Trung Quốc gửi công hàm phản đối báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ
- Đức Trí
- •
Báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc vừa công bố chú trọng tham vọng tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc và báo động về nguy cơ Bắc Kinh gia tăng sức mạnh quân sự, nhấn mạnh đến việc oanh tạc cơ Trung Quốc được huấn luyện để có thể tấn công vào các mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh tại Biển Đông, cũng như khu vực Tây Thái Bình Dương.
“Nhận định này hoàn toàn chỉ là võ đoán”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hôm 17/8, một ngày sau báo cáo trên của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Quân đội Trung Quốc tập trận
Lầu Năm Góc: Trung Quốc ‘khả năng đang huấn luyện tấn công’ Mỹ
Reuters dẫn lại thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc cáo buộc Lầu Năm Góc đã bóp méo mục đích chiến lược của quân đội Trung Quốc – một đội quân “hòa bình”, và phóng đại “cái gọi là thách thức quân sự Trung Quốc”. Bắc Kinh yêu cầu phía Mỹ từ bỏ tư duy “thời Chiến tranh Lạnh”, nhìn nhận một cách khách quan về các hoạt động quân sự và xây dựng quốc phòng của Trung Quốc.
“Quân đội Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này và đã đệ trình công hàm kháng nghị nghiêm khắc với phía Mỹ”.
Theo bộ Quốc Phòng Trung Quốc, “việc quân đội Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa là để bảo vệ chủ quyền, an ninh và sự phát triển của đất nước, cũng như hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu”.
“Việc phát triển vũ khí và năng lực phòng thủ trong không gian internet của quân đội Trung Quốc là chính đáng và hợp lý. Những chỉ trích trong báo cáo của Hoa Kỳ là võ đoán thuần túy.”
Bắc Kinh cho rằng báo cáo của Mỹ có hại cho sự tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời hy vọng Washington có các biện pháp cụ thể để duy trì và thúc đẩy các quan hệ quân sự song phương.
Trung Quốc khẳng định đang tiến theo con đường phát triển hòa bình và theo đuổi một chiến lược quốc phòng mang tính phòng thủ, và vẫn luôn là nước đóng góp cho hòa bình thế giới và bảo vệ trật tự toàn cầu.
Báo cáo dài 145 trang của bộ Quốc Phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc, công bố hôm 16/8, đặc biệt lưu ý đến việc năm 2016 lần đầu tiên, Bắc Kinh triển khai oanh tạc cơ có khả năng mang bom hạt nhân, tại nhiều khu vực hàng hải chiến lược như Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, với lực lượng này, kể từ giờ Trung Quốc có được trong tay bộ ba vũ khí chiến lược, có khả năng tấn công hạt nhân từ trên không, trên bộ và trên biển.
Năm nay, không quân Trung Quốc đã cho các máy bay ném bom hạ cánh trên các đảo và các bãi đá ở Biển Đông như một phần trong một cuộc diễn tập huấn luyện trong khu vực có tranh chấp.
Vào tháng Giêng, Lầu Năm Góc đã đưa việc chống lại Bắc Kinh, cùng với Nga, vào tâm điểm của một chiến lược quốc phòng mới.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói “hoạt động xây cất hòa bình” ở Biển Đông là quyền của Trung Quốc trong tư cách một quốc gia có chủ quyền, và họ chỉ trích Mỹ về các hoạt động tự do hàng hải ở đó.
“Chúng tôi đòi phía Mỹ từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, nhìn nhận việc phòng thủ và xây cất quân sự của Trung Quốc một cách khách quan và hợp lí, ngừng phát hành những báo cáo có liên quan và thực hiện các bước thực sự để thúc đẩy và bảo vệ sự phát triển bền vững của quan hệ giữa hai quân đội”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra lúc căng thẳng Mỹ-Trung tăng cao về vấn đề thương mại và Tổng thống Trump luôn ra dấu hiệu không ngại đẩy cuộc đối đầu lên cao hơn. Báo cáo chỉ ra các nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, với chi tiêu quốc phòng mà Lầu Năm Góc ước tính vượt quá ngân sách 190 tỷ USD của năm 2017.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc xây nhà máy hạt nhân ở Biển Đông
Theo báo Straits Times của Singapore cũng trong ngày 16/8, Bộ Quốc Phòng Mỹ cảnh báo về các kế hoạch Trung Quốc đặt các nhà máy hạt nhân nổi tại các đảo tranh chấp trên Biển Đông
“Các kế hoạch của Trung Quốc cung cấp năng lượng cho các đảo này đã thêm yếu tố hạt nhân vào các tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này”, Lầu Năm Góc cho biết.
Bản báo cáo nhắc lại chính Trung Quốc đã từng tuyên bố sẽ xây các trạm điện hạt nhân nổi để cung cấp năng lượng cho các đảo và đá tại Biển Đông và các kế hoạch này có thể được tiến hành trước năm 2020.
Hoa Nam Tảo Bảo của Hồng Kông, Trung Quốc vào năm 2016 cũng đã từng thông báo là Bắc Kinh có thể xây đến 20 nhà máy hạt nhân nổi “để thúc đẩy việc phát triển thương mại” trên Biển Đông.
Đức Trí (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc biển Đông Quan hệ Mỹ - Trung chiến tranh thương mại