, vì đây là một chế độ độc tài, và những câu chuyện khác nhau về quá khứ của nước này được coi là mối đe dọa đối với an ninh của chế độ, khiến họ cực kỳ nghiêm ngặt trong việc quản lý lịch sử”.

Đại học Stanford cho biết, ông Lý Nhuệ đã chỉ thị cho con gái Lý Nam Ương (Li Nanyang) tặng nhật ký cho Viện Hoover, nơi nổi tiếng với kho lưu trữ phong phú về lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Ông lo ngại các tài liệu này có thể bị chính quyền ĐCSTQ tiêu hủy, đặc biệt khi ông chứng kiến ​​sự gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến ​​dưới thời ông Tập Cận Bình.

Bà Lý Nam Ương là một nhà phê bình thẳng thắn đối với ĐCSTQ, hiện bà sống ở Mỹ. Bà đã mang hầu hết nhật ký ra khỏi Trung Quốc vào năm 2017, và tặng chúng cho các quan chức tại Viện Hoover vài ngày trước khi bố bà qua đời vào năm 2019. Khi đó bà tin rằng bố mình sẽ không vì thế mà bị trả thù.

id14317035 leeny
Vào ngày 20/8/2024, bà Lý Nam Ương (trái) xuất hiện với tư cách nhân chứng vào ngày thứ hai của phiên tòa xét xử vụ sở hữu cuốn nhật ký của ông Lý Nhuệ tại Tòa án Liên bang Oakland. (Ảnh: Xue Mingzhu / Epoch Times)

Không lâu sau đó, người vợ thứ hai của ông Lý Nhuệ là bà Trương Ngọc Trân (Zhang Yuzhen), đã đệ đơn kiện yêu cầu trả lại cuốn nhật ký gốc. Bà nói rằng những nhật ký này thuộc về bà. Luật sư của bà lập luận rằng trong cuốn nhật ký có chứa thông tin rất riêng tư về mối quan hệ của bà với ông Lý Nhuệ, xâm phạm quyền riêng tư của bà và khiến bà đau khổ về mặt tinh thần.

Một tòa án ở Bắc Kinh đã ra phán quyết có lợi cho bà Trương Ngọc Trân, nhưng phía Đại học Stanford cho biết phán quyết này không thể thi hành được, vì họ không có cơ hội ra hầu tòa để tự bào chữa. Đáp lại, Đại học Stanford đã kiện bà Trương Ngọc Trân ở California.

Luật sư của cả hai bên cho biết, chủ trương của họ được ủng hộ bởi những bình luận mà ông Lý Nhuệ đưa ra trong nhật ký và trong các cuộc phỏng vấn, những bình luận này liên quan đến việc ông hy vọng làm thế nào để xử lý tác phẩm của mình và cả việc ai sẽ đại diện ông.

Tuy nhiên, vì bà Trương đã hơn 90 tuổi nên một số người đặt câu hỏi liệu vụ kiện có phải là xuất phát từ ý nguyện của chính bản thân bà hay không.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, người thường xuyên gặp bà Lý Nam Ương, cho biết: “Bà ấy (Trương Ngọc Trân) không thể nào kiếm được lợi ích từ việc kiện tụng hoặc đòi lại nhật ký”.

Ông nói, chỉ có ĐCSTQ mới có “nguồn lực, kinh phí và ý chí chính trị để thúc đẩy việc này”.

Luật sư của bà Trương khẳng định bà hành động một mình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận vào thứ Sáu (ngày 23/8).

Giáo sư Phùng và những người khác lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể hạn chế nghiêm ngặt quyền truy cập vào nhật ký của ông Lý Nhuệ. Ông Lý Nhuệ từ lâu đã chỉ trích các lãnh đạo và chính sách của ĐCSTQ, và sách của ông đã bị cấm xuất bản ở Trung Quốc vào năm 2006.

Ông Lý Nhuệ gia nhập ĐCSTQ năm 1937, khi mới 20 tuổi. Năm 1949, ĐCSTQ đánh bại Chính phủ Quốc dân đảng trong cuộc nội chiến và nắm quyền. Đến năm 1958, ông trở thành thư ký riêng của Mao Trạch Đông.

Nhưng năm sau, ông bị khai trừ khỏi đảng vì chỉ tríchĐại nhảy vọt”. “Đại nhảy vọt” là một phong trào công nghiệp hóa do Mao Trạch Đông thúc đẩy, khiến khoảng 30 đến 40 triệu người chết đói trong 3 năm. Trong 20 năm lưu vong, ông Lý Nhuệ bị giam trong trại cải tạo lao động và bị biệt giam trong 8 năm.

Sau đó, ông được phục hồi trở thành đảng viên. Năm 1979, ba năm sau cái chết của Mao Trạch Đông, ông Lý Nhuệ trở lại hàng ngũ cao nhất của đảng. Vào những năm 1980, ông làm việc trong Ban Tổ chức đầy quyền lực của ĐCSTQ, cơ quan bổ nhiệm và đề bạt các quan chức cấp cao.

