Trump sẽ ra lệnh hành pháp chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh
- Tân Bình
- •
Trả lời phỏng vấn tờ Axios tuần này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã hứa sẽ chấm dứt việc tự động cấp quyền công dân Mỹ cho trẻ sơ sinh của di dân bất hợp pháp. Ông Trump dự định sẽ ban hành lệnh hành pháp để chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh, trước nay vẫn được thực hiện theo quy định trong Tu chính án 14 – Hiến pháp Hoa Kỳ.
Trong cuộc phỏng vấn với trang tin Aixos hôm thứ Ba (30/10), ông Trump đã thông báo ông sẽ thúc đẩy thay đổi chính sách quốc tịch để chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh bằng một lệnh hành pháp.
“Người ta luôn nói với tôi rằng ông cần sửa đổi tu chính án trong hiến pháp. Hãy đoán xem cái đó là gì? Không cần [sửa hiến pháp]’”, ông Trump nói.
Động thái này của ông Trump là nỗ lực để hoàn thành lời hứa tranh cử tuyên bố năm 2016 rằng ông sẽ chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh.
“Chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới mà một người tới đất nước chúng ta và sinh em bé và em bé này trở thành công dân Mỹ… với tất cả quyền lợi. Điều đó thật nực cười. Điều đó thật nực cười. Và điều đó phải chấm dứt”, ông Trump nói với Axios.
Theo NumbersUSA, một tổ chức bất vụ lợi và phi đảng phái, cho biết trong số gần 200 quốc gia trên thế giới, có 30 quốc gia cấp quyền công dân cho những đứa bé sinh ra bên trong biên giới của họ. Nhưng trong số những quốc gia phát triển với nền kinh tế vững mạnh và một thể chế dân chủ lâu đời thì chỉ còn Mỹ và Canada áp dụng quyền công dân dựa trên nơi sinh, trong khi những quốc gia như Đức, Anh, Pháp và Úc – những nước trong quá khứ từng có chính sách di dân cởi mở – đều đã xóa bỏ quyền này.
Quyền công dân dựa trên nơi sinh được quy định trong Tu chính án 14 – Hiếp pháp Hoa Kỳ. Trong đó tuyên bố rằng “tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch ở Hoa Kỳ, và do đó nằm dưới quyền bảo vệ pháp lý [của Hoa Kỳ], là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang nơi họ cư trú”. Hầu hết đều giải thích Tu chính án này theo nghĩa rằng ngay cả những đứa trẻ của người di cư bất hợp pháp cũng được coi là công dân Mỹ nếu sinh ra trong biên giới nước Mỹ.
Được biết, Tu chính án 14 là một trong ba tu chính án nằm trong Đạo luật Tái thiết 1867 (Reconstruction Act of 1867) được đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ ngay sau khi cuộc Nội chiến chấm dứt nhằm bảo đảm quyền lợi cho người da đen. Những điểm chính yếu của ba tu chính án đó như sau: Tu chính án 13 bãi bỏ chế độ nô lệ, Tu chính án 14 công nhận quyền công dân đối với tất cả những người đã từng bị làm nô lệ, và Tu chính án 15 bảo đảm tất cả đàn ông da đen được quyền đi bầu cử (lúc đó phụ nữ chưa được hưởng quyền này).
Việc ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh đã nhận được sự ủng hộ của một số chính trị gia bảo thủ và các học giả luật. Những người này cho rằng trẻ em sinh ra tại Mỹ, nhưng là con của người di cư bất hợp pháp có thể bị từ chối quyền công dân.
Giáo sư luật John Eastman của Trường Đại học luật Chapman nói rằng Tu chính án 14 không trao quyền công dân mặc định cho mọi trẻ em sinh tại Mỹ và Tu chính án này đã bị áp dụng sai trong nhiều năm qua.
Ông Eastman cho biết cụm từ “và do đó nằm dưới quyền bảo vệ pháp lý [của Hoa Kỳ]” (and subject to the jurisdiction thereof) ban đầu được đề cập tới những người có trách nhiệm phạm lý đầy đủ tại Hoa Kỳ. Điều đó mở ra khả năng cho việc giải thích Tu chính án 14 theo hướng không tự động trao quyền công dân cho con sinh tại Mỹ của những người nhập cư bất hợp pháp.
Ông Eastman nói thêm rằng lệnh hành pháp của ông Trump để xử lý quyền công dân dựa trên nơi sinh chỉ “đơn giản là yêu cầu các cơ quan công quyền phải thực thi pháp luật đúng như nó được viết ra”.
“Nếu chúng ta phóng đại nghĩa của Tu chính án 14, chúng ta [chính là] tước bỏ Quốc hội quyền đưa ra phán quyết về chính sách nhập cư của chúng ta”, ông Eastman nói thêm.
