Trung Quốc 5 năm liên tiếp là quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới
- Theo China Digital Times
- •
Tổ chức phi chính phủ quốc tế Phóng viên Không Biên giới (RSF) tiết lộ trong một báo cáo mới công bố, rằng có tổng cộng 779 nhà báo bị bỏ tù trên khắp thế giới vào năm 2023, và Trung Quốc một lần nữa trở thành quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất, lên tới 121 người.
Phóng viên không biên giới: Tổng cộng 779 nhà báo bị bỏ tù trên toàn thế giới vào năm 2023, trong đó Trung Quốc đứng đầu thế giới
RSF xuất bản báo cáo thống kê có tổng cộng 779 nhà báo đã bị cầm tù trên khắp thế giới vào năm 2023, với mức án từ 1 tuần đến 20 năm, và 547 người trong số họ sẽ “đón năm mới” trong tù. Trung Quốc một lần nữa trở thành quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất, với 121 người.
RSF đã liên tục xuất bản các dữ liệu liên quan kể từ năm 2000. Họ cho biết “chỉ có các trường hợp phóng viên bị tử vong hoặc cầm tù mà RSF nhận định có liên quan đến hoạt động báo chí của phóng viên đó, thì mới được thêm vào danh sách”, hơn nữa những người trong danh sách đều sẽ được xác minh.
Các biên tập viên của China Digital Times đã xem xét dữ liệu hàng năm của RSF và kết hợp với số liệu thống kê từ một tổ chức phi chính phủ khác là Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists), và nhận thấy rằng Trung Quốc là quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới, ít nhất kể từ năm 2019.
Tuy nhiên, chỉ dựa trên dữ liệu của RSF, Trung Quốc đã vượt qua Syria kể từ năm 2016 để trở thành nhà tù lớn nhất thế giới dành cho các nhà báo, và liên tục giữ vị trí này cho đến hiện nay. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này không chỉ liên quan đến việc chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) tăng cường kiểm soát tin tức qua từng năm, mà một nguyên nhân quan trọng là vụ bắt giữ quy mô lớn các nhà báo Duy Ngô Nhĩ. Theo báo cáo “Bước thụt lùi lớn của ngành báo chí Trung Quốc“, do Phóng viên không biên giới công bố năm 2021, chính quyền Trung Quốc bắt đầu đàn áp người Duy Ngô Nhĩ dưới danh nghĩa “chống khủng bố” vào năm 2016. Năm 2021, khi báo cáo được công bố, “71 nhà báo người Duy Ngô Nhĩ đã bị đứng sau song sắt, chiếm hơn một nửa số nhà báo bị giam giữ ở Trung Quốc.”
RSF cũng cho biết, ngoài 121 nhà báo này, còn có 14 nhà báo bị giam giữ hơn 48 giờ vào năm 2023, nhưng đã được thả trước cuối năm.
Các quốc gia sau Trung Quốc là Myanmar (giam giữ 69 người), Belarus (39 người), Iran (21 người) và Thổ Nhĩ Kỳ (5 người).
Theo báo cáo, tại Việt Nam, Nga và Afghanistan cũng không có báo chí độc lập.
Việt Nam, Nga và Afghanistan bị liệt vào những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với các nhà báo. Ở Việt Nam, nơi truyền thông phải tuân theo mệnh lệnh của một đảng duy nhất, 43 nhà báo đã bị giam giữ ít nhất 48 giờ vào năm 2023 và 36 nhà báo hiện đang bị giam giữ. Trong số đó có 20 blogger như Nguyễn Lân Thắng, người bị kết án 8 năm tù vào tháng 4/2023 vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”.
