Trung Quốc, Nga ủng hộ Iran khi LHQ lên án Tehran thiếu quyền phụ nữ
- Minh Ngọc
- •
Trong cuộc bỏ phiếu nhằm trừng phạt Iran vì các cuộc đàn áp tàn bạo của đất nước này, Trung Quốc và Nga một lần nữa ủng hộ Cộng hòa Hồi giáo khi Liên Hợp Quốc loại bỏ Iran khỏi một ủy ban về bình đẳng giới.
Ngày 14/12, Hội đồng Kinh tế và Xã hội gồm 54 thành viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết do Hoa Kỳ soạn thảo nhằm ngay lập tức loại bỏ Iran khỏi Ủy ban Địa vị Phụ nữ nhiệm kỳ 2022-2026, với 29 thành viên bỏ phiếu thuận, 8 phiếu chống và 16 quốc gia bỏ phiếu trắng.
Trong số 8 phiếu chống có Trung Quốc, Nga, Bolivia, Kazakhstan, Nicaragua, Nigeria, Oman và Zimbabwe.
Nghị quyết được đưa ra trước phản ứng bạo lực của Tehran nhằm vào các cuộc biểu tình lan rộng sau cái chết của cô Mahsa Amini hồi tháng 9. Người phụ nữ 22 tuổi này đã chết khi đang bị “cảnh sát đạo đức” của Iran giam giữ. Đáng lưu ý, các quan chức Iran đã bắt giữ hàng nghìn người biểu tình và trong tuần trước, họ bắt đầu hành quyết những người biểu tình.
Bất chấp những diễn biến leo thang ở Iran, hai trong số các siêu cường của thế giới—Trung Quốc và Nga—vẫn kiên định ủng hộ nước cộng hòa này.
Tháng trước, Trung Quốc đã cùng với 5 quốc gia khác bỏ phiếu phản đối việc thành lập một phái đoàn điều tra các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Iran, trong khi Nga tuyên bố sứ mệnh này là “bất hợp pháp”. Nga hiện không thể bỏ phiếu trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì họ đã bị đình chỉ vào đầu năm nay sau khi tiến hành xâm lược Ukraine.
Một số chuyên gia nhận định với Newsweek, hai quốc gia dường như đang nỗ lực liên kết với Iran, trong bối cảnh mỗi bên đều phải đối mặt với những vấn đề riêng của mình trong nước. Nga vẫn đang sa lầy trong cuộc chiến tại Ukraine mà không đạt được nhiều thành tựu, trong khi tình hình kinh tế của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn, thêm vào đó là chính sách không có COVID của nước này đang thúc đẩy một phong trào phản kháng mạnh mẽ.
Để đối phó với các cuộc biểu tình ở Iran, Bắc Kinh đã ủng hộ Tehran bằng cách ít tham gia trừng phạt Cộng hòa Hồi giáo này hơn. Nga, quốc gia đang gia tăng sự phụ thuộc quân sự vào Iran, cũng nối gót Trung Quốc.
“Khi nội bộ Trung Quốc trở nên tồi tệ do tình trạng bất ổn phát sinh từ các lệnh hạn chế COVID-19 và suy thoái kinh tế, Bắc Kinh càng coi trọng sự công nhận bên ngoài về tính hợp pháp của mình,” ông Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation nói với Newsweek.
Ông tiếp tục: “Mối quan hệ đối tác với Iran và Nga mang lại sự hỗ trợ chính trị suy yếu cho Bắc Kinh, có thể giúp bù đắp phần nào sự suy giảm về tính hợp pháp do chính quyền xử lý sai lầm về dịch COVID-19.”
Ngày 14/12, Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Amir Saeid Iravani đã chỉ trích nghị quyết mới được thông qua này là bất hợp pháp. Ngoài ra ông cũng mô tả Hoa Kỳ là “kẻ bắt nạt” cố nhằm vào Iran trong một động thái “kinh khủng và đáng xấu hổ”. Nga cũng kêu gọi ý kiến của các chuyên gia pháp lý về việc liệu Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc có được phép loại bỏ Iran hay không.
Ủy ban Địa vị Phụ nữ được lập ra nhằm mục đích thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới. Các thành viên của Ủy ban được bầu vào nhiệm kỳ 4 năm bởi Hội đồng Kinh tế và Xã hội.
Bất chấp những lời chỉ trích từ Tehran và Moscow, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã ca ngợi cuộc bỏ phiếu hôm 14/12 là “một dấu hiệu khác cho thấy sự đồng thuận quốc tế ngày càng tăng đối với Iran và yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm.”
“Các vụ hành quyết kinh hoàng gần đây ở Tehran chỉ củng cố quyết tâm của chúng tôi trong việc mở rộng sự đồng thuận ngày càng tăng này, đồng thời theo đuổi tất cả các cơ chế có thể có để yêu cầu chính quyền Iran và các quan chức phải chịu trách nhiệm cho những tội ác này,” ông Sullivan nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Từ khóa trừng phạt Iran Iran đàn áp người biểu tình quan hệ Nga - Trung Quốc - Iran