Thực tế, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã cân nhắc về quyền công dân dựa trên nơi sinh từ hơn 100 năm trước, trong vụ án U.S v Wong Kim Ark (Hoàng Kim Đức) năm 1898. Tòa án sau đó đã ra phán quyết tuyên bố con trai của người nhập cư Trung Quốc sinh ra tại San Francisco là công dân Mỹ căn cứ theo Tu chính án 14.
Ông Hoàng Kim Đức trong vụ án nổi tiếng nêu trên sinh ra tại San Francisco khoảng năm 1871, là con của một cặp vợ chồng người Trung Quốc sống hợp pháp tại Mỹ. Trong một chuyến đi ra nước ngoài và khi trở về người ta đã từ chối không cho ông Hoàng nhập cảnh Mỹ dựa vào một đạo luật nhằm hạn chế di dân đến từ Trung Quốc và ngăn cấm di dân Trung Quốc trở thành công dân Mỹ, có tên gọi Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc (Chinese Exclusion Act). Ông Hoàng kiện chính phủ Mỹ đã từ chối quyền công dân của ông và Tối cao Pháp viện đã đứng về phía ông, căn cứ vào hoàn cảnh khi ông được sinh ra là con của cha mẹ là người ngoại quốc nhưng sinh sống như thường trú nhân tại Hoa Kỳ. Toà giải thích về ý nghĩa của một đoạn ngắn trong điều khoản quyền công dân và nói rằng một người sinh ra tại Hoa Kỳ là người được “nằm dưới quyền bảo vệ pháp lý” (subject to jurisdiction thereof) và đương nhiên được hưởng quyền công dân.
Từ kết quả của vụ kiện và lối giải thích như trên của Tối cao Pháp viện đã trở thành nền tảng về ý nghĩa quyền công dân dựa trên nơi sinh trong Tu chính án 14 và chính phủ Mỹ coi như công nhận với bất cứ ai được sinh ra tại Mỹ ở bất kỳ thời gian, không gian nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngoại trừ nếu cha mẹ là người thù địch với Hoa Kỳ hay là nhân viên ngoại giao của quốc gia khác.
Tuy nhiên, vụ án đó chỉ áp dụng cho trẻ em của người di cư đã được hưởng quy chế thường trú nhân, không phải là người di cư bất hợp pháp. Ông Eastman cho biết điều đó có nghĩa rằng Tối cao Pháp viện bây giờ cần phải tuyên bố rõ ràng hơn về vấn đề gây tranh cãi này.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 30/10 cũng đã đồng ý rằng việc áp dụng Tu chính án 14 cho những người di cư bất hợp pháp có thể vẫn là một vấn đề mở cần thảo luận thêm.
“Quyền công dân dựa trên nơi sinh cho trẻ em của người di nhập cư thường trú nhân theo Tu chính án 14 được áp dụng theo án lệ US v Hoàng Kim Đức. Vẫn có thảo luận giữa các chuyên gia luật về việc liệu quyền này có mở rộng cho trẻ em của người di cư bất hợp pháp hay không”, ông Grassley nói.
Ông Grassley cho rằng tranh cãi này phải do Quốc hội thảo luận và xem xét kỹ lưỡng chứ không thể giải quyết chỉ bằng lệnh hành pháp của Tổng thống Trump.
Nhưng, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham lại đồng tình với cách làm của vị tổng thống đương nhiệm.
Trong một tuyên bố mới đây, ông Graham cho hay: “Mỹ là một trong hai nước phát triển trên thế giới còn cấp quyền công dân dựa trên nơi sinh. Chính sách này là thỏi nam châm thu hút di dân bất hợp pháp, nằm ngoài xu thế của thế giới đã phát triển, và cần phải chấm dứt”.
Ông Graham nói rằng ông cũng đã có ý định giới thiệu ra quốc hội một dự luật tương tự như biện pháp của ông Trump.
Trong khi đó, nhiều người khác cho rằng dù ông Trump có ban hành lệnh hành pháp thì cũng bị Tối cao Pháp viện đình chỉ.
Ông Ilya Shapiro, chuyên gia của Viện Cato, cho biết: “Tôi không nhìn thấy bất kỳ phiếu bầu nào trong Tối cao Pháp viện ủng hộ cho việc duy trì một lệnh hành pháp kiểu như vậy”. Ông Shapiro nhấn mạnh rằng bất kỳ thay đổi nào đối với vấn đề quyền công dân dựa trên nơi sinh phải được tiến hành thông qua sửa đổi hiến pháp hoặc luật, chứ không chỉ bằng một lệnh hành pháp.
Ông Omar Jadwat – lãnh đạo Dự án Quyền của người Nhập cư, thuộc Liên minh Tự do Công dân Mỹ cho hay: “Tổng thống không thể xóa bỏ Hiến pháp với một lệnh hành pháp và bảo vệ quyền quốc tịnh trong Tu chính án 14 là rõ ràng. Đây rõ ràng là một nỗ lực vi hiến nhằm gieo mầm mống chia rẽ và châm ngòi cho sự thù hận bài người nhập cư trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ”.
Tân Bình
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Nhập cư Mỹ Tu chính án 14