Ông Christophe Deloire, Tổng thư ký Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, cho biết: “Như tên gọi, mọi nhà báo bị bỏ tù đều là nhà báo bị ngăn cản làm việc. Nhưng điều này cũng có nghĩa là khi một nhà báo sẽ bị đe dọa trong tương lai, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đồng nghiệp cũng cảm thấy bị đe dọa. Hậu quả là hàng triệu người có thể bị xâm phạm quyền báo chí và thông tin. Đằng sau những dữ liệu này là những bi kịch con người và sự trả thù chính trị. Tôi khâm phục lòng dũng cảm của những nhà báo này, bất kể giới tính của họ, họ dám ra mặt bất chấp những nguy hiểm do các chính phủ độc tài gây ra. Tôi cảm ơn nhóm Phóng viên Không Biên giới, đặc biệt là các nhà báo của chúng tôi ở hơn 130 quốc gia, vì đã làm mọi thứ có thể để họ (những người bị cầm tù) được thả.”
Mạng lưới ảnh hưởng của Trung Quốc đối với EU trải rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh doanh và học thuật
Vào cuối năm 2023, một bản tin đã gây náo động ở Bỉ và Châu Âu. Thông qua các cuộc điều tra, tờ Le Monde của Pháp và các phương tiện truyền thông quốc tế khác, đã điều tra và vạch trần vụ bê bối về một nghị sĩ cực hữu người Bỉ (tên là Frank Creyelman) đóng vai trò là người cung cấp thông tin cho lợi ích của Trung Quốc. Em trai của nghị sĩ này là ông Steven Creyelman, là nghị sĩ liên bang và từ lâu đã giữ chức chủ tịch Ủy ban mua sắm quân sự của Quốc hội Bỉ.
Vì Brussels, thủ đô của Bỉ, cũng là nơi đặt trụ sở chính của EU nên luôn được coi là “thủ đô trên thực tế” của EU, do đó vụ bê bối này cũng khiến dư luận chú ý đến việc Trung Quốc xâm nhập EU. Dự án nghiên cứu Trung Quốc “SINOPSIS” của tổ chức phi chính phủ AcaMedia đã công bố một báo cáo vào ngày 2/1 (xem báo cáo tại đây), giới thiệu và phân tích một cách có hệ thống mạng lưới ảnh hưởng của Trung Quốc tại Brussels, cho biết “cách các cơ quan của ĐCSTQ sử dụng các đặc vụ cấp thấp để bồi dưỡng những người liên quan đến lợi ích của ĐCSTQ ở Brussels”.
AcaMedia bắt đầu với Ủy ban Kinh tế và Thương mại Bỉ-Trung để khám phá mạng lưới ảnh hưởng của Trung Quốc tại Brussels. Báo cáo cho biết: “Các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ nhắm vào những người ra quyết định ở Liên minh Châu Âu và Brussels, Bỉ, lợi dụng vùng xám giữa ngoại giao và gián điệp để tránh sự giám sát của giới truyền thông và cơ quan thực thi pháp luật”.
Cơ quan này phát hiện ra rằng ủy ban thương mại này đang sử dụng các sự kiện kinh doanh để thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị. Điều này liên quan đến hai nút quan trọng là Ủy ban “Một vành đai, Một con đường” và Viện Châu Âu Brussels (BACES). Chính quyền Trung Quốc sử dụng Phòng Thương mại và sau đó thông qua hai nút này để cố gắng gây ảnh hưởng đến các thành viên của Nghị viện Châu Âu và Ủy ban Châu Âu, và cả cộng đồng học thuật Châu Âu.
Ví dụ, mặc dù Hans VAN DUYSEN (người Bỉ), là Chủ tịch Hiệp hội Bỉ-Trung Quốc, dường như tham gia vào các hoạt động trao đổi văn hóa, nhưng ông đã lên tiếng bênh vực Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, cho rằng sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông là hành vi “gây rối”.
Báo cáo chỉ ra rằng cấp trên của hiệp hội này là Hội đồng Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc (CCPIT), do chính quyền ĐCSTQ kiểm soát. Cơ quan này hợp tác với các cơ quan khác của Mặt trận Thống nhất, truyền thông nhà nước Trung Quốc, Viện Khổng Tử, Hiệp hội Hữu nghị với nước ngoài của Nhân dân Trung Quốc (CPAFFC) và Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc để hình thành một mạng lưới rộng khắp. Toàn cầu hóa và trao đổi quốc tế thông thường sẽ sản sinh ra nhiều tổ chức người nước ngoài, phòng thương mại, hiệp hội… Đây đều là những tổ chức địa phương phát triển tự phát và sự tồn tại của chúng là rất hợp lý. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh rằng các tổ chức này ở Trung Quốc hoàn toàn khác, họ là các tổ chức cắm rễ ở nước ngoài và do ĐCSTQ kiểm soát.
