Giới tình báo có cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phát động “cuộc chiến thông tin” toàn diện nhắm vào Úc, thủ đoạn thực hiện bao gồm một mạng lưới khoảng 5000 tài khoản truyền thông xã hội được hỗ trợ bởi AI.

australia
(Ảnh: becca282bl – pixabay)

Công ty an ninh mạng CyberCX có trụ sở tại Canberra tiết lộ, mạng lưới do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát được gọi là “Mạng ve xanh” (Green Cicada Network). Mục tiêu chính của mạng lưới này là gây rối loạn nước Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Nhưng CyberCX nhận thấy mạng này cũng nhắm mục tiêu vào Úc với nội dung gây chia rẽ về năng lượng hạt nhân; công đoàn ngành xây dựng, lâm nghiệp, mỏ và năng lượng Úc (CFMEU), chính sách nhập cư của Chính phủ Úc.

Nguồn tin tình báo có kiến ​​thức sâu rộng về các hoạt động can thiệp nước ngoài của Úc nói với News Corp Úc rằng Bắc Kinh đã sử dụng một loạt công ty tư nhân, như Tập đoàn Wagner – về mặt kỹ thuật là lính đánh thuê, nhưng thực tế do Nga kiểm soát. Những công ty đó không khác gì đặc vụ của ĐCSTQ.

Nguồn tin tình báo cũng đề cập ĐCSTQ đẩy tránh nhiệm cho các công ty tư nhân, nhưng tuyên bố các công ty này là “những tổ chức yêu nước”. Nguồn tin tình báo tiết lộ: “Mục tiêu của ĐCSTQ là chinh phục Úc về mặt nhận thức và kiểm soát câu chuyện cũng như cách suy nghĩ của người Úc”.

CyberCX cho hay hầu hết tài khoản “Mạng ve xanh” còn khá im ắng, có thể đang trong giai đoạn phát triển hoặc thử nghiệm khả năng vận hành thông tin. Công ty cho biết: “Nếu được kích hoạt hoàn toàn, mạng này có thể được sử dụng để tiến hành các hoạt động thông tin sai lệch quy mô lớn, khuếch đại nội dung gây chia rẽ để làm suy yếu niềm tin của công chúng đối với các tổ chức tư nhân và chính phủ”.

Theo CyberCX, mặc dù “Mạng ve xanh” không kết nối trực tiếp với Chính phủ Trung Quốc, nhưng nó có liên quan đến Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và công ty Zhipu về trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc.

Giám đốc chiến lược Alastair MacGibbon tại CyberCX nêu rõ, “Đó là một trong những mạng lưới tài khoản giả lớn nhất từng được phát hiện trên nền tảng truyền thông xã hội, và có thể là hoạt động thông tin quy mô lớn đầu tiên được điều hành bởi AI tạo sinh (Generative AI ) và liên quan đến Trung Quốc (ĐCSTQ)”.

Nhà khoa học Jorge Conde về chiến tranh nhận thức tại Đại học Quốc gia Úc (ANU) cho biết, đây là cách thức hoạt động thông thường của Bắc Kinh. Ông nói với News Corp Úc rằng Trung Quốc đang ngày càng sử dụng nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước như một đội quân ủy nhiệm để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng và chiến tranh thông tin… Mục đích của Bắc Kinh để “áp đặt trên toàn cầu mô hình thành công trong nước”.

Tóm lại, Bắc Kinh đang tìm kiếm “thống trị toàn diện và triệt để đối với các nền dân chủ tự do”, thực hiện mục tiêu đó bằng “gây ảnh hưởng ồ ạt trên quy mô lớn qua các câu chuyện xã hội”.

Vào năm 2022, công ty an ninh mạng Mandiant của Mỹ đã tiết lộ một chiến dịch truyền thông xã hội khác có liên quan đến Bắc Kinh, mục tiêu nhắm vào công ty khai thác đất hiếm Lynas Rare Earths của Úc.

ĐCSTQ đã sử dụng cái gọi là mạng lưới Dragonbridge để truyền bá thông tin sai lệch về hoạt động của Lynas Rare Earths, một công ty thách thức sự thống trị toàn cầu của Bắc Kinh trong việc cung cấp các khoáng sản quan trọng cần thiết cho mọi thứ – từ ô tô điện đến điện thoại thông minh.

Khác với các tài khoản AI của “Mạng ve xanh”, mạng Dragonbridge sử dụng các tài khoản do con người điều hành để quảng bá các tuyên bố ủng hộ ĐCSTQ.

Nhà khoa học Jorge Conde cho rằng Trung Quốc giỏi hơn “bất kỳ nước nào khác” trong việc sử dụng AI trong chiến tranh thông tin, mặc dù Mỹ vẫn dẫn đầu cuộc đua toàn cầu về phát triển AI. Ông nói: “Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm chủ được các phương tiện sử dụng mạng xã hội và AI để tạo ra và khuếch đại các câu chuyện, sử dụng thông tin do con người tạo ra và tổng hợp để phá hoại các thể chế dân chủ tự do”; “Trong không gian thông tin mạng toàn cầu ngày nay không có biên giới, điều này khiến chúng ta đặc biệt dễ bị tổn thương trước thông tin sai lệch được vũ khí hóa của ĐCSTQ”; “Chúng ta cần nhanh chóng phản ứng lập pháp để bảo vệ chủ quyền nhận thức. Nếu không, trong 20 năm tới, Úc có thể trở thành thứ mà Trung Quốc (ĐCSTQ) mong muốn chứ không phải thứ mà người Úc muốn”.