Trinh sát cơ Mỹ tiếp cận Thượng Hải trong khi căng thẳng Trung – Mỹ leo thang
Trong bối cảnh căng thẳng giữa hai quốc gia đang leo thang sau vụ việc “ăn miếng trả miếng” với quyết định đóng cửa các Lãnh sự quán, các máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ lại một lần nữa tiếp cận Trung Quốc Đại Lục, trong đó một chiếc chỉ cách Thượng Hải chưa đầy 100km.
Theo Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), một tổ chức nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh cho biết một máy bay săn ngầm P-8A và một máy bay trinh sát EP-3E đã tiến vào Eo biển Đài Loan, áp sát bờ biển Chiết Giang và Phúc Kiến vào hôm Chủ nhật vừa rồi.
Viện này lần đầu tiên đưa tin về vụ việc trên Twitter vào sáng Chủ nhật, sau đó nói thêm rằng chiếc máy bay trinh sát đã bay về lại sau khi tiếp cận Phúc Kiến và khu vực phía nam Eo biển Đài Loan.
Cũng trong tối Chủ nhật cùng ngày, họ lại tiếp tục đăng trên Twitter, nói rằng máy bay Hải quân Hoa Kỳ P-8A đang hoạt động gần Thượng Hải cùng chiến hạm USS Rafael Peralta, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường, di chuyển trên một lộ tuyến tương tự với các máy bay chiến đấu. Các nhà nghiên cứu chính sách nghi ngờ: “Liệu đây có phải là một động thái kết hợp?”
Theo biểu đồ từ cơ quan nghiên cứu này, máy bay săn ngầm P-8A áp sát Thượng Hải trong vòng bán kính 76,5km, cự ly gần nhất trong số các máy bay của Hoa Kỳ đã tiếp cận Trung Quốc Đại Lục những năm gần đây. Trong khi đó, một chiếc máy bay khác đã tiến đến bờ biển phía nam Phúc Kiến trong vòng 106km.
Tuy nhiên vào cuối buổi chiều hôm đó, SCSPI đã “tweet” lại, nói rằng một chiếc EP-3E đang tiến hành trinh sát cận cảnh Quảng Đông, cách bờ biển chưa đầy 100km.
Kế hoạch cho phép máy bay săn ngầm P-8A tiếp cận Thượng Hải được đưa ra sau khi Bắc Kinh ra lệnh cho lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô đóng cửa trước 10 giờ sáng thứ Hai để đáp trả việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vào tuần trước.
Các sự kiện đóng cửa này là những động thái gần đây nhất trong một loạt các cuộc đối đầu giữa hai quốc gia, từ các lĩnh vực như thương mại và công nghệ đến ngoại giao và Biển Đông.
Hôm thứ Năm, SCSPI đã tung ra một bản ghi âm bị nhiễu, nội dung có vẻ như là một lời cảnh báo từ Hải quan Trung Quốc gửi đến một máy bay quân sự Hoa Kỳ, yêu cầu họ phải thay đổi hướng bay nếu không sẽ bị đánh chặn. Think tank này cho biết băng ghi âm đã được thâu bởi một đơn vị phát thanh nghiệp dư trong buổi sáng cùng ngày.
Hiện vẫn chưa rõ cụ thể máy bay nào có liên quan đến sự việc nhưng nó được cho là đang bay sát bờ biển phía nam Trung Quốc, phía bắc Eo biển Đài Loan. Cũng không rõ liệu đã có một cuộc chạm trán trên không sau đó hay không.
Theo SCSPI, trong tuần qua các máy bay giám sát E-8C của không quân Mỹ đã bốn lần tiếp cận bờ biển phía đông nam của tỉnh Quảng Đông trong phạm vi 185km hoặc ngắn hơn.
Hiện tại, mỗi ngày quân đội Hoa Kỳ đang gửi 3 đến 5 máy bay trinh sát đến khu vực Biển Đông. Tổ chức nghiên cứu này cho biết thêm kể từ tháng Tư, các máy bay quân sự Hoa Kỳ đã đến gần không phận Đại Lục nhiều lần:
“Trong nửa đầu năm 2020, với tần suất cao hơn, khoảng cách gần hơn và nhiều sứ mệnh hơn, trinh sát trên không của Hoa Kỳ ở Biển Đông đã bước vào một giai đoạn mới.”
Theo thống kê của SCSPI, Hoa Kỳ đã lập kỷ lục với 50 loại máy bay xuất hiện trên Biển Đông trong tuần đầu tiên của tháng Bảy – thời điểm lực lượng vũ trang quân đội của cả hai nước đang tiến hành tập trận.
Giám đốc SCSPI, ông Hu Bo cho biết, những cuộc chạm trán thường xuyên giữa tàu và máy bay của Mỹ và Trung Quốc làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ. Tuy nhiên ông cũng nói rằng khả năng việc này sẽ leo thang thành một cuộc xung đột quy mô lớn là rất nhỏ.
Năm 2001, một máy bay tình báo của hải quân Hoa Kỳ đã va chạm trên không với một máy bay đánh chặn của Trung Quốc gần tỉnh Hải Nam, khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng.
24 thành viên phi hành đoàn Mỹ đã bị chính quyền Đại Lục giam giữ và thẩm vấn cho đến khi chính phủ Hoa Kỳ đưa ra một tuyên bố mơ hồ nhằm xoa dịu căng thẳng.
Ông Hu cho biết: “Mặc dù Hoa Kỳ đã cố gắng tách rời với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, nhưng hai bên vẫn còn các mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, khả năng xảy ra một cuộc xung đột quy mô lớn là không cao. Nhưng một cuộc đụng độ quy mô vừa hoặc nhỏ là điều có thể xảy ra, chẳng hạn như hai tàu chiến bắn chéo hoặc va vào nhau, vì tàu chiến và máy bay của quân đội hai nước đụng nhau mỗi ngày.”
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin rằng các quân đoàn không quân thuộc một lữ đoàn hải quân hiện đang thực hiện các cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông trong khi một cuộc tập trận kéo dài 9 ngày cũng đang được tổ chức ngoài khơi bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông.
Hoàng Thu (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa biển Đông Quan hệ Mỹ - Trung Dòng sự kiện căng thẳng biển Đông