Báo cáo cũng đề cập rằng không phải tất cả các tổ chức đều có ảnh hưởng, ví dụ, Trung tâm Văn hóa Trung Quốc (BCA) ở Brussels thực sự là một cơ quan tuyên truyền của Chính quyền Trung Quốc, nhưng tầm ảnh hưởng của nó bị hạn chế do lượng khán giả mục tiêu địa phương tương đối nhỏ.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng tầm ảnh hưởng của các tổ chức này phụ thuộc vào các đối tác địa phương, các đối tác này dựa vào tư cách chuyên môn của họ để tác động đến mối quan hệ với Trung Quốc, như đưa ra kiến nghị chính sách cho chính phủ về vấn đề Trung Quốc, tác động đến đánh giá đầu tư và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào Trung Quốc, v.v. Lấy giới học thuật làm ví dụ, kiến thức chuyên môn của họ là nguồn gốc hợp pháp để các nước EU xây dựng chính sách đối với Trung Quốc. Là một quốc gia dân chủ, khi các chính phủ EU xây dựng chính sách, họ cần có sự hỗ trợ của các học giả và chuyên gia làm cơ sở, và các tổ chức này đã trở thành mục tiêu của Tổ chức Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ.
Ví dụ, mạng lưới Mặt trận Thống nhất Trung Quốc đã hợp tác với các tổ chức như College of Europe, một trường quan hệ quốc tế nổi tiếng và Viện Egmont, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại lớn của Bỉ. Tuy nhiên, mạng lưới này sau đó sẽ ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách của EU thông qua họ (các tổ chức hợp tác).
Cuối cùng, báo cáo nêu rõ rằng thông qua mạng lưới này, “bộ máy gây ảnh hưởng của Trung Quốc đang định hình các lựa chọn chính sách của châu Âu để phù hợp với mục tiêu của Trung Quốc, thúc đẩy lợi ích của các bên liên quan trong các lĩnh vực kinh doanh, học thuật, chính trị và các cơ quan công vụ của Brussels”.
Der Spiegel: Hoạt động gián điệp của Nga cùng lắm là một cơn bão, trong khi Trung Quốc mới là kẻ chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu
Sau khi xảy ra chiến tranh Nga – Ukraine, hoạt động gián điệp của Nga ở châu Âu ngay lập tức gây sự chú ý và bàn tán của người dân châu Âu, đồng thời trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Tuy nhiên, Der Spiegel đã đăng một bài báo đặc biệt cho rằng hoạt động gián điệp của Trung Quốc đáng sợ hơn, so với Trung Quốc thì hoạt động của Nga chỉ đơn giản là “múa rìu qua mắt thợ”.
Bài báo đặc biệt được viết bởi 10 nhà báo, biên tập viên và chuyên gia cấp cao, trong đó tuyên bố rằng “gián điệp từ Trung Quốc tiếp tục gia tăng về số lượng và độ tinh vi. Gián điệp mạng từ Trung Quốc không còn giới hạn ở các công ty thương mại mà hiện đang cố gắng gây ảnh hưởng về chính trị Đức, đồng thời theo dõi chặt chẽ những người bất đồng chính kiến và các dân tộc thiểu số”. Bài báo dẫn lời giám đốc của Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp Liên bang (Federal Office for the Protection of the Constitution), cơ quan an ninh nội bộ quan trọng nhất của Đức, “Nga là một cơn bão, còn Trung Quốc mới là kẻ gây ra vấn đề biến đổi khí hậu [dẫn đến cơn bão].”
