Trung Quốc bỏ tù và đối xử tồi tệ với các nhà báo nhất thế giới năm 2023
- Anh Nguyễn
- •
Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) công bố thống kê hàng năm về số lượng các phóng viên bị bỏ tù. Trung Quốc là quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất và đối xử với họ tồi tệ nhất thế giới, theo sát là Myanmar, vị trí thứ ba là Belarus.
CPJ cho biết ba quốc gia hàng đầu này bắt giữ “hơn một phần ba số nhà báo bị giam giữ vào ngày thống kê”, tức là ngày 1 tháng 12. Trung Quốc đã bỏ tù 44 nhà báo, Myanmar là 43 người và Belarus là 28 người.
Báo cáo lưu ý rằng số liệu thực tế ở Trung Quốc thậm chí còn tệ hơn do kiểm duyệt chặt chẽ khiến khó xác định chính xác ai đã bị bỏ tù. Có thể thấy Bắc Kinh rõ ràng đang tiến hành “cuộc đàn áp truyền thông” trên diện rộng kể từ khi phong trào dân chủ Hồng Kông bị đàn áp năm 2019, và “luật an ninh quốc gia” năm 2020.
Các phương pháp của Trung Quốc thay đổi theo hướng buộc tội các nhà báo tội gián điệp hoặc lật đổ chính quyền, thay vì “truyền bá tin tức giả”. Báo cáo cho thấy 19 trong số 44 nhà báo bị cầm tù ở Trung Quốc là người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, nhóm người mà Trung Quốc đã tiến hành áp bức và diệt chủng ít nhất kể từ năm 2017.
Các nhà báo bị cầm tù ở Trung Quốc thường phải đối mặt với việc bị “giam giữ trước khi xét xử” kéo dài khiến họ bị giữ im lặng rất lâu trước khi có một ngày hầu tòa. Một ví dụ điển hình là nhà sáng lập nhật báo Apple Daily, ông Jimmy Lai, ông bị bỏ tù ở Hồng Kông gần 1.100 ngày trước khi “phiên tòa” bắt đầu. Ông Lai đã không nhận tội xúi giục nổi loạn và thông đồng với các thế lực nước ngoài.
Myanmar gần như ‘bắt kịp’ Trung Quốc với tư cách là nơi giam giữ các nhà báo, do cuộc chiến của chính quyền cầm quyền chống lại truyền thông độc lập. Belarus cũng bỏ tù phóng viên sau khi các cuộc biểu tình nổ ra về cuộc “tái tranh cử” mờ ám của nhà độc tài Alexander Lukashenko vào năm 2020.Ông Lukashenko cáo buộc các phóng viên xúi giục nổi loạn và buộc tội những người chống lại mình là “chủ nghĩa cực đoan”.
Nga và Việt Nam lọt vào top 5, Israel là một thành viên mới lọt vào top 10.
Báo cáo của CPJ viết: “Israel đã xuất hiện nhiều lần trong thống kê hàng năm, nhưng đây là số vụ bắt giữ nhà báo Palestine cao nhất kể từ khi CPJ ghi lại các vụ bắt giữ và lần đầu tiên Israel nằm trong top 6”.
CPJ khiếu nại về “tính chất khép kín” các thủ tục tố tụng pháp lý của Israel đối với các phóng viên Palestine, điều này “gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu của CPJ trong việc tìm hiểu các cáo buộc mà những nhà báo phải đối mặt”, vì vậy CPJ dựa vào nhận xét từ người thân của các nhà báo.
“Vị trí của Israel trong cuộc thống kê năm 2023 là bằng chứng cho thấy chuẩn mực dân chủ cơ bản – tự do báo chí – đang bị lung lay khi Israel tiến hành phương pháp hà khắc để bịt miệng các nhà báo Palestine. Hành vi này phải dừng lại”, giám đốc điều hành CPJ, bà Jodie Ginsberg cho biết.
Israel phản đối các cáo trên, nhấn mạnh rằng nhiều “phóng viên” bị bắt hoặc bị giết trong chiến dịch ở Gaza thực ra là các thành viên của Hamas hoặc Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ).
Nhà báo người Anh, David Collier cáo buộc CPJ truyền bá tuyên truyền của Hamas bằng cách chấp nhận danh sách “các nhà báo” từ tổ chức khủng bố “không liên quan đến việc thu thập hoặc đưa tin tin tức”.
Báo cáo thường niên của CJP cho biết Iran vẫn là một môi trường áp bức đối với các nhà báo, nhưng chế độ này đã bỏ tù ít người hơn; Châu Phi ngày càng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở các khu vực xung đột; và Nga trở nên hung hãn hơn trong việc “cố gắng hình sự hóa hoạt động báo chí ngoài biên giới của mình bằng cách ban hành lệnh bắt giữ và xử án tù vắng mặt”.
Ngoài số lượng nhà báo bị cầm tù, CPJ cũng xem xét chất lượng giam giữ và nhận thấy Trung Quốc, Myanmar, Belarus, Nga và Việt Nam tham gia nhiều nhất vào việc lạm dụng thể chất và tình dục tù nhân của họ. Những chính phủ trên giam giữ nhiều nhà báo có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong điều kiện khắc nghiệt.
Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn là môi trường thù địch với báo chí đối lập. CPJ cũng cho biết họ lo ngại về quyền tự do báo chí ở Ấn Độ trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay.
“Khắp thế giới đang tiến đến một thời điểm quan trọng. Chúng ta cần chấm dứt việc vũ khí hóa các luật ngăn chặn việc đưa tin và đảm bảo các nhà báo được tự do đưa tin. Trong một năm bầu cử quan trọng, với hàng tỷ người đi bỏ phiếu trên khắp thế giới, nếu không có tự do báo chí sẽ đều gây bất lợi cho nền dân chủ và gây hại cho tất cả chúng ta”, bà Ginsburg nói.
Từ khóa tự do báo chí ở Trung Quốc Jodie Ginsberg CPJ