Trump, Trung Quốc và vấn đề Triều Tiên: Thời gian sắp hết
Tổng thống Donald Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Sáu 7/4 (thứ Năm 6/4 theo giờ Mỹ) trong một hội nghị thượng đỉnh kéo dài 24 giờ nhằm khởi động các cuộc thảo luận về các vấn đề quan trọng như thương mại và Bắc Triều Tiên.
Theo một quan chức cao cấp của Nhà Trắng, ông Trump được kỳ vọng sẽ gây áp lực lên ông Tập buộc phải có biện pháp cứng rắn hơn để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, có thể bằng cách dùng áp lực tài chính lên người hàng xóm thất thường của mình.
Quan chức này lập luận rằng mặc dù tầm ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên có thể đã giảm bớt, nhưng đòn bẩy kinh tế vẫn còn rất “đáng kể”, vì thương mại với Bắc Kinh chiếm tới 90% giá trị xuất nhập khẩu của Bình Nhưỡng.
Một quan chức cao cấp của Nhà Trắng nói với các phóng viên: “Tôi có thể nói với bạn rằng bây giờ là rất cấp bách, bởi chúng tôi cảm thấy thời gian đang rất rất nhanh sắp hết rồi. Tất cả phương án đều đã được đặt lên bàn cân”.
Những bình luận này đã được đưa ra ngay trước khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa vào vùng biển gần bán đảo Triều Tiên hôm thứ Ba 4/4. Bộ Ngoại giao Mỹ, trong một tuyên bố ngắn gọn và khó hiểu phản ứng ngay lập tức: “Bắc Hàn lại cho thử một tên lửa đạn đạo tầm trung khác. Hoa Kỳ đã nói quá đủ về họ rồi. Chúng tôi không có bình luận gì thêm“. Giới phân tích hoang mang về tuyên bố này của chính quyền Mỹ, không rõ đây có phải là đánh tín hiệu cho việc áp dụng các biện pháp phi đối thoại với mối đe dọa vũ trang Bắc Hàn hay không.
Trước đó vào cuối tuần trước, ông Trump cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times rằng chính quyền Mỹ sẽ có hành động đơn phương đối với Bình Nhưỡng nếu Trung Quốc vẫn không muốn hỗ trợ.
“Trung Quốc sẽ quyết định giúp chúng ta trong vấn đề Bắc Triều Tiên hoặc không. Nếu họ làm điều đó sẽ rất tốt cho Trung Quốc, và nếu họ không làm như vậy sẽ không tốt cho bất cứ ai.” Ông Trump nói.
Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Thư ký Bộ Quốc phòng John Kelly và Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster là những quan chức dự kiến sẽ tham dự các cuộc họp trong hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Trung Quốc, được tổ chức tại Mar-A -Lago, “Nhà Trắng mùa đông” của Tổng thống Trump ở Florida. Đệ nhất phu nhân Melania Trump cũng sẽ tham dự các cuộc gặp mặt này cùng với phu nhân của Chủ tịch Tập, bà Bành Lệ Viên.
Ông Trump, người đã vận động cam kết áp đặt mức thuế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nói với Financial Times rằng ông sẽ chưa đưa vấn đề thương mại ra trong cuộc họp lần này nhưng “có lẽ lần tới chúng tôi sẽ thảo luận về nó.”
Giới chức chính quyền nói với các phóng viên rằng sẽ không có kịch bản định trước cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo thế giới này, họ nói rằng thiết lập “một khuôn khổ cho các cuộc thảo luận thương mại và đấu tư” là mục tiêu chủ yếu của hội nghị lần này.
“Tổng thống Trump sẽ truyền tải thông điệp tới Chủ tịch Tập về tầm quan trọng của việc thiết lập một mối quan hệ kinh tế minh bạch, cân bằng và dựa trên nguyên tắc tương hỗ“. Quan chức cấp cao giấu tên cho biết thêm.
Mặc dù ông Trump khiến Bắc Kinh tức giận sau cuộc bầu cử khi nhận điện đàm của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, Nhà Trắng sau đó đã tái khẳng định cam kết đối với chính sách “Một Trung Quốc”, đã được áp dụng từ năm 1979. Để phù hợp với chính sách này, Hoa Kỳ chỉ duy trì quan hệ không chính thức với chính phủ Đài Loan.
Các quan chức cấp cao cũng tiết lộ với Reuters rằng ông Trump cũng sẽ nói về hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông trong cuộc thảo luận trực tiếp này.
Nhưng quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh rằng đây chỉ là cuộc nói chuyện sơ bộ và cảnh báo dư luận không nên dự đoán về bất kỳ một giải pháp ngay lập tức nào cho những khác biệt sâu sắc giữa hai bên.
Ông Trump hiện tại tỏ ra lạc quan hơn sau khi chỉ vài ngày trước còn đưa lên twitter rằng cuộc gặp của ông với Tập sẽ là “khó khăn”.
Trao đổi với tờ Financial Times, Tổng thống Mỹ nói: “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu chúng tôi làm được điều gì đó rất kịch tính và tốt cho cả hai nước và tôi hy vọng như vậy.”
Nhưng với việc Bình Nhưỡng lấn thêm một bước với mối đe dọa hạt nhân của mình, các tướng lĩnh Hoa Kỳ cho rằng sắp đến lúc chính quyền Trump có thể phải sử dụng sức mạnh chứ không chỉ đối thoại với Trung Quốc.
Tướng 4 sao Jack Keane, lựa chọn đầu tiên của Trump cho vị trí Bộ trưởng Quốc Phòng, nói với tờ Fox News ngay sau vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên rằng Hoa Kỳ có thể phải tấn công phủ đầu Bắc Hàn:
“Chúng ta đang nhanh chóng và hướng tới một thực tế nguy hiểm rằng quân sự là biện pháp duy nhất còn lại để buộc Bắc Hàn phi hạt nhân hóa và từ bỏ chương trình tên lửa xuyên lục địa”.
Tướng Kean thừa nhận phải tiến tới chiến tranh là điều chính quyền Trump không hề mong muốn, “nhưg chính quyền Trump không thể chấp nhận một vụ phóng [tên lửa] hạt nhân. Chúng ta không thể chỉ dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa để đẩy lùi nó, [khi họ tấn công chúng ta]. Chờ đội sẽ đẩy Mỹ vào ngy cơ bị tấn công hạt nhân. Do đó nếu nhận ra nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cận kề thì ngay lập tức tổng thống sẽ phải tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu.”
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Bắc Triều Tiên tên lửa hạt nhân