Bài viết liệt kê nhiều cách mà ĐCSTQ gây ảnh hưởng đến Đức và EU, bao gồm kiểm soát kiều dân, bí mật xâm nhập các hệ thống mạng quan trọng, hoạt động gián điệp, tin tức giả, gia tăng đàn áp xuyên quốc gia và quấy rối những người chỉ trích ĐCSTQ.
Đầu tiên, báo cáo nêu rõ rằng nhờ những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số, Trung Quốc có thể mở rộng các phương pháp giám sát ra nước ngoài và kiểm soát công dân của mình ở nước ngoài. Bài báo trích dẫn dữ liệu và chỉ ra rằng Trung Quốc có tỷ lệ xâm nhập kỹ thuật số vào các quốc gia khác nhiều hơn 50% so với nước đứng thứ hai là Nga. Hơn nữa, “Các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc không còn giới hạn ở các công ty mà ngày càng nhắm vào các chính trị gia. Các nhà ngoại giao và đặc vụ tại các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc được cho là đang xây dựng một mạng lưới liên lạc rộng khắp nhằm cố gắng tiếp cận các dịch vụ của các Chính trị gia Đức đương nhiệm và tiền nhiệm.”
Báo cáo nêu rõ rằng “gián điệp mạng từ Trung Quốc lặng lẽ xâm nhập vào các hệ thống mà họ nhắm tới và tồn tại trong nhiều năm, đánh cắp thông tin nhạy cảm một cách chậm rãi và không gây chú ý.” Ví dụ, “Nhiều công ty niêm yết trên chỉ số chứng khoán blue-chip DAX của Đức đã trở thành mục tiêu tấn công mạng của Trung Quốc, như BASF và Daimler-Benz”.
Thứ hai, Trung Quốc cũng đã thành lập một tổ chức gián điệp khổng lồ. Bài báo dẫn lời Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội Anh nói rằng, cơ quan tình báo Trung Quốc “có hàng trăm nghìn đặc vụ làm việc toàn thời gian” và “gần như chắc chắn là cơ quan lớn nhất thế giới”. Báo cáo cũng đề cập rằng sinh viên quốc tế được Ủy ban Học bổng Trung Quốc (CSC) tài trợ phải “tuyên bố trung thành với Trung Quốc và ĐCSTQ bằng văn bản, duy trì liên lạc thường xuyên với đại sứ quán và tuân thủ mọi chỉ thị nhận được”.
Báo cáo chỉ ra rằng trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đánh cắp nhiều công nghệ và thông tin quan trọng, chẳng hạn như “thông tin của Mỹ về chương trình tàu con thoi, dữ liệu hạt giống của công ty Monsanto, email của Nhà Trắng và 614GB thông tin về tên lửa chống hạm siêu thanh, dữ liệu bí mật của công ty Apple về xe tự lái, dữ liệu nhạy cảm về hàng triệu công chức Mỹ,” v.v.
Cuối cùng, báo cáo cũng đề cập rằng Trung Quốc đã tăng cường đàn áp xuyên quốc gia. Báo cáo trích dẫn trải nghiệm của cô Su Yutong (Tô Vũ Đồng), một nhà báo công dân và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, làm ví dụ: “Cô nhận được những lời đe dọa tính mạng trên điện thoại di động của mình và nhận được xác nhận đặt phòng khách sạn dưới tên của cô ấy, nhưng cô ấy chưa bao giờ đặt phòng như vậy.” Trong một cuộc phỏng vấn với Der Spiegel mới đây, cô cho biết, có người đã đe dọa tính mạng cô trên mạng xã hội và dọa giết cả gia đình cô.
Những hoạt động như vậy thậm chí còn hướng tới các chính trị gia Đức. Chính trị gia người Đức Brand đã cảnh báo về sự gây hấn của Đảng Cộng sản đối với chương trình của đài truyền hình công cộng Đức ZDF vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, điện thoại của ông đột nhiên có biểu hiện lạ.
Vì vậy, bài viết này hy vọng sẽ khiến giới chính trị và người dân Đức chú ý hơn đến hành vi gián điệp của Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng cách vạch trần những nội dung liên quan.
Từ khóa nhà báo Phóng viên Không biên giới phóng viên bị bắt