Ông Lý Nhuệ cũng chỉ trích mạnh mẽ cuộc đàn áp đẫm máu của Chính phủ ĐCSTQ đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989. Từ ban công căn hộ của mình ở Bắc Kinh, ông đã chứng kiến ​​binh lính bắn vào những người biểu tình trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn, ông mô tả sự kiện này là “ngày cuối tuần đen tối”.

Ông Torigian cho biết, nhật ký của ông Lý Nhuệ đã tiết lộ “những gì ông và nhiều nhà cách mạng cấp cao khác đang suy nghĩ trong cuộc khủng hoảng đó”, ĐCSTQ cấm thảo luận công khai về vấn đề này. Trong những năm cuối đời, ông Lý Nhuệ là lãnh đạo của một nhóm trí thức cấp cao ủng hộ cải cách ở Bắc Kinh, và “trong sách (nhật ký) cũng ghi lại chi tiết về những tương tác của ông với những người này,” ông Torigian nói. 

Ông nói thêm: “Do đó, phạm vi rộng và chi tiết thực tế của những cuốn nhật ký này thực sự chưa từng có đối với việc nghiên cứu về chính trị và ĐCSTQ”.

Mắc dù Viện Hoover đã quét (scan) các bản sao của cuốn nhật ký, nhưng các nhà lưu trữ và sử học tin rằng việc bảo tồn tài liệu gốc cũng quan trọng không kém, vừa để nghiên cứu vừa để đảm bảo tính xác thực của các bản scan.

Ông Perry Link, một nhà Hán học và giáo sư danh dự về nghiên cứu Đông Á tại Đại học Princeton, đã làm chứng tại phiên tòa tuần trước: “ĐCSTQ có truyền thống giả mạo các tài liệu lịch sử để phù hợp với câu chuyện lý tưởng của họ”.

Nếu các học giả công bố nghiên cứu dựa trên bản sao của Viện Hoover, nhưng bản gốc ở Bắc Kinh, “Chính phủ Trung Quốc có thể tuyên bố, ‘Không, kết luận của bạn sai vì bạn đang nghiên cứu dựa trên tài liệu sai. Chúng tôi có bản gốc và không phải là đã được ghi chép như thế,’” ông Link nói.

Ông nói, nếu sở hữu các bản gốc, lãnh đạo ĐCSTQ có thể phát hành chúng một cách có chọn lọc để hỗ trợ cho câu chuyện ưa thích của họ, “và thậm chí có thể giả mạo nội dung của cuốn nhật ký”. Ông nói rằng “Họ (ĐCSTQ) đã từng làm như thế trước đây”.

Tóm tắt bối cảnh vụ kiện quyền sở hữu nhật ký của ông Lý Nhuệ

Bà Lý Nam Ương, con gái của ông Lý Nhuệ, đã tặng nhật ký, thư từ và ghi chú công việc, trong thời gian diễn ra Hội nghị Lư Sơn (từ 2/7/1959 – 16/8/1959) và tham gia Cải cách Ruộng đất, của ông Lý Nhuệ cho Viện Hoover của Đại học Stanford. Nhật ký của Lý Nhuệ ghi lại chi tiết lịch sử của ĐCSTQ mà ông đích thân trải qua từ năm 1935 đến năm 2018, với nội dung hơn 10 triệu chữ.

Ngày 16/2/2019, ông Lý Nhuệ qua đời tại Bắc Kinh.

Vào ngày 21/3, luật sư của bà Trương Ngọc Trân đã gửi thư đến Đại học Stanford tuyên bố rằng bà sở hữu các cuốn nhật ký và yêu cầu trả lại chúng. Vào ngày 2/4, bà Trương Ngọc Trân đã đệ đơn kiện lên Tòa án quận Tây Thành của Bắc Kinh. Vụ án được xét xử vào ngày 25/6. Cuối cùng, tòa án của ĐCSTQ đã ra phán quyết rằng bà Lý Nam Ương phải trả lại các bản gốc. Vào tháng 5 cùng năm, Đại học Stanford đã đệ đơn kiện ngược lại ở California, yêu cầu thu hồi lại chủ trương quyền sở hữu các cuốn nhật ký đối với bà Trương Ngọc Trân.

Vào ngày 12/7/2019, Thư viện và Lưu trữ của Viện Hoover đã mở “Nhật ký của Lý Nhuệ” cho công chúng và đưa ra thông báo: Thông tin của ông Lý Nhuệ bao gồm thư từ, nhật ký, biên bản cuộc họp, ghi chú công việc, bài thơ, ấn phẩm và ảnh có liên quan chặt chẽ đến các chính sách lớn của Trung Quốc, và cung cấp cách tư duy độc đáo để nhìn thấu Chính phủ Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông đến nay.

Trí Đạt